QĐND - Trước nay các sách bàn về nghệ thuật làm thơ đều nhấn mạnh đến cảm hứng, coi đó là trạng thái tâm lý then chốt và bao trùm trong quá trình cấu tứ cũng như xây dựng hình tượng ngôn từ. Người ta đều hiểu cảm hứng là nhu cầu bộc lộ tình cảm kết hợp với năng lực tưởng tượng, liên tưởng khác thường cộng hưởng với những điều kiện thuận lợi khác mới có thể sản sinh ra được một áng thơ hay. Xét về bản chất thì do có cảm hứng thôi thúc mãnh liệt mà người làm thơ buộc phải viết ra những điều đang nung nấu cháy bỏng trong lòng. Như vậy, làm thơ là công việc hoàn toàn tự nguyện, hoàn toàn cá nhân. Nói thế để thấy có thơ hay thật khó, và lại còn phải may mắn nữa…

Ông Vương Bột, nhà thơ cổ điển Trung Quốc viết rất hay về mùa thu, có hai câu “thần cú”: “Lạc hà dữ cô lộ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (Ráng chiều với cánh cò cô đơn cùng bay/ Nước thu trộn lẫn bầu trời xa một sắc). Ấy thế mà vẫn bị Mạc Đĩnh Chi (tương truyền), người Việt ta cho rằng thừa chữ, với lập luận đã “tề phi” (cùng bay) thì mặc nhiên là “dữ” (với) rồi; đã “nhất sắc” (một màu) thì tất nhiên là “cộng” (cùng) rồi. Thừa. Bỏ. Chỉ để còn: “Lạc hà cô lộ tề phi/ Thu thủy trường thiên nhất sắc”. Nhiều người tấm tắc khen là đúng, thơ cô đọng, hàm súc hơn. Nhưng dễ thấy câu thơ chữa tỉnh táo quá, vẫn là một bức tranh đẹp nhưng có gì đấy khô khan, cứ như thiếu vắng một cái gì đấy. Thì ra Mạc Đĩnh Chi đã rất lí trí khi chữa thơ mà không có cảm hứng về hình tượng thơ, đã làm mất âm hưởng ngân vang từ hai thanh trắc “dữ” và “cộng”. Thì ra, thơ hay là phải “mê” đi một chút!

Một tuyệt phẩm mùa thu của thơ Việt là “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư chỉ có chín câu, ba khổ tưởng chẳng ăn nhập gì nhau nếu nhìn từ góc độ cấu trúc chỉnh thể, nhưng ai cũng thấy hay. Đấy là vì hình tượng thơ được nâng trên đôi cánh cảm hứng lãng mạn, bay bổng, siêu thoát. Bài thơ là một thế giới ảo, “em không nghe” thấy mùa thu “thổn thức”, “em” cũng chẳng nghe thấy “rạo rực” trong lòng người và “em” cũng chẳng thể nghe tiếng lá thu rơi để không thể thấy hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” tuyệt vời hồn nhiên kia. Vì em ở thế giới thực thì làm sao có thể nghe thấy âm thanh, hình ảnh ở thế giới tiên. Bài thơ hay bởi cảm hứng về một thế giới tiên và tiếc cho những ai (như “em”) không nghe, không nhìn, không biết về thế giới ấy.

Thơ hay thời hiện đại viết về mùa thu phải kể đến “Sang thu” của Hữu Thỉnh: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se” còn “Sương chùng chình qua ngõ”, thế là có cảm giác “Hình như thu đã về”. Cảm hứng thu được huy động từ các giác quan: Khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình). Hai chữ “hình như” rất tinh tế, như là một cảm nhận bất ngờ, như là nói với lòng mình. “Hình như” thì cũng có thể là thật, cũng có thể là hư. Mơ màng. Đến hình ảnh cũng mơ màng, hư thực: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Cái hay của bài thơ chính là ở cảm hứng về mùa thu được biểu hiện qua những tâm trạng, hình ảnh đi giữa hai bờ hư thực này…

Như vậy, cái quyết định thơ hay thơ dở vẫn là cảm hứng. Cảm hứng quán xuyến, chi phối cấu tứ, hình tượng thơ. Cảm hứng chân thành, say mê may ra mới có thơ thật, chín nồng. Cảm hứng giả, say mê giả sẽ chỉ có những câu thơ giả, sống sượng. Những thi phẩm chọn lọc của Thơ mới Việt Nam 1932-1945 đọc đi đọc lại vẫn thấy hay vì đó là thứ thơ của cảm hứng thật, buồn thật, đau thật…

Ở ngày hôm nay, rất khó tìm thấy một bài thơ hay trên báo chí hay trong các tập thơ được sản xuất hàng loạt. Một nguyên nhân dễ thấy là cảm hứng trong đó nông, nhạt. Văn học là cuộc sống. Nhưng văn học cũng còn là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Thì ra phải sâu sắc hơn nữa cái chủ quan, tôi rèn hơn nữa cái vốn sống thực tế để nảy ra những cảm hứng mới… Có vậy mới hy vọng gặt hái được những câu thơ hay, ý thơ lạ.

NGUYÊN THANH