Trong buổi chiều mưa lất phất ở Nam Định, tôi đang chuẩn bị cỗ cho buổi tối để tiếp đón bạn cô dâu thì một cậu bé lại gần và hỏi: “Anh ở xóm nào vậy?”. Tôi trả lời: “Anh ở xóm Dứa”. Một lúc sau, cậu bé lại hỏi: “Anh ở xóm nào vậy?”. “Anh ở xóm Dứa, em à”. Cậu bé tiếp tục hỏi lần nữa. Tôi bảo: “Em hỏi anh câu này lần thứ ba rồi đó”. Cậu bé im lặng... nhìn tôi... bằng ánh mắt thất vọng.

Tôi cũng không để ý cho đến khi cậu bé thơ thẩn đi vào sân nhà, một người em của tôi liền quát cậu bé: “Đi về, không ra đây nghịch”. Tôi liền hỏi: “Con nhà ai vậy em?”. “Em cũng không rõ nữa, chỉ biết thằng bé ở với ông bà nội anh ạ. Bố nó mất rồi, mẹ thì bỏ đi với người khác”.

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: vocw.edu.vn 

Câu trả lời từ người em càng khiến tôi tò mò về hoàn cảnh cậu bé. Sau một lúc vừa làm cỗ vừa hỏi chuyện từ bà cô thì tôi được biết người mẹ đã bỏ đi, phó mặc cậu bé sống với ông bà nội. Do hoàn cảnh, ông bà tuổi cao, sức yếu, không đủ kinh tế nên cậu bé phải nghỉ học.

Nhớ về những vết xước trên khuôn mặt cậu bé, tôi hỏi người em thì được biết “do hay trêu đùa bạn bè”. Có lẽ những vết cấu, vết hằn trên mặt, trên tay chân là những nỗi đau mà cậu bé không thể hiểu được ở thời điểm hiện tại, nhưng nó sẽ hình thành một tuổi thơ, một số phận khó êm đềm. Dù không biết lý do người mẹ đưa ra quyết định bỏ mặc cậu bé nhưng có lẽ chúng ta - những bậc làm cha mẹ - cần có trách nhiệm với những gì đã lựa chọn và con cái chính là tài sản lớn nhất, đừng vì khó khăn mà bỏ rơi, chối bỏ món quà vô giá đó.

Hãy cho những đứa con của mình một tuổi thơ đẹp nhất có thể dẫu gia đình còn nghèo khó. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu cậu bé được đi học cùng bạn bè, lớn lên như bao đứa trẻ khác với tình thương yêu của bố mẹ, ông bà thì trong tương lai nhiều khả năng sẽ là một người con hiếu thảo, người cháu ngoan hiền.

Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ về cháu tôi cũng bằng tuổi cậu bé, được bố mẹ chiều chuộng thì lại hay ăn vạ, mải chơi cũng như ăn nói thiếu duyên. Dù biết trẻ con chưa hiểu chuyện, như tờ giấy trắng, nhưng "bức tranh" trên tờ giấy trắng đó chính là hình ảnh phản chiếu sự uốn nắn, dạy dỗ, quan tâm của cha mẹ để hình thành nên tính cách cũng như tư duy của từng đứa trẻ.

Qua câu chuyện trên, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được sinh ra, lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ, anh chị em. Những suy nghĩ ngây thơ của tôi khi còn trẻ tuổi, đó là luôn ghét những thứ cha mẹ áp đặt, bắt mình phải làm việc này, chuyện kia quả thực là sai lầm. Chính sự nghiêm khắc của cha mẹ đã giúp tôi trưởng thành. Cha mẹ nghiêm khắc cũng chỉ vì muốn chúng ta trở thành những con người tốt, những công dân có ích cho xã hội.

LÊ ĐỨC DƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.