Nậm Nghiệp có độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, nằm trọn vẹn trên triền phía Tây của dãy Hoàng Liên Sơn, trước mặt là núi Pú Luông cao 2.985 mét thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Nói đến Pú Luông không thể không nhắc tới đỉnh cao nhất là Tà Chì Nhù xếp thứ 6 trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam.
Nếu phía Tà Chì Nhù rừng núi đỏ rực màu hoa đỗ quyên, điểm xuyết những vạt tím mơ màng của hoa chi pâu thì mạn bên này trùng trùng những khoảnh rừng táo mèo trên trăm năm tuổi đang nở hoa trắng xóa.
 |
Một góc bản Nậm Nghiệp.
|
Bản nhỏ có hình dáng tựa đứa con được núi cha, núi mẹ che chở một cách vững chãi, bình yên. Mùa đông, bản không quá lạnh, mùa hè thì mát mẻ và đặc biệt các luồng gió nóng từ Lào kéo sang không thể nào vượt qua được những dãy núi trùng trùng điệp điệp kéo dài từ Điện Biên, tới Sơn La, qua Mường La để mà phủ lên Nậm Nghiệp. Đó là lý do ngay giữa mùa hè, Mường La có thể thật oi bức, khó chịu nhưng vào tới đây thì mọi thứ trở nên trong veo, nhẹ nhõm.
Trong ánh bình minh rọi xuống, Nậm Nghiệp hiện lên như một bức tranh sống động. Từ mỏm núi nơi nhà ông Thào A Vạng làm homestay, dõi mắt xa xa sẽ thấy lúp xúp những nếp nhà sàn thấp của người Mông đen ẩn mình dưới tán táo mèo như trò ú tim đầy kỳ thú. Nơi đây từng chênh vênh, thưa thớt, hoang sơ.
Nơi đây cũng có những khi lạnh giá, se sắt, khô khát. Nhưng bây giờ, hoa táo mèo đang đồng loạt nở, sắc trắng loang vào nắng sớm, mây chiều, bừng sáng như sức sống bền bỉ, kiên cường của đồng bào dân tộc Mông. Trước mùa hoa, cây nào cây nấy đều đã trút sạch lá. Nếu còn lá, cây không đủ sức đơm hoa ở thời tiết lạnh khô cùng độ cao hơn 2.000 mét được. Khi bung nở, năm cánh hoa màu trắng sữa với nhụy vàng dần ngả sang màu nâu đất tỏa hương ngây ngất, ứa mật.
 |
Du khách chụp ảnh cùng người dân bản Nậm Nghiệp. Ảnh: MAI LỮ |
Hết mùa hoa, táo mèo bắt đầu đậu quả. Sau 6 tháng, cây sẽ cho quả chín. Táo mèo Nậm Nghiệp đặc biệt hơn những miền đất khác, chủ yếu là loại nhỏ, có màu hồng rực, người buôn thường gọi là táo má đào với hương thơm đặc trưng, vị ngọt ngào và ít chát. Người dân vừa hái táo, vừa có thể ăn ngay, mỗi lần cả chục quả mà không phải nhăn nhó bởi vị chát thường gặp ở loại quả này. Ngoài bán ra ở địa phương, bà con cũng tự ngâm rượu hoặc học người miền xuôi cách làm trà hoa, si rô, chế biến món ăn...
Được mệnh danh là thủ phủ của táo mèo (còn gọi là sơn tra) cũng chẳng sai, toàn xã Ngọc Chiến có tổng diện tích gần 2.600ha, trong đó gần 800ha là cây cổ thụ tuổi đời vài trăm năm, riêng Nậm Nghiệp diện tích sơn tra đã chiếm hơn 1.500ha. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận Ngọc Chiến là “Xã có rừng hoa sơn tra lớn nhất Việt Nam”. Bà con dân bản kể rằng, cách đây khoảng 300 năm, những cư dân Nậm Nghiệp đầu tiên di cư từ Trạm Tấu qua đỉnh Tà Chì Nhù.
Hiện Nậm Nghiệp đang có năm dòng họ chính, là: Kháng, Sùng, Thào, Giàng, Phàng. Trong đó, họ Kháng lớn nhất ở đây. Bản có 135 hộ với hơn 700 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mông đen. Bản cao, xưa kia lại hầu như tách biệt so với các vùng khác nên đời sống của bà con chủ yếu là tự cung, tự cấp. Ruộng bậc thang cheo leo sườn đồi, giống lúa trụ được cũng thật đặc biệt, nấu cơm lên hạt to, đỏ đục như... hạt đậu. Khách xa ăn cơm hạt to thấy lạ lẫm vô cùng...
“Những năm trước, ít khách du lịch đến bản lắm, chủ yếu vì đường sá đi lại khó khăn, nhưng từ năm 2022, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19 qua đi, các nhiếp ảnh gia hay các đoàn khách thám hiểm đến đây và đăng tải thông tin trên mạng xã hội thì mọi người mới biết đến nhiều hơn”, ông Thào A Vạng vừa tiếp chuyện vừa chỉ vào cây táo mèo hoa trắng như mây mà nói: “Từ đời ông mình đã có cây này, tới đời bố, đời mình, đời con, đời cháu, cây cứ tự nhiên nở hoa, ra quả thế thôi”.
Bữa cơm mời khách nhà A Vạng có món cá suối nướng, cải mèo xào thịt mỡ gác bếp. Chủ nhà chợt hớt hải xua tay: “Thiếu rồi, thiếu đặc sản rồi!”. Miệng nói, chân chạy lên nhà trên, A Vạng khệ nệ mang ra rượu táo mèo, rượu na rừng. Rượu táo mèo màu hổ phách non, trong veo như ánh nắng rẻo cao. Rượu na rừng màu hồng ngọc long lanh, giống với vang hồng quý phái.
Cả bản mới có dăm, bảy hộ làm homestay và phong cách những căn nhà này cũng gần với nhà của người bản địa. Đó là những căn nhà gỗ giữa vườn táo mèo mang nét độc đáo trong kiến trúc truyền thống ở đây là nhà gỗ, lợp mái pơ mu. Xưa kia, nhà nào có điều kiện thì đi rừng tích lũy gỗ pơ mu, tích cỡ năm mười năm thì làm được một cái nhà to thật to. Gỗ pơ mu vừa nhẹ, vừa bền, vừa thơm, lại có thể chịu được nước nên bà con bổ ra để làm mái nhà, hàng trăm năm vẫn bền. Còn bây giờ, bà con đã ý thức rõ việc bảo vệ rừng nên không còn khai thác gỗ quý.
Còn nhớ, mấy năm trước, trong chuyến công tác đến Nậm Nghiệp, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi câu chuyện về cái chết của ông Kháng A Vang. Một ngày tháng 6-2021, mưa lũ ngập cả đường đi, cuốn phăng cây cầu gỗ trên lối đi duy nhất lên xã. Ông Kháng A Vang bị đau ruột thừa, người nhà đưa đi bệnh viện nhưng cầu đã mất, không cách nào vượt qua nổi đành quay về. Nước ngày càng dâng cao, bà con hơn một tuần không đi lại được, người đàn ông xấu số ấy đã trút hơi thở cuối ở nhà mà chưa kịp đi chữa trị.
Cả bản bất lực, ngậm ngùi và buồn bã. Bản còn có trường hợp chị Giàng Thị Sinh đau bụng chuyển dạ vào mùa hè năm 2022, nhưng cũng vì cây cầu chìm trong mưa lũ mà chồng chị Sinh là anh Kháng A Nhạ đã phải cầu cứu người trong bản hỗ trợ, đặt chị sang vệ đường và may mắn thay, mọi người đã giúp mẹ con chị thoát khỏi cửa tử...
Năm 2024, một cây cầu mới đã được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Điều đặc biệt là kinh phí hơn một tỷ đồng xây dựng chính là mồ hôi, công sức của hàng nghìn công nhân Tổng công ty May 10, đóng góp bằng những ngày lương cùng sự ủng hộ của bạn đọc và các nhà hảo tâm thông qua một tòa soạn báo nhằm chia sớt những khó khăn, vất vả với bà con nhân dân.
Nậm Nghiệp đang đổi thay từng ngày với sức sống bừng lên mạnh mẽ. Không chỉ bà con phấn khởi, mà những người dưới xuôi lên làm kinh tế cũng tự hào như thể đó là quê hương thứ hai của mình. Trong số những con người ấy, không thể không nhắc tới Nguyễn Cường-chủ ngôi nhà The Lover Hill với điểm nhấn là quán cà phê trên đỉnh gió. Năm 2021, trong chuyến đi Tây Bắc, anh dự định chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, vậy là trên hành trình ấy, anh lạc vào rừng táo mèo hoa trắng rồi “phải lòng”, chọn dừng lại và gắn bó, giúp bà con phát triển du lịch cộng đồng.
Việc quen thuộc nhất, thích thú nhất với Nguyễn Cường là tổ chức cho trẻ con ở bản vẽ tranh, hát múa. Anh khuyến khích đội biểu diễn khèn Mông của bà con luyện tập đều đặn, lớp trước truyền dạy lớp sau. Vừa để bảo tồn giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc, vừa là điểm nhấn với du khách khi ghé thăm. Mùa táo mèo chín, anh hào hứng mang xuống Hà Nội bán giúp bà con. Và rồi theo mùa hoa, mùa quả... người ta rủ nhau lên ngắm cảnh, đi bộ, hành thiền...
Những người Mông cấp tiến như Thào A Vạng, Kháng A Lệnh nắm bắt cái mới rất nhanh. Mỗi gia đình đã có vài ba căn nhà làm dịch vụ lưu trú cho khách và đang xây dựng thêm. Họ cũng vận động bà con làm mô hình này, mở thêm các đội hướng dẫn viên bản địa, xe ôm, văn nghệ, ẩm thực... và chăn nuôi lợn, gà, trồng rau để phục vụ khách tốt hơn.
Bà con cũng ý thức rõ phải giữ cảnh quan bản làng sạch đẹp, bảo vệ môi trường, nên lập ra các tổ vệ sinh dọn dẹp đường đi lối lại trong bản, trồng cây, trồng hoa. Bây giờ, các thiếu nữ Mông đã thoăn thoắt phục vụ, pha chế đồ uống, hỏi han khách một cách tự tin, niềm nở; những người phụ nữ từng mặc cảm vì không biết tiếng Kinh đã mạnh dạn hơn, sẵn sàng giao lưu cùng du khách.
Khi rời xa Nậm Nghiệp, có những giây phút lòng chợt nhói lên. Đó là một sáng tinh mơ cuối tháng 3-2024, gia đình Thào A Vạng quay cảnh mưa đá đang trút xả, vần vũ. Cảnh tiêu điều, xác xơ diễn ra chỉ sau một vài tuần chúng tôi rời bản. Trong câu chuyện chập chờn vì sóng điện thoại, vì thời tiết, có tiếc nuối, có xót xa... chẳng ai đoán biết được mùa hoa sắp tới thế nào, táo má đào có còn trĩu cành và theo chân người tỏa đi khắp hướng... nhưng rồi câu hát của ông Thào A Vạng đã vang lên, như son sắt, mộc mạc mãi một tình yêu, một niềm tin vào đất, vào người nơi đây.
Bút ký của LỮ MAI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.