Tái hiện xúc động hình ảnh nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn

Là một trong số ít phim chiến tranh cách mạng được đầu tư sản xuất trong thời gian gần đây, “Bình minh đỏ” (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất năm 2021) được giới chuyên môn và khán giả đón đợi.

Suất chiếu đặc biệt bộ phim dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2022) tại phòng chiếu phim Hội Điện ảnh Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chật kín khán giả. Trước đó, phim đã giành Giải thưởng Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, tại TP Huế.

Một cảnh trong phim “Bình minh đỏ”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp.

“Bình minh đỏ” lấy bối cảnh sau Tết Mậu Thân 1968, khi chiến sự ngày càng khẩn trương, ác liệt, nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Chỉ huy Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải phục vụ cho chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ Anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn.

Bốn cô gái trong phim là Châu (diễn viên Quỳnh Anh), Hân (diễn viên Bích Phượng), Sa (diễn viên Bảo Hân) và Thương (diễn viên Phương Anh) còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương binh, bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các cô gái tuổi đôi mươi phải đối diện, rồi dần quen với những khốc liệt thương đau, mất mát của chiến tranh.

Sự hy sinh lần lượt của Hân, Thương, Sa và anh trai trên hành trình làm nhiệm vụ đã để lại nỗi đau lớn đối với Châu. Châu không gục ngã mà gạt đi nước mắt, sự sợ hãi, cô dũng cảm, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dang dở của mình và đồng đội. Giữa đạn bom, khói lửa chiến tranh, tình đồng chí cao cả, tinh thần quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa sáng ngời, lấp lánh như những vì sao.

Vượt khó để có khúc ca bi tráng

“Bình minh đỏ” do tác giả Nguyễn Thị Minh Nguyệt viết kịch bản, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn Trần Chí Thành thực hiện. Chuyện phim được kể khá giản dị, dễ hiểu, dễ cảm, có sự đan xen giữa hiện thực với các phân cảnh hồi tưởng, đủ để khán giả hiểu được hoàn cảnh, lý do những cô gái đến với chiến trường khói lửa.

Phim có những cảnh quay táo bạo, tạo ấn tượng, lấy nước mắt người xem và không ít những tình tiết bất ngờ. Ở phần đầu phim, cảnh Hân xung phong nhận nhiệm vụ lái xe qua đoạn suối có quả bom nổ chậm rồi xe nổ tung ngay trước mắt khiến người ở lại khá sốc. Hay như phân cảnh Thương, Sa hy sinh cũng ám ảnh đối với người xem. Xen giữa những mất mát đau thương, những khát vọng đời thường vừa giản dị, vừa chân thực và có phần mộng mơ của những cô gái lái xe khiến cho bộ phim không bị nhuốm màu bi lụy.

Các diễn viên chính trong phim là Quỳnh Anh, Bích Phượng, Phương Anh, Bảo Hân đã làm tròn vai trò của mình và chinh phục khán giả xem phim. Bích Phượng vai Châu ra dáng đội trưởng dũng cảm, gan dạ và kiên cường. Phương Anh thể hiện rất gần gũi nhân vật Thương-một cô gái dịu dàng, yếu đuối sợ đủ thứ nhưng vẫn quyết tâm vào chiến trường để mong gặp người yêu đang chiến đấu nơi đây...

Vào vai Sa-một cô gái cá tính, cắt tóc ngắn giả trai nhập ngũ, luôn dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, diễn viên Bảo Hân chia sẻ: “Đó là vai diễn điện ảnh trong phim chiến tranh đầu tiên tôi được tham gia. Tôi nghĩ mình may mắn vì không phải ai cũng có cơ hội tốt để được vào vai trong phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Trải qua nhiều khó khăn trong hai tháng quay phim, có cả những nguy hiểm và sự cố nhưng tôi rất hạnh phúc khi đã được tham gia cùng ê kíp trong một dự án điện ảnh ý nghĩa như vậy”.

Để có thể hóa thân vào nhân vật, các diễn viên trẻ như Bảo Hân, Quỳnh Anh... ngoài việc tìm hiểu kỹ bối cảnh lịch sử qua sách báo, phim ảnh; đặc biệt, họ được gặp, trò chuyện nhiều với những “nguyên mẫu” nhân vật ngoài đời thực là các cựu nữ lái xe Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để hiểu hơn cuộc sống, công việc, sự gian khổ của nữ lái xe Trường Sơn năm xưa. Có mặt trong buổi ra mắt phim, các nữ lái xe thuở nào đã không giấu nổi sự xúc động, khi thấy lại những năm tháng tuổi trẻ dữ dội của họ được tái hiện trên phim chân thực như vậy.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, cách đây đúng một năm, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng những thước phim đầu tiên của “Bình minh đỏ” đã được khởi quay trong nắng gió của miền Trung. “Để làm nên bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh và người lính trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, ê kíp làm phim đã dốc sức gấp đôi, gấp ba. Thật mừng khi phim hoàn thành và được công chiếu đúng dịp diễn ra những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, gửi gắm thông điệp vô cùng ý nghĩa, thế hệ ngày hôm nay không quên những hy sinh của thế hệ cha ông ngày trước, đồng thời trân quý giá trị lớn lao của cuộc sống hòa bình”, NSND Thanh Vân chia sẻ.

NGUYÊN HÀ