Đường đến Đồn biên phòng Bo Heng và Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk (ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Campuchia) những ngày cuối năm hiện lên như một bức tranh tuyệt mỹ. Rừng khộp đồng loạt chuyển sang sắc vàng sắc đỏ, rực rỡ đến mê hoặc lòng người. Những cây cao khẳng khiu giăng mình dưới ánh nắng vàng nhạt như hàng ngàn người lính canh gác. Những ngọn đồi nối tiếp nhau, trải dài đến tận chân trời tạo nên một bức tranh vừa hoang dã vừa lặng lẽ. Tiếng chim hót líu lo cùng tiếng gió rì rào hòa quyện thành bản hòa ca thiên nhiên, khiến lòng người nghệ sĩ lắng đọng.

Đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tại cột mốc 46 biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh không khỏi bồi hồi khi lần đầu tiên được đặt chân và tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của vùng biên viễn xa xôi này mà trước đây chị chỉ biết qua sách báo: “Tôi không ngờ rằng biên giới lại có thể đẹp và yên bình đến thế. Mỗi cảnh vật ở đây đều trở thành nguồn cảm hứng vô tận đối với tôi, đặc biệt là hình ảnh của những chiến sĩ trẻ lần đầu đến với đồn và đón xuân nơi biên giới. Tuy nhớ nhà khôn nguôi, nhưng vẫn xác định rõ nhiệm vụ của mình, chắc tay súng làm tốt nhiệm vụ được giao”.

Bên cạnh vẻ đẹp đến ngỡ ngàng của thiên nhiên, những câu chuyện từ người lính biên phòng đã khơi dậy trong lòng các văn nghệ sĩ nhiều xúc cảm. Những vất vả trong việc tuần tra, những ngày Tết xa nhà nhưng đầy ắp tình đồng chí, tình làng xóm nơi biên cương khiến không ít người xúc động.

Nhà văn Hồng Chiến chia sẻ: “Chỉ khi đến tận nơi, trò chuyện với các anh em ở đây, tôi mới thực sự cảm nhận được giá trị của hai chữ Tổ quốc. Những hy sinh thầm lặng của họ đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều cảm hứng để sáng tác”.

Không ít văn nghệ sĩ trong đoàn đã từng đến với vùng biên giới này nhiều lần trước đó và mỗi lần quay lại đều là một lần trái tim họ rạo rực. Họ tìm thấy ở nơi đây không chỉ là nguồn cảm hứng vô tận mà còn là sự bình yên sâu lắng, khác xa nhịp sống hối hả ở thành phố.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Khải, người đã gắn bó với nhiều chuyến đi sáng tác tại biên giới, tâm sự: “Mỗi lần trở lại, tôi đều cảm nhận được sự thay đổi, không chỉ ở cảnh sắc mà còn ở chính bản thân mình. Sự mộc mạc, chân thành của người dân, những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ các Đồn biên phòng khi đón Tết tại đồn đã làm tôi thêm yêu mảnh đất này”.

Đường vào biên giới cảnh sắc đẹp như một bức tranh. 

Với anh, hình ảnh những cây khộp lặng lẽ đứng nghiêng mình giữa tiết trời hanh khô là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người lính Cụ Hồ và những người dân nơi biên giới. Chính từ những cảm xúc này, nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp và tình người nơi biên cương đã ra đời, để rồi lan tỏa niềm tự hào về một phần đất nước thiêng liêng nhưng cũng đầy gian khó.

Chuyến đi không chỉ là dịp để sáng tác mà còn là cơ hội để các văn nghệ sĩ hiểu hơn về cuộc sống nơi biên giới, từ đó truyền tải những cảm xúc chân thật qua từng bài thơ, bức tranh hay ca khúc. Họ trở về không chỉ với những tác phẩm mà còn với một tình yêu sâu đậm dành cho vùng đất và con người nơi đây.

Với mỗi bước chân trên vùng biên, mỗi ánh mắt nhìn về phía xa xăm của rừng khộp, các văn nghệ sĩ như được nhắc nhở về ý nghĩa của sự gắn kết giữa nghệ thuật và cuộc sống. Và trên hết, đó là sự tri ân dành cho những người lính biên phòng - những người đã tô điểm thêm sắc xanh bình yên cho dải đất hình chữ S thân thương.

Bài, ảnh: THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.