Chứng kiến những phụ nữ đã có tuổi cặm cụi tập đọc, tập viết từng con chữ, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý chí, nghị lực vượt khó trong quá trình dạy-học của thầy trò nơi đây.

19 giờ, lớp học chữ ở bản Thẳm Hon sáng ánh điện, các học viên đã có mặt đầy đủ để giờ học bắt đầu. Tiếng đánh vần, đọc chữ, làm toán cộng, trừ, nhân, chia vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng; những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, tra ngô nay xòe ra làm các phép tính đơn giản hoặc vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn.

Trong số học viên của lớp học, người ít nhất cũng đã 30 tuổi, người nhiều nhất gần 50. Có người chưa một lần biết đến cái chữ, cũng có những người từng được đi học nhưng giờ đây đã quên mặt chữ... 

Học viên lớp xóa mù chữ ở bản Thẳm Hon tập đánh vần. 

Với chị Ly Thị Mo, việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm rẫy hay thêu thùa, nhuộm vải, nhưng không vì thế mà chị chán nản, bỏ lớp. Ngược lại, chị đi học khá đầy đủ. Đang chăm chú đánh vần, thấy chúng tôi lại gần hỏi thăm, chị Mo chia sẻ: “Đều đặn gần 3 tháng nay, ban ngày tôi lên nương trồng trọt, chiều về lo cơm nước cho gia đình, rồi tối thì đến lớp học chữ. Ngày trước, tôi không biết chữ, không thể tự đi làm giấy khai sinh cho con, những lúc con ốm phải đi bệnh viện cũng rất khó khăn vì không biết đọc. Bây giờ tôi có thể đánh vần, đọc được chữ trong sách của con, hai mẹ con có thể cùng nhau học bài, tôi còn tự viết được tên của mình nữa". Dù đã 31 tuổi nhưng chị Thào Thị Đơ chưa từng biết chữ.

Chị Đơ cho biết: “Trước đây vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi không được đi học, không được biết chữ. Biết tin có lớp học xóa mù chữ tự nguyện mở tại bản, tôi đã đăng ký tham gia. Bây giờ tôi đã biết đọc, biết viết, thuộc bảng chữ cái và làm những phép tính đơn giản rồi”.

Cũng như chị Mo và chị Đơ, khi biết tin có lớp học xóa mù chữ, hơn 20 chị em khác trong bản Thẳm Hon đã đăng ký tham gia. Đây là lớp học do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường La, Hội LHPN xã Tạ Bú phối hợp với Trường Tiểu học-THCS Tạ Bú và Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức cho hội viên phụ nữ ở bản Thẳm Hon. Lớp học bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 22 giờ hằng ngày, kéo dài trong 3 tháng.

Chương trình học sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 1, lượng kiến thức phù hợp với nhận thức của chị em phụ nữ dân tộc Mông. Khi biết tin lớp học xóa mù chữ được mở, thầy giáo Ly A Dếnh, giáo viên Trường Tiểu học-THCS Tạ Bú đã xung phong đứng lớp.

Là người dân địa phương, am hiểu phong tục, tập quán, có thể giao tiếp, trao đổi bằng tiếng dân tộc Mông với học viên nên việc giảng dạy của thầy Dếnh khá thuận lợi. Thầy Dếnh đánh giá, sau gần 3 tháng học tập, đa số học viên của lớp xóa mù chữ đã biết đánh vần, một số chị có thể đọc các đoạn văn ngắn, làm được phép tính cộng trừ với 2 chữ số.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong thời gian diễn ra lớp học, Hội LHPN xã Tạ Bú đã tích cực tuyên truyền, vận động học viên vượt qua khó khăn, đến lớp đầy đủ; đưa nội dung xóa mù chữ vào chương trình sinh hoạt của chi hội, động viên chị em tiếp tục học tập để phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày.

Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục phối hợp mở thêm các lớp học xóa mù chữ và lớp học sau biết chữ để giúp các hội viên đọc, viết thành thạo, nâng cao nhận thức, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Chị Phạm Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường La cho biết: “Lớp học xóa mù chữ tại bản Thẳm Hon là một trong 5 lớp xóa mù chữ do Hội LHPN huyện Mường La phối hợp với các xã: Chiềng Công, Chiềng Lao, Tạ Bú, Pi Toong, Mường Bú và một số trường tiểu học tổ chức cho 130 hội viên phụ nữ. Lớp học được tổ chức trong 3 tháng vào các buổi tối nên không ảnh hưởng đến việc lao động sản xuất của chị em. Các lớp xóa mù chữ đã giúp hội viên phụ nữ biết đọc, biết viết, biết làm một số phép tính đơn giản...”.

Chia tay lớp học nhưng hình ảnh người thầy giáo miệt mài, tận tụy hướng dẫn những học viên của lớp học xóa mù chữ ở bản Thẳm Hon vẫn in đậm trong chúng tôi. Dẫu biết sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng tin rằng, với sự cố gắng của cả thầy và trò, chắc chắn hành trình đi tìm con chữ sẽ có kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện Mường La.

 Bài và ảnh: LÝ THỊ HUYỀN TRĂNG