Cây lằng mọc nhiều ven các sườn núi, từng cụm lá tua tủa tỏa ra xanh mườn mượt. Khi con ve rát giọng gọi hè, đi đến nhà nào ở quê tôi cũng bắt gặp những chiếc nong lớn đựng đầy lá lằng phơi san sát nhau trên mái ngói. Dưới cái nắng chói chang như trút lửa của mùa hạ xứ Nghệ, chỉ sau một ngày, lá lằng đã tí tách khô giòn, thơm mùi sơn cước.
Mẹ thường hay nấu canh lá lằng với tép khô. Những con tép khô được để dành từ lâu lắm, từ hồi cha tranh thủ ngày sông cạn nước rồi mang hêu đi xúc về cả một giỏ đầy tôm tép, cá lia thia. Có lẽ cũng chỉ có tép khô mới kết hợp hài hòa được với cái hương vị là lạ đặc trưng của thứ lá lằng xứ nắng này.
Nếu như người Hà Nội thường ăn cốm kèm với chuối hương thì ở xứ Nghệ quê tôi, canh lằng sinh ra là để ăn kèm với cà muối mặn. Thứ cà pháo tròn lẳn nén chặt trong chum sành chừng vài tháng ròng mà lớp vỏ ngoài vẫn còn giòn tan. Cha tôi vẫn thường nói, không món chi trên đời tuyệt vời bằng bát canh lằng với dăm quả cà muối. Canh lá lằng mà ăn cùng sườn chua ngọt thì hỏng bét. Cà muối mặn ăn với canh xương hầm thì rất lệch pha.
 |
Canh cá lằng. Ảnh minh họa: Du lịch Việt Nam |
Canh lá lằng thơm mát, có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa nên đó luôn là sự lựa chọn đầu tiên của gia đình tôi trong những ngày hè nóng nực. Nước canh trong xanh hấp dẫn; vị canh đăng đắng, ngòn ngọt giao hòa với vị chua chua, mằn mặn, bùi bùi của cà muối thấm thía vào tận đáy lòng, đúng như những ca từ thiết tha quen thuộc: “Ai ơi, cà xứ Nghệ càng mặn lại càng giòn...”. Lá lằng nấu canh. Lá lằng làm thuốc. Cha tôi đi ăn cưới, ăn giỗ về ngà ngà men say, mẹ hay sắc một bát nước lá lằng đã rang khô cho cha giải rượu. Và có thể còn nhiều công dụng khác nơi thứ lá lành tính ấy mà tôi chưa khám phá hết.
Lá lằng khô có thể để được hàng năm. Hạn sử dụng của những quả cà muối mặn cùng ngót nghét hai, ba tháng. Thế là, túi lá lằng khô-hũ cà muối mặn chẳng biết tự bao giờ trở thành món quà quê gửi gắm nhiều yêu thương trong ba lô của những người con tha hương mang đi khắp mọi nẻo đường đất nước. Thứ hương vị thuần thảo, mộc mạc mà đậm đà ấy sẽ mãi là một phần không thể thiếu, vương vấn trong ký ức của những ai may mắn được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất xứ Nghệ sâu nặng ân tình. Để lúc ngán ngẩm những món ăn dư thừa chất béo, lại chép miệng: “Giá mà có bát canh lá lằng và dăm quả cà muối mặn”. Khái niệm nhớ quê, đôi khi chỉ cần như thế...
Cà muối thì mặn, canh lằng thì đắng. Ăn chung với nhau để thấy trong mặn còn có đắng, trong đắng còn có mặn. Con người thường hay bị cám dỗ bởi những thứ ngọt ngào. Nhưng quên rằng, mỗi ngày, chúng ta cần vị mặn gấp nhiều lần bất cứ thứ gia vị nào khác. Tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình cũng vậy, trải qua nhiều đắng cay thì sẽ càng thêm mặn mà, đằm thắm, đậm sâu. Cái ngon đích thực của một món ăn đâu chỉ thuộc về phạm trù vị giác mà nó phải tiềm ẩn một triết lý nhân sinh để chúng ta bằng cách nào đó, hãy tự mình mở trái tim cảm nhận.
Nếu có ai đó hỏi về đặc sản xứ Nghệ thì bên cạnh miến lươn Vinh, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn... tôi sẽ luôn tự hào giới thiệu với bạn bè mọi miền rằng: “Ở quê tôi còn có canh lá lằng, cà muối mặn! Ăn món này đã khó, thưởng thức nó lại càng khó hơn”.
Nhà văn PHAN ĐỨC LỘC