"Khoác áo mới" cho cây cầu dân sinh

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Cây cầu làm bằng thép và bê tông được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Thời gian đã khiến cây cầu cũ kỹ, có dấu hiệu xuống cấp.

Cầu được "khoác áo mới" từ mong muốn tạo nên một không gian nghệ thuật cho cộng đồng từ những vật liệu tái chế. Giờ đây khách bộ hành lên cầu như bước vào đường hầm thủy cung hấp dẫn có các loài cá đại dương bơi lội phía trên mái nhựa che vòm cầu. Những sáng tác này làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, ni lông tái chế... thu gom từ khắp nơi trong thành phố của họa sĩ Vũ Xuân Đông. Cá đuối, cá voi, cá mực bằng nhựa nhìn lung linh vào buổi tối nhờ ánh sáng từ hệ thống đèn hắt dọc hai bên vòm cầu và đèn led bên trong. Cùng với đó, dọc hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng chủ đề “Sóng” của họa sĩ Lê Đăng Ninh gợi nhớ ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những bức vẽ “Cá chép vượt vũ môn” của họa sĩ Cấn Văn Ân đầu cầu thang lên cầu cũng ngầm ý nhắc nhở về sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người.

Các tác phẩm trên cây cầu như hòa cùng một dòng chảy của sự sống, xuôi ra biển cả mênh mông. Theo họa sĩ Vũ Xuân Đông, nó giống như những dòng người xưa và nay từng nhộn nhịp gồng gánh từ bờ sông Hồng vào phố cổ, rồi ngược trở lên thuyền bên bến Phúc Tân, xuôi ra biển khơi. Kiến trúc sư Tô Thị Toàn, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng dự án mang nhiều ý nghĩa, không chỉ nằm ở tính nghệ thuật mà còn mang tính hữu dụng và là lời tuyên truyền mạnh mẽ về bảo vệ môi trường

leftcenterrightdel
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu dự án nghệ thuật cầu Trần Nhật Duật. 

Nghệ thuật vì cuộc sống con người

Cổng Trường Tiểu học Trần Nhật Duật nằm nép một bên chân cầu vượt qua đường Trần Nhật Duật. Hình ảnh cây cầu cũ kỹ, khô cứng đã quen thuộc với các em học sinh của trường. Bỗng một ngày, như có phép màu, cây cầu khoác lên mình chiếc áo mới. Lũ trẻ kéo nhau ra xem, trầm trồ. Em Bùi Hải Yến, học sinh Lớp 4D, Trường Tiểu học Trần Nhật Duật, nhà ở số 373 đường Hồng Hà, ngày nào cũng đi học qua cầu. Rất thích thú với những tác phẩm nghệ thuật bằng đồ tái chế, Yến cũng về mày mò làm một chú mèo xinh từ chai nhựa và nắp chai. Với chị Nguyễn Thị Bích Hằng, nhà ở số 3, ngõ 463 đường Hồng Hà, cầu đi bộ Trần Nhật Duật là lối đi quen thuộc hằng ngày vì nhà bố mẹ chị nằm ở phố Ngõ Gạch, bên kia cầu. Thế nên từ ngày có cầu mới chị Hằng rất vui. Cây cầu đó giúp chị không phải cân não lo mất an toàn giao thông mỗi khi đón con học ở Trường Tiểu học Trần Nhật Duật. Nhưng như nhiều người dân khác, trước đây chị thường chỉ đi qua cầu vào ban ngày bởi đến tối ánh sáng bị che khuất. “Cây cầu bây giờ vừa đẹp, lại sáng, sạch, nhiều người qua lại hơn đồng nghĩa với người đến nằm, vứt rác, phóng uế... vào buổi tối cũng sẽ không còn. Cây cầu thực sự đã nối những bờ vui”, chị Nguyễn Thị Bích Hằng nói.

Hạn chế vào buổi tối của cây cầu cũng đã được nhóm thực hiện dự án sớm nhận ra và tìm cách khắc phục. Chia sẻ ý tưởng khi thực hiện dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: "Thực tế khảo sát, chúng tôi nhận thấy buổi tối ánh sáng chưa đủ, nên mặt cầu khá tối. Từ đó, chúng tôi có ý tưởng biến cây cầu đi bộ này trở nên vui tươi, sinh động hơn cũng như được thắp sáng thêm vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng có một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế".

Hiện thực hóa nghệ thuật phục vụ cuộc sống, cải thiện đời sống người dân xung quanh là mục tiêu hàng đầu của nhóm thực hiện dự án vì tình yêu Hà Nội. Cách làm này đã thành công với dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Bà Nguyễn Thị Hòa, nhà ở số 70 phố Nguyễn Tư Giản chia sẻ rằng, chính quyền, các nghệ sĩ đã giúp người dân có một địa điểm sinh hoạt công cộng xanh, sạch, đẹp. Vì thế, ngày nào bà cũng cùng những người sống quanh khu vực này quét dọn để giữ gìn vệ sinh chung. Là người tham gia dự án ở Phúc Tân, nghệ sĩ George Burchett, một người nhận mình là người Hà Nội vì được sinh ra ở Hà Nội đúng một năm sau giải phóng Điện Biên, cũng nói rõ mục tiêu của các dự án hướng đến đầu tiên chính là vì cải thiện cuộc sống cho người dân và ông tự hào vì điều đó.

Đáng nói, không chỉ cùng cách làm và mục tiêu, dự án ở cầu Trần Nhật Duật còn là chiếc đòn gánh giữa dự án ở Phúc Tân và khu phố cổ với địa điểm Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho hay: “Cây cầu đi bộ giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê. Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau sẽ tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn, thu hút khách tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương. Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa-nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây”.

Bài và ảnh: CHÂU ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.