Điểm sáng ấn tượng
Trong bối cảnh các sản phẩm văn hóa thông tin truyền thống như băng đĩa, báo, tạp chí in… giảm sút về số lượng phát hành thì số lượng xuất bản phẩm vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2019, các nhà xuất bản (NXB) nộp lưu chiểu 17.111 xuất bản phẩm với 250.894.836 bản (tăng 6,9% về xuất bản phẩm, tăng 43,6% về số bản so với cùng kỳ năm ngoái).
Các xuất bản phẩm trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương. Nhiều xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kỷ niệm các ngày lễ lớn; phong trào xây dựng nông thôn mới; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông; đề tài về lịch sử dân tộc... Các xuất bản phẩm này được khai thác với nhiều thể loại, như sách nghiên cứu chuyên sâu, truyện tranh dành cho thiếu nhi... đáp ứng nhu cầu của nhiều lứa tuổi bạn đọc, phát huy truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa lịch sử dân tộc.
 |
Công ty Sách Thái Hà tổ chức giao lưu giới thiệu sách để quảng bá sản phẩm, kết nối bạn đọc. Ảnh: HOÀNG LINH |
Chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm có sự cải thiện và nâng cao, quan trọng nhất là các NXB và các công ty tư nhân đã định hình được hướng đi và phong cách xuất bản phẩm cho riêng mình. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết: “Kết quả này là nỗ lực rất lớn của các NXB, ngoài việc đầu tư về nội dung xuất bản phẩm, một số NXB đã mở rộng hoạt động liên kết xuất bản và giao dịch mua bản quyền, thu được hiệu quả cao. Cùng với đó, công tác truyền thông được các NXB và các công ty sách chú trọng thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện để đưa sách đến với nhiều bạn đọc trong và ngoài nước”.
Tuy vẫn còn một số xuất bản phẩm vi phạm phải xử lý nhưng số lượng đã giảm. 6 tháng đầu năm, chỉ có 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý (giảm 8,4% so với cùng kỳ 2018). Cụ thể, 22 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, bị đình chỉ phát hành, sửa chữa tái bản…; 8 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả (giảm 20% so với cùng kỳ 2018); 14 xuất bản phẩm được các nhà xuất bản tự nhận ra sai sót và xử lý, báo cáo Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Những điểm sáng của thị trường sách và hoạt động phát triển văn hóa đọc thời gian gần đây đáng chú ý là công tác phát hành, trong đó có sự tham gia của các trang thương mại điện tử góp phần đưa sách đến mọi miền Tổ quốc; hoạt động phát triển văn hóa đọc, như cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô”, dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”, “Tủ sách Nhân ái”, các đường sách mở ở nhiều địa phương… Những hoạt động kể trên thu hút sự tham gia của đông đảo bạn đọc, góp phần phục hưng văn hóa đọc trên cả nước, kích cầu ngành xuất bản.
Kiến tạo chính sách phát triển xuất bản
Chủ trương, đường lối định hướng phát triển cho ngành xuất bản hiện nay khá rõ ràng, đúng đắn; nếu được thực hiện tốt sẽ tạo cú huých để ngành xuất bản tăng trưởng chất lượng. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" đã xác định nhiệm vụ, giải pháp đối với lĩnh vực xuất bản: “Chuyển hầu hết các NXB sang đơn vị sự nghiệp có thu; trường hợp thật sự cần thiết, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì cho phép chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên 100% vốn Nhà nước”.
Hiện nay, có 43/59 NXB hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, còn lại là NXB hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) 100% vốn nhà nước. Theo quy định hiện hành, các đơn vị sự nghiệp công lập có ba cơ chế tài chính: Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí, Nhà nước bảo đảm một phần kinh phí và tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Việc áp dụng cơ chế nào đối với từng NXB chưa có văn bản quy định thống nhất, mà do cơ quan chủ quản thỏa thuận với cơ quan quản lý tài chính có thẩm quyền. Nếu chuyển sang mô hình mới, quyền tự chủ của NXB sẽ tăng lên, nâng cao hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn, khi trở thành công ty TNHH MTV, việc tuyển dụng người tài, sa thải người làm việc thiếu hiệu quả, thành lập các bộ phận nòng cốt kinh doanh, phát hành sẽ dễ dàng hơn, không phụ thuộc cơ quan chủ quản (thường bị vướng mắc vấn đề tổ chức nhân sự). Ông Phạm Chí Thành, Quyền giám đốc-Tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, cho rằng: “Vấn đề là trong quá trình chuyển đổi nếu không có sự hỗ trợ ban đầu, nhất là từ cơ quan chủ quản, các NXB sẽ phải đối mặt vấn đề thuế, bảo hiểm, phát sinh khó khăn trong hoạt động. Cho nên, cần sự phối hợp nhất quán và đồng bộ về chính sách cũng như giữa các cơ quan chức năng mới tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành xuất bản”.
Trao quyền tự chủ cho NXB là xu hướng đúng đắn, vấn đề là không thể nóng vội, thiếu nghiên cứu khoa học, thực hiện máy móc. Các bên liên quan cần phải thống nhất xác định lộ trình cho từng thời kỳ, tìm ra giải pháp thích hợp về cơ chế tự chủ, bao gồm cả việc tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tổ chức, nhân sự, thật sự trao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho giám đốc, tổng biên tập NXB. Một khi có quyền tự chủ trong tay, từ lãnh đạo và nhân viên NXB sẽ phải ra sức làm việc, quyết định tương lai của chính mình. Thực tiễn cho thấy, NXB phải tự thân nỗ lực xây dựng được thị trường tiêu thụ, làm tốt các khâu trong quy trình xuất bản, phát hành, tăng năng lực cạnh tranh mới có thể phát triển bền vững.
HÀM ĐAN