Nhạc sĩ Lê Minh Sơn
Lê Minh Sơn sinh năm 1975 tại Hà Tây, quê mẹ anh ở Bắc Ninh-miền quê của những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Học âm nhạc chính quy chuyên ngành ghi-ta tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội từ năm 1985 tới năm 1998, Lê Minh Sơn còn là người rất có năng khiếu về sáng tác âm nhạc. Anh viết nhiều ca khúc, nhưng có lẽ phải tới Bên bờ ao nhà mình, do ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện trong đêm chung kết giải Sao Mai-2003 công chúng mới biết tới anh.

Khi nói chuyện với tôi, anh không nói nhiều mà thay vào đó là những "Ôi quê tôi lưng còng dáng em", là những gốc đa, bờ giếng rất đỗi quen thuộc trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Anh hát lên rồi giải thích, rồi nói cho tôi nghe những kỷ niệm của anh về hình ảnh con người và những vùng đất trên Tổ quốc ta nơi anh từng được đến. Đối với anh, đất nước mình thật đẹp, những nơi anh tới hoặc chỉ lướt qua đều để lại trong anh những cảm xúc khó phai.

Lê Minh Sơn đi sâu vào nghiên cứu để lấy những chất liệu âm nhạc dân gian, ngôn ngữ dân gian và cả những gì quen thuộc nhất với đời sống của nhân dân trong dân gian làm cảm hứng cho những sáng tác của mình nên trong ca khúc của anh hình ảnh của thôn dã thật đậm nét. Đó là hình ảnh con trâu, là chú chuồn chuồn ớt, là những cô thôn nữ, v.v.. Về mặt âm nhạc học, chúng ta khó có thể thấy thuyết Ngũ cung của âm nhạc dân gian trong ca khúc của anh, song thành công của anh chính là ở chỗ dù trong bất kỳ một bài hát nào, tất cả ca từ, thanh điệu và cao độ trong âm nhạc khi được người ca sĩ hát lên đều có sự hòa quện và ở đó tiếng Việt biểu hiện rất rõ nét. Đây chính là khả năng của Lê Minh Sơn trong việc khai thác cũng như tìm hiểu âm nhạc và ngữ âm tiếng Việt đưa vào sử dụng trong ca khúc của mình. Anh nói: "Mình là người Việt Nam, mình sáng tác nhạc để quảng đại quần chúng người dân Việt Nam nghe cho nên nó phải là những gì của gần gũi với đời sống và tiếng nói của người dân mình, thật gần với đời sống sinh hoạt của họ". Chính vì vậy, khi nghe ca khúc của Lê Minh Sơn, mới đầu chúng ta có cảm giác có cái gì đó "quái quái", lạ lạ, nhưng lại để lại trong suy nghĩ của chúng ta những ấn tượng thật đặc biệt vì đó là hơi thở của dân tộc mình, của những nét sinh hoạt Việt Nam bình dị. Bởi vậy, Lê Minh Sơn đã rất thành công khi những ca khúc của anh được đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ đón nhận.

Một yếu tố rất quan trọng để có thể có những ca khúc vừa mang được âm hưởng âm nhạc dân tộc lại vừa chuyển tải được nhịp sống mới chính là ở chỗ Lê Minh Sơn đi vào khai thác xu hướng tâm lý của tuổi trẻ, của những sáng tạo trẻ để kết hợp với những tiết tấu phức tạp trong âm nhạc phương Tây đưa vào ca khúc của mình "cốt cách" dân tộc nhưng lại có được nét cá tính rất thời đại. Theo anh, "để có một tác phẩm hay, ngoài những nguyên tắc, tri thức nghề nghiệp, người nhạc sĩ cần phải có sự tinh tế, sáng tạo khi quan sát những sự vật, hiện tượng khi đưa vào ca khúc, tạo cho nó sinh động và thật gần gũi với đời sống thường ngày". Đó là nguyên nhân dẫn tới thành công của anh khi các bạn trẻ đón nhận, đồng thời là "hiện tượng", trào lưu ca khúc Việt Nam mới. Đó là những hạt nhân tích cực vượt lên những ca khúc tầm tầm, những hiện tượng tiêu cực trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng đã nổi lên trong thời gian vừa qua. Đó là "nạn đạo nhạc", là hiện tượng tiêu cực trong lời ca và âm nhạc… mà kết quả của nó là hàng loạt những tác phẩm âm nhạc rẻ mạt ra đời.

Chúng ta thật sự tự hào khi một số nhạc sĩ đang không những cố gắng sáng tạo ra những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật và học thuật cao, mang hơi thở thời đại, mà họ còn nhận thức được giá trị nghệ thuật cũng như âm nhạc của dân gian để lấy đó làm nền tảng khi đưa vào sáng tác ca khúc mới. Đó là sự phản ánh trí tuệ, tài năng và niềm say mê sáng tạo nghệ thuật của lớp nghệ sĩ Việt Nam đang lao động hết mình vì một nền âm nhạc lành mạnh, tiến bộ nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Với Lê Minh Sơn, À í a (giải nhất Bài hát Việt năm 2005), Ôi quê tôi (được chọn là bài hát hay nhất của năm 2004)… là kết quả của người nghệ sĩ trẻ dâng tặng đất nước mình trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Đó là những âm hưởng Việt Nam, là những ngữ điệu, là tiếng nói của con người Việt Nam trong vô vàn những cái gì thuộc về Việt Nam. Những gì anh học hỏi được là tinh thần dân tộc, là chủ nghĩa nhân văn có tính chủng tộc mà các vị tiền bối của chúng ta như Văn Chung, Phạm Duy, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường… đã làm được. "Người làm sáng tác âm nhạc không phủ nhận 7 nốt nhạc trong âm nhạc phương Tây, không phủ nhận nguyên tắc khoa học trong khi phối khí, hòa thanh cho giai điệu theo phương pháp của họ, song chúng ta phải đặt vấn đề giai điệu và hơi thở âm nhạc dân tộc lên hàng đầu". Đó là nguyên tắc sáng tạo của người nhạc sĩ trẻ Việt Nam thế kỷ XXI-Lê Minh Sơn đặt ra và đã có những thành công xuất sắc trong thời gian qua. Với lòng say mê sáng tạo nghệ thuật và ý thức được trách nhiệm của nghệ sĩ đối với những giá trị văn hóa dân tộc, chắc hẳn Lê Minh Sơn sẽ tiếp tục cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

NGUYỄN ĐÌNH LÂM