Nhà báo, họa sĩ Hà Huy Phượng đam mê hội họa và báo chí từ thuở nhỏ. Khi học tiểu học, cậu học sinh Hà Huy Phượng đã tham gia làm báo tường của lớp với vai trò thiết kế đầu báo, chép thơ, vẽ trang trí... Tác phẩm biếm họa đầu tiên của cậu trên báo tường vẽ cảnh một học trò ngủ gật trong lúc đang học bài với chú thích: “Học... say sưa”. Đến năm học cấp 2 và cấp 3, Hà Huy Phượng vẫn được giao nhiệm vụ “chủ bút” làm báo tường của lớp và thường đoạt giải cao các dịp hội thi của trường. Hồi đó, thầy cô, bạn bè rất ấn tượng, thích thú khi xem những bức tranh vui, phê bình do Phượng vẽ.

Hà Huy Phượng bén duyên với hội họa chuyên nghiệp khi trải qua các vòng sơ tuyển năng khiếu để thi đỗ vào trường mỹ thuật và may mắn được làm học trò của nhiều họa sĩ tài danh Việt Nam. Tốt nghiệp ngành mỹ thuật, ông về làm việc cho tờ báo Đảng tỉnh Hà Tuyên trước đây, rồi tiếp tục theo học đại học báo chí. Tốt nghiệp, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Thời gian này, ông vẫn tiếp tục vẽ tranh biếm, cộng tác với nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương. Ông còn “nuôi” chuyên mục “Biếm họa” trên một tờ nhật báo với thời gian khá dài.

leftcenterrightdel
Nhà báo, họa sĩ Hà Huy Phượng với sở thích sưu tập tranh cổ động của các họa sĩ Việt Nam vẽ trong thời kỳ kháng chiến. 

Với ông, tình yêu biếm họa được truyền lửa chính từ việc thích xem tranh biếm trên báo chí. Ông bảo, từ hồi còn nhỏ, mỗi lần đọc Chuyên mục “Câu lạc bộ chiến sĩ” của Báo Quân đội nhân dân, thích nhất là được xem tranh vui, phê bình. Ông ấn tượng với tranh của các họa sĩ: Nguyễn Nghiêm, Văn Thanh... sau này có thêm tranh của họa sĩ Lê Viết Trí. Ông cho rằng, Chuyên mục “Câu lạc bộ chiến sĩ” đã góp phần làm nên thương hiệu Báo Quân đội nhân dân trong lòng độc giả, nhất là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội.

Khi bàn về thể loại biếm họa, họa sĩ Hà Huy Phượng nói nhiều đến biếm họa trên báo chí cách mạng Việt Nam. Ông cho rằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là nhà báo, họa sĩ biếm đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Khi làm báo “Le Paria” (Người cùng khổ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vẽ nhiều tranh châm biếm đả phá chế độ thực dân, đế quốc. Không chỉ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các thế hệ nhà báo cách mạng trong thời kỳ kháng chiến cũng đã sử dụng biếm họa trên báo chí như một thứ vũ khí đầy sức công phá trên mặt trận tư tưởng chống quân thù. Ngay như trong 33 số báo Báo Quân đội nhân dân được xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, các nhà báo-chiến sĩ cũng đã vẽ tranh cổ động, minh họa, biếm họa rất sinh động. Những bức vẽ đã tạo sự cộng hưởng tin tức tuyên truyền đánh thắng quân xâm lược...

Đối với sáng tạo biếm họa, nhà báo, họa sĩ Hà Huy Phượng kể vui: “Hồi còn làm ở tờ báo địa phương, tôi vẽ cảnh một nhân viên đang mời sếp thuốc lá. Nhân viên nói: Thưa anh, vỏ là Hồng Hà, nhưng trong là Ba Số (555) đấy ạ! (Lúc đó chúng ta có chủ trương khuyến khích dùng hàng nội). Hôm sau gặp một vị lãnh đạo, ông ấy cầm tờ báo, chỉ vào tranh của tôi bóng gió: Cậu ám chỉ ai? Tôi thấy ái ngại. Sau đó mới hay, vị lãnh đạo nọ là người thích hút thuốc lá ngoại”. Ông chia sẻ thêm, các họa sĩ biếm và cả người duyệt đăng biếm họa trên báo phải rất cẩn trọng, am hiểu và nhạy cảm, nhất là vẽ tranh biếm về đề tài chính trị, xã hội. Biếm họa là thể loại có sức mạnh, nhưng cũng rất dễ tạo ra khủng hoảng.

Đến nay, nhà báo, họa sĩ Phượng Ớt đã có “tài sản” với hàng trăm bức biếm họa. Ông chia sẻ đang viết cuốn sách “Biếm họa-sức mạnh và giới hạn”, trong đó có nội dung lý thuyết về thể loại và in phụ bản các tác phẩm của mình. Ông dự định sẽ tổ chức một triển lãm biếm họa. Chia tay nhà báo, họa sĩ Hà Huy Phượng dù còn nhiều điều muốn chia sẻ, nên tôi càng mong đợi cuốn sách và triển lãm về đề tài biếm họa của ông sớm ra mắt công chúng.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.