Ngay sau đó ít tiếng đồng hồ, Tổng thống Colombia đã lên tiếng trên đài phát thanh là Colombia không cần theo đuổi việc đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh nữa bởi Colombia đã có Márquez và “Trăm năm cô đơn”. Như vậy là đủ cho thế giới phải tìm hiểu đất nước này.

Tôi nghe câu chuyện này từ một nhà thơ Colombia. Rồi ông nói: “Cả thế giới cuối cùng phải biết đến và tôn trọng một đất nước nghèo khó, một đất nước của ma túy và bạo lực chỉ bằng một cuốn sách của một nhà văn”. Đấy là quyền lực của văn học.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (thứ hai từ phải sang) được NXB Trẻ hỗ trợ tiếp thị tác phẩm tại Nhật Bản năm 2018. Ảnh: MINH NHỰT

Tôi nhớ sau chiến tranh, những nhà văn, nhà thơ cựu chiến binh Việt Nam đã đến Mỹ. Trong những buổi đọc thơ đầu tiên của các nhà thơ Việt Nam tại Mỹ, người Mỹ đã đến nghe đông hơn những buổi đọc thơ của các nhà thơ Mỹ trước kia. Họ muốn xem một đất nước đã được gán cho là một cuộc chiến tranh sẽ cất tiếng về điều gì trong đời sống này. Bởi tất cả đều biết, người ta có thể giấu sự thật của lịch sử ở một khía cạnh hay một vấn đề nào đó, nhưng những văn bản văn chương dù cách nào cũng không giấu được những gì đang diễn ra trong xã hội đó. Sau những buổi đọc thơ đó, những người Mỹ nói rằng, lần đầu tiên văn chương đã giúp họ mở được cánh cửa vào đất nước kẻ thù và họ vừa hạnh phúc, vừa đau đớn nhận ra rằng: Đó là đất nước của một nền văn hóa, của thi ca chứ không phải là một cuộc chiến tranh của sự tàn bạo và máu.

Sau đó, họ chính là những người bằng mọi cách đã tác động rất lớn vào chính quyền Mỹ để xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Một trong những chính khách Mỹ đã có tác động quan trọng vào việc bình thường hóa quan hệ hai nước là Thượng nghị sỹ John Kerry. Ông là một người bạn thân thiết của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ, những người đã tìm mọi cách giới thiệu văn học Việt Nam vào Mỹ sau năm 1975. Ông chính là Chủ tịch danh dự của Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts), nơi đã dịch và truyền bá văn học cách mạng Việt Nam vào nước Mỹ. Với sự theo dõi của tôi trong hàng chục năm qua thì người Mỹ là những người dịch và giới thiệu văn học Việt Nam vào Mỹ nhiều hơn tất cả các nước còn lại trên thế giới. Vì những lý do đó mà năm 2017, chính quyền Boston, bang Massachusetts, Mỹ đã tuyên xưng nhà thơ Mỹ Kevin Bowen (Giám đốc Trung tâm William Joiner) bởi những hoạt động cho văn học của ông bằng cách chọn một ngày gọi là “Ngày Kevin Bowen” tại thành phố này. Một trong ba lý do để chính quyền TP Boston tuyên xưng nhà thơ Kevin Bowen là “Ông đã có công làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc nền văn hóa của Việt Nam-một kẻ thù cũ”.

Những câu chuyện trong muôn vàn câu chuyện như trên đã minh chứng sức mạnh hay có thể nói quyền lực tối thượng của văn chương trong việc xóa bỏ những hận thù, nghi ngại, xóa bỏ những rào cản về tôn giáo, chính trị và gắn kết con người với con người, quốc gia với quốc gia. Ngay từ ngày đất nước độc lập năm 1945, văn học đã được coi là một trong những sứ giả quan trọng. Nhưng chúng ta đã không phát huy được sức mạnh kỳ lạ đó của văn học. Những năm chiến tranh, bao cấp, văn học Việt Nam được dịch và tuyên truyền ở các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa chủ yếu là cách thức ngoại giao chính trị mà chưa thực sự là ngoại giao văn hóa. Ngay với Trung Quốc thì kể từ khi hai nước có quan hệ ngoại giao (năm 1950), sách văn học Việt Nam được dịch và phát hành ở Trung Quốc với con số quá ít ỏi đến kinh ngạc (khoảng 3 đầu sách văn học). Từ sau năm 1975 đến năm 2015, Trung Quốc chỉ dịch một tập truyện ngắn Việt Nam nhưng là thông qua một cá nhân dịch giả Trung Quốc có cảm tình với Việt Nam.

Từ sau chính sách đổi mới của Đảng, văn học Việt Nam bắt đầu được dịch và xuất hiện ở Mỹ và một số nước châu Âu. Nhưng đó cũng chỉ là đường tiểu ngạch. Nghĩa là các công trình dịch thuật này do các cá nhân dịch giả người nước ngoài tự làm hoặc do một vài cá nhân trong nước có quan hệ với những nhà xuất bản nước ngoài. Ngay cả tập tuyển tập thơ viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ của người Việt Nam có tên là “Sông núi” lần đầu được dịch và giới thiệu đến trí thức và bạn đọc Mỹ cũng là do cá nhân tôi chủ động dịch với các nhà thơ cựu chiến binh Mỹ qua phần tuyển chọn của nhà thơ Anh Ngọc. Những công trình dịch thuật quan trọng như vậy nhưng không có một tổ chức chính thức nào đề xướng, thực hiện và cả hai phía các nhà thơ cựu chiến binh Mỹ và tôi làm miễn phí hoàn toàn. Ngoài những ảnh hưởng tốt từ các tác phẩm dịch theo đường cá nhân thì có một điều bất lợi. Đó là nó không mang lại cho bạn đọc nước ngoài một cái nhìn trọn vẹn về văn học Việt Nam, hay nói cụ thể hơn là về văn hóa Việt Nam và những gì đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Thậm chí, có những cuốn sách được các cá nhân dịch giả nước ngoài chọn là một sự bóp méo sự thật về con người, đất nước và đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam. Chính vậy, từ khi đất nước được độc lập, nền văn học Việt Nam không vẽ được bản đồ văn học của mình trên tấm bản đồ văn học thế giới. Trong khi đó các nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... đã làm rất tốt. Một hiện thực cho thấy là không ít các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra thế giới đã nhận được những giải thưởng uy tín.

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, Hội Nhà văn Việt Nam có tổ chức một số hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Nhưng sau các hội nghị, chúng ta vẫn chỉ cất lời chào với bạn đọc thế giới chứ chưa có bất cứ một dự án dịch thuật hay một chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Và lúc này, Việt Nam phải có một chiến lược cụ thể cho việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Chiến lược này phải được Chính phủ Việt Nam thực sự quan tâm và giao cho một tổ chức văn chương ví dụ là Hội Nhà văn Việt Nam thực thi như là sự đặt hàng. Nếu không, văn học Việt Nam lại tiếp tục đi theo một con đường rất nhỏ và thiên lệch. Vì văn học Việt Nam chưa phải là một nền văn học được thế giới quan tâm, vì thế chúng ta phải làm từ đầu một cách bền bỉ trong hàng chục năm tới.

Chúng ta phải tổ chức chọn lựa tác phẩm, dịch, in ấn và phát hành theo cách chủ động nhất. Trên thế giới, có những hệ thống bán sách khổng lồ. Chúng ta phải có kinh phí mới có thể đưa sách tới những bạn đọc ở các vùng văn hóa khác và các quốc gia có thể chế chính trị khác biệt. Sau mấy chục năm kiên nhẫn thực hiện chiến lược quảng bá hình ảnh của mình, Hàn Quốc đã vô cùng thành công trong chiến lược truyền bá văn học nói riêng và văn hóa, nghệ thuật nói chung ra thế giới. Chỉ riêng ở Việt Nam, nếu có một triệu người Việt Nam đọc tác phẩm văn học Hàn Quốc thì chỉ có 100 người Hàn Quốc đọc văn học Việt Nam. Những năm gần đây, nếu bất cứ người Việt Nam nào muốn dịch các tác phẩm văn học Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ được các quỹ như Quỹ dịch thuật Hàn Quốc tài trợ một cách khá dễ dàng. Trong khi, chúng ta không làm được điều đó.

Sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, Ban chấp hành mới đã đặt mục tiêu giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của hội. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ về chiến lược này. Và chỉ khi Chính phủ đứng sau thì Hội Nhà văn Việt Nam mới có thể thực thi được sứ mệnh quan trọng này. Còn không, Hội Nhà văn Việt Nam lại chỉ như là người đứng từ xa kêu lên: “Chúng tôi có một nền văn học đáng được các bạn biết đến!”. Tiếng kêu ấy lần thứ nhất đến lần thứ hai có thể có người quay lại nghe. Nhưng rồi không thấy gì thì họ sẽ bỏ đi. “Không thấy gì”, ở đây nghĩa là họ không có cơ hội nào để đọc các tác phẩm văn học Việt Nam bởi chúng ta không hề mang tới cho họ thứ gì cả.

Nhà thơ, dịch giả NGUYỄN QUANG THIỀU, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam