Tháng 4 năm 1975, những đám mây xám nặng màu nước cùng tiếng sấm ì ầm trên cao nguyên, nhắc nhở các sĩ quan tham mưu chiến dịch một mùa mưa sắp về. Cánh cửa Xuân Lộc đã mở tung. Các cánh quân hướng Đông-Đông nam được vinh dự nhận mục tiêu đánh chiếm Dinh Độc Lập. Vấn đề đặt ra : Phía trước là hệ thống hàng chục chiếc cầu trên các sông rạch bao quanh Sài Gòn, địch quyết tử thủ. Cầu, lực lượng địch trở thành vật cản.

Ba cầu quan trọng nhất ở hướng Đông trên quốc lộ 1 là cầu Đồng Nai (trên sông Đồng Nai), cầu Rạch Chiếc (trên vàm Rạch Chiếc, một nhánh thuộc hạ lưu sông Sài Gòn) và cầu Sài Gòn (trên sông Sài Gòn áp sát nội đô). Việc đánh - chiếm - giữ các cầu là nhiệm vụ hệ trọng có ý nghĩa quyết định cho việc đưa đại quân tiến vào đánh chiếm Thành phố.

Trận đánh - chiếm - giữ cầu diễn ra từ đêm 27/4 Ba đơn vị của lữ 316 đặc công là Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23, nhận lệnh đánh cầu Rạch chiếc.

Địch ở đây, ngoài tiểu đoàn bảo an, chỉ huy quân Ngụy đã điều thêm từ bắc cầu Rạch Chiếc ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một chi đội xe tăng, pháo 105 ly, xây dựng thêm công sự bằng thùng phi, bao cát và trang bị thêm các loại vũ khí hiện đại để "tử thủ". Từ tháng 3 năm 1975, khi Mỹ, ngụy phát hiện các cánh quân của ta đang tiến về miền Đông, chúng tăng cường tổ chức lực lượng, xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc, gồm 400 binh lính ngụy được trang bị mạnh, phòng thủ trong 2 dãy nhà xây và 4 lô cốt xi măng, có 5 - 6 lớp rào kẽm gai bảo vệ. Địch có thể cơ động 2 bên đầu cầu và trên mặt cầu trong những công sự dã ngoại bằng thùng phi, bao cát. Máy bay, xe tăng, pháo binh và tầu chiến địch sẵn sàng chi viện theo những phương án đã được định trước.

Quân Nguỵ tử thủ giữ cầu, nhưng không tránh đuợc thất bại, truớc lối đánh đặc công cường tập.

Về phía ta, ban chỉ huy chọn hướng tấn công, táo bạo , bí mật đưa bộ đội vượt qua đồng trống, băng qua xa lộ, vòng ra sau căn cứ, đánh vào lưng của địch. Ở Bắc cầu, ta đưa bộ đội bí mật vượt sông, vòng qua lộ đỏ thương phế binh, đánh vào sườn và mặt trước của căn cứ.

Ở chân cầu phía Nam, ta đưa một bộ phận bộ đội bí mật tiền nhập, bất ngờ nổ súng diệt ngay lô cốt ở chân cầu, không cho địch khai hỏa 2 qủa bom để phá cầu. Đây là đòn đánh hết sức có ý nghĩa .

Diễn biến tóm tắt: Đêm ngày 27 rạng 28 tháng 4, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đặc công, của tiểu đoàn D.81, Z.22 và Z.23, với vũ khí cầm tay đã đạp rào đánh chiếm căn cứ Rạch Chiếc. Lúc 5 giờ sáng 28 tháng 4, địch phản kích. Lúc 12 giờ trưa ngày 28 tháng 4, địch chiếm lại cầu. Ngay từ 9 giờ tối ngày 28 tháng 4, lúc địch còn hoang mang, chưa có đủ thời gian để tổ chức, củng cố lại các điểm phòng thủ, ta tổ chức chiếm lại.

Suốt các ngày 29, 30 tháng 4-1975, hàng chục đợt phản kích của Mỹ - ngụy có xe tăng, máy bay, pháo binh và ca nô chiến đấu yểm trợ. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của ta phải đương đầu với khoảng 2000 tên lính ngụy được trang bị đến tận răng, bị dồn vào chân tường, chúng hung hãn chống trả. Rốt cuộc chúng đã bị bộ đội ta đánh lui.

Trận đánh diễn ra trong hoàn cảnh: Ta không có hỏa lực hỗ trợ, không có phương tiện đánh công kiên, bộ đội ta sử dụng chiến thuật đặc công, ngụy trang, bí mật tiền nhập sát mục tiêu, bất ngờ, cùng một lúc, hơn 60 khẩu B40, B41, kết hợp với thủ pháo ( thay hoả lực ban đầu), bất ngờ dội lửa vào các cụm phòng thủ của địch. Các căn cứ địch chìm ngập trong khói lửa. Toàn bộ vật che chắn công sự bị bắn phá, địch chạy loạn xạ. Bốn trăm tên lính bảo an chưa hoàn hồn, thì chiến sĩ ta đã đạp rào băng vào căn cứ địch. Hàng trăm tên bị diệt, số còn lại leo lên cầu tháo chạy về hướng bắc cầu. Hệ thống phòng thủ của địch không phát huy được tác dụng. Bộ đội ta phát huy rất hiệu quả các hình thức phòng ngự, đánh chặn các đợt phản kích của chúng từ sông lên và từ 2 đầu cầu tới.

Chiếm được cầu, bộ đội ta tổ chức chốt chặn, xây dựng công sự ở cả hai đầu cầu chặn địch từ xa. Thiếu vũ khí, bộ đội ta lấy vũ khí địch đánh địch. Chiến sĩ tiểu đoàn D.81, dùng đại liên thu được của địch, đặt ngay lên mặt cầu, bắn chặn vào đội hình phản kích của địch. Cán bộ, chiến sĩ Z.22, Z.23 sử dụng công sự mới đào và hai lô cốt đầu cầu phía bắc để hình thành thế trận đánh địch từ xa.

Các loại vũ khí của địch được bộ đội ta sử dụng tối đa và có hiệu quả trong việc chốt chặn giữ cầu. Hai ngày, địch tổ chức bảy cuộc phản kích chiếm cầu có xe tăng, pháo binh và tàu chiến yểm trợ, tiến công vào Rạch Chiếc trên các hướng: đường bộ và đường thủy đều lần lượt bị đánh lui.

Cầu Rạch Chiếc được giữ vững. Đến 9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng của lữ đoàn 203 Quân giải phóng thọc sâu vào thành phố, lao qua cầu, tiến về Dinh Độc Lập.

Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn D.81, Z.22 và Z.23 vốn là những cán bộ, chiến sĩ đặc công, biệt cộng của đặc khu Sài Gòn, dày dạn kinh nghiệm đánh địch, nhưng cách đánh quen thuộc là hủy diệt, đánh tiêu hao, tiêu diệt . Còn đánh công kiên và chiếm giữ, tổ chức đội hình chốt chặn, đánh phản kích để giữ vững vị trí đã chiếm vài ngày, phối hợp với các mũi thọc sâu trong kế hoạch hợp đồng binh chủng… quả là một nhiệm vụ hoàn toàn mới đối với bộ đội đặc công.

Đánh chiếm và giữ vững cầu Rạch Chiếc, ngay sát "Thủ đô" của quân ngụy, trong điều kiện địa hình trống trải, giữa vòng vây của địch, trong khi chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra ở vòng ngoài, cách cầu Rạch Chiếc từ 20 đến 30 ki lô mét, là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề đối với cán bộ và chiến sĩ đặc công.

Có thể nói điểm nổi bật ở chiến thắng Rạch Chiếc còn thể hiện ở cách đánh hết sức sáng tạo của lữ 316. Nhận nhiệm vụ đánh một căn cứ chưa một lần trinh sát, điều nghiên, lại được địch phòng thủ cẩn mật, những người chỉ huy trận đánh đã vận dụng sáng tạo chiến thuật đánh đặc công với đánh cường tập của bộ binh.

Tác chiến trong điều kiện phía trước, phía sau đều là địch, vũ khí, đạn dược lại chỉ là vũ khí bộ binh, không có các phương tiện đánh công kiên và chốt chặn, không có pháo binh yểm trợ, không lực lượng tiếp tế lương thực, vũ khí và tải thương, cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn 316 đứng trước muôn vàn thử thách, khó khăn.

Tỷ lệ số liệt sĩ hy sinh ở mặt trận cầu Rạch Chiếc chiếm 8,5 %, trong toàn bộ số liệt sĩ hy sinh tại chiến dịch Hồ Chí Minh, đã phản ánh tính chất ác liệt và tầm quan trọng của trận đánh đối với chiến dịch.

D.81, Z.22 và Z.23 hoàn thành xuất sắc. 52 cán bộ, chiến sĩ can trường dũng cảm của chúng ta đã ở lại vĩnh viễn bên cầu .

Cho tới nay, cầu Rạch Chiếc đang có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, nối các tỉnh Miền Đông với TP. Hồ Chí Minh. Cầu sẽ được nâng tải trọng lên 30 tấn, với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng. Cây cầu đã hoàn thành sứ mệnh trong chiến tranh, trong thời bình. Rồi đây cây cầu lịch sử này sẽ được thay thế bằng cầu Rạch Chiếc mới có chiều dài 540,9m, rộng 46m và dự kiến hoàn thành trước 30-6-2010. .
Mãi mãi trong lòng dân Việt, chiến công đánh chiếm cầu Rạch Chiếc tháng 4-1975, trở thành tượng đài tôn vinh đức hy sinh vì Tổ quốc của chiến sĩ đặc công anh hùng. Trần Anh