 |
“Nhịp chiêng và điệu múa truyền thống của người Bru-Vân Kiều” |
Người Bru-Vân Kiều sinh sống chủ yếu ở tỉnh Quảng Trị, có truyền thống văn hóa hết sức độc đáo và còn lưu giữ, phát triển cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong cuộc mưu sinh, một bộ phận đồng bào Bru-Vân Kiều từ Quảng Trị di cư đến nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó có Đắc Lắc. Sự thay đổi môi trường sống có ảnh hưởng gì đến văn hóa người Bru-Vân Kiều (?). Kết quả nghiên cứu điền dã nhân học về người Bru ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pách (Đắc Lắc) của GS.TS Ga-bo Vác-gu-át (Gabor Vargyas), cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học Hung-ga-ri và các cộng sự của ông ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phần nào giải đáp câu hỏi đó.
Sau 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9-2007) nghiên cứu điền dã nhân học về người Bru-Vân Kiều, với cách nhìn văn hóa trong sự biến đổi của xã hội và sự tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, GS.TS Ga-bo đã đưa ra những luận điểm, những đánh giá hết sức lý thú về văn hóa của người Bru-Vân Kiều. Trước hết, về ngôi nhà của người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu. Lý giải tại sao những ngôi nhà gỗ dựng theo mô hình truyền thống của người Bru-Vân Kiều dần ít đi, GS.TS Ga-bo cho rằng, người Bru-Vân Kiều cũng như các dân tộc khác ở Việt Nam đang sống trong xã hội hiện đại, kinh tế phát triển hết sức nhanh chóng, vì vậy những ngôi nhà kiên cố, thậm chí biệt thự cao tầng dần thay thế nhà kiểu truyền thống là điều dễ hiểu. Tư duy làm ăn kinh tế của người Bru-Vân Kiều cũng có những thay đổi phù hợp với sự tiến triển của xã hội. Hơn nữa, bây giờ tài nguyên rừng đã cạn kiệt, gỗ trở nên quý hiếm và vô cùng đắt đỏ, vì vậy đầu tư dựng nhà gỗ truyền thống có khi còn khó hơn nhiều lần so với xây nhà. Ngoài ra, một yếu tố khác nữa, đó là ở xã Ea Hiu, số hộ dân tộc Bru-Vân Kiều chỉ chiếm phần nhỏ (300 hộ), lại sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc anh em khác, vì thế họ chịu tác động và ảnh hưởng lối sống của người Kinh và các dân tộc khác. Tuy nhiên điều mà GS.TS Ga-bo quan tâm không phải là ở kiểu dáng truyền thống hay hiện đại của ngôi nhà, mà ông quan tâm đến: “bên trong ngôi nhà ấy chứa đựng cái gì về văn hóa Bru?”. Và quả thực qua nghiên cứu GS.TS Ga-bo nhận thấy, tuy ngôi nhà được xây theo kiểu hiện đại nhưng trong ngôi nhà của người Bru-Vân Kiều vẫn tồn tại sống động những sinh hoạt văn hóa, những lễ nghi truyền thống của người Bru chứ không phải của bất kỳ dân tộc nào khác. Cuối cùng, ông khẳng định: “Ngôi nhà dù xây theo kiểu nhà của người Kinh, nhưng nó đích thực là nhà của người Bru-Vân Kiều, bởi nó chứa đựng bên trong tập quán sinh hoạt, ứng xử và lễ nghi của người Bru-Vân Kiều. Và biết đâu, vài trăm năm sau những ngôi nhà xây ngày nay sẽ là những ngôi nhà cổ của người Bru!”.
Về trang phục người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu, những kết quả nghiên cứu 6 tháng qua cộng với những hiểu biết của ông trước đó, GS.TS Ga-bo đúc kết: “Người Bru-Vân Kiều không biết dệt vải, không có nghề dệt truyền thống như một số tộc người thiểu số khác. Vì thế, trang phục của họ là sự “vay mượn” trang phục của một số dân tộc khác như Lào và Tà Ôi. Nhưng nhìn vào cách ăn mặc, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra trang phục truyền thống của người Bru-Vân Kiều”. Về tín ngưỡng và tục thờ cúng tổ tiên của người Bru-Vân Kiều. Theo quan sát của GS.TS Ga-bo, người Bru-Vân Kiều ở Ea Hiu bây giờ vẫn giữ được tục thờ cúng nhiều vị thần linh, trong đó Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất. Trong truyền thuyết của người Bru-Vân Kiều, vị Thần lúa (vật thờ tượng trưng là hình trái bầu) không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lớn mà còn mang lại ấm no, sung túc cho con người. Một điều lý thú khác mà GS.TS Ga-bo thu nhận được trong đợt nghiên cứu này là, mặc dù trải qua nhiều đổi thay trong cuộc sống, (trong đó có cả thay đổi về không gian và môi trường sống từ tỉnh Quảng Trị di cư vào tỉnh Đắc Lắc), nhưng người Bru-Vân Kiều ở Ea Hiu vẫn giữ được những sinh hoạt văn hóa truyền thống như: họ có thể múa hát dân ca, diễn tấu chiêng và thể hiện được điệu nhạc cổ. Nhờ đó nên sau những chuyến nghiên cứu điền dã nhân học về người Bru-Vân Kiều, GS.TS Ga-bo đã sưu tầm được 100 bài hát dân ca, điệu nhạc truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Dự định của GS.TS Ga-bo, trong thời gian tới ông sẽ cho ra tập sách nói về người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu.
Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực sau chuyến nghiên cứu điền dã nhân học về người Bru-Vân Kiều ở Ea Hiu, GS.TS Ga-bo cũng nhận thấy còn những điều làm ông trăn trở. Đó là, còn quá ít người hiểu biết, giữ được văn hoá Bru-Vân Kiều và phần lớn họ thuộc lớp người cao tuổi. Còn đám thanh niên Bru-Vân Kiều hiểu về văn hoá ít lắm, thậm chí chẳng có chút vốn liếng nào về văn hóa của chính dân tộc họ. Một ví dụ đáng buồn cho tình trạng này đó là khi GS.TS Ga-bo cho một thiếu nữ Bru-Vân Kiều ở Ea Hiu nghe bài hát dân ca của chính người Bru-Vân Kiều mà ông ghi âm được trước đó, thì thiếu nữ này khẳng định: đây là lần đầu tiên trong đời được nghe (!). Để khắc phục tình trạng này, theo GS.TS Ga-bo thì nên chăng hằng tuần, hằng tháng đài phát thanh, truyền hình ở địa phương nên phát những bài hát, điệu nhạc dân ca truyền thống, những bản tin bằng tiếng Bru-Vân Kiều thì sẽ rất hiệu quả. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng nên cổ vũ cho đồng bào Bru-Vân Kiều tổ chức những lễ hội truyền thống của họ. Ông Trương Bi, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Đắc Lắc đánh giá: “Kết quả nghiên cứu điền dã nhân học về người Bru-Vân Kiều ở Ea Hiu của GS.TS Ga-bo là căn cứ khoa học hết sức quý. Dựa vào đó ngành văn hóa xây dựng chương trình hành động nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Bru-Vân Kiều khơi dậy, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp cho mai sau.
Bài, ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH và ĐINH HỒNG HẢI