Sau 27 năm với 7 lần tổ chức, có thể nói, Văn học tuổi 20 là một cuộc thi quen thuộc và mong đợi của nhiều bạn đọc, bạn viết trong và ngoài nước. Khởi đầu là Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do NXB Trẻ phối hợp cùng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ chung tay tổ chức. Cuộc vận động sáng tác đã thu hút hàng nghìn cây bút tham gia trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những tác giả mới bước vào nghề và cả những tác giả đã in được một số đầu sách đều góp mặt trong cuộc thi, tạo nên sự đa dạng không chỉ ở thành phần tác giả mà còn ở cả vùng miền, cách thể hiện phong phú, thể hiện tiệm cận nhất với không khí của tuổi trẻ và hơi thở văn chương Việt Nam đương đại.
Từ cuộc thi Văn học tuổi 20, ban tổ chức đã tìm ra nhiều cây bút xuất sắc và triển vọng, nhiều trong số những cây bút ấy đã trưởng thành, góp phần không nhỏ vào văn đàn, làm nên “thương hiệu” và bảo chứng cho chất lượng của cuộc thi với bề dày 27 năm như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Võ Diệu Thanh, Trương Anh Quốc, Trần Thị Hồng Hạnh, Dương Thụy, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phan Việt, Trang Hạ...
 |
Ban tổ chức và các tác giả đoạt Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VII chụp ảnh lưu niệm.Ảnh do Nhà xuất bản Trẻ cung cấp. |
Lần thi mới đây, tuy không còn sự đồng hành của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Báo Tuổi trẻ nhưng với sự tâm huyết và quyết tâm giữ ngọn lửa soi đường tìm ngọc cho văn đàn, NXB Trẻ vẫn cố gắng tổ chức một cách quy mô và thiết thực, đồng thời đổi tên cuộc vận động sáng tác thành Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VII. Do dịch bệnh diễn ra phức tạp nên cuộc thi phải gia hạn thời gian, tuy nhiên, sự ngẫu nhiên này cũng tạo nên một góc nhìn mới và một khoảng lặng đủ sâu cho các tác giả làm “chín” hơn tác phẩm của mình.
Với 511 tác phẩm dự thi (nhiều nhất trong các lần tổ chức), Giải thưởng Văn học tuổi 20 đã tìm ra 12 tác phẩm xuất sắc nhất đưa vào chung khảo, in sách. Từ 12 quyển sách chung khảo, ban chung khảo với các thành viên uy tín và trách nhiệm như: PGS, TS Ngô Văn Giá; nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; nhà văn Phan Hồn Nhiên; PGS, TS Nguyễn Thành Thi và nhà báo Thúy Nga đã làm việc cật lực để tìm ra 8 tác phẩm vào chung kết và xếp hạng. Dẫu biết thứ hạng trong một cuộc thi văn chương chỉ là thước đo “gần chính xác”, song có thể thấy, kết quả giải thưởng lần này bảo đảm tính khách quan.
Được sự chú ý của nhiều độc giả, hai tác phẩm: “Vụn ký ức”-truyện dài của Yang Phan và “Nửa lời chưa nói”-tập truyện ngắn của Duy Ân xuất sắc giành giải nhì đồng hạng. Hai tác phẩm với hai cách thể hiện vừa độc đáo vừa học thuật đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm và đi vào mê cung tâm thức của người trẻ hiện nay. Quan tâm đến cuộc sống theo góc nhìn của chiều sâu nội tâm, có kiến thức sâu rộng về sự đa dạng và giao thoa ngôn ngữ, hai góc nhìn của hai tác phẩm phần nào giải mã câu hỏi “người trẻ nghĩ gì và làm gì trong cuộc sống hôm nay”.
Đồng giải ba là hai tập truyện ngắn “Vệt sáng của bụi” của Lê Quang Trạng và “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng. Hai tập truyện viết về những khía cạnh cuộc sống đương đại của nông thôn miền Bắc đầy màu sắc và miền Tây Nam Bộ sông nước phù sa. Hai tập truyện mở ra hơi thở lẫn khuất đâu đó ở những vùng đất lặng lẽ nhưng luôn trào sôi những phận người, câu chuyện và đặc biệt là tác giả đã nhìn nhân vật của mình với góc nhìn nhân văn, “học chưa bao giờ tắt đi hy vọng”.
Ba tác phẩm truyện dài đoạt giải tư bao gồm: “Bảy bảy bốn chín” của Hoàng Công Danh, “Chopin biến mất” của Hiền Trang và “Có thú dữ trong thành phố” của Nguyên Nguyên. Mỗi tác phẩm có một góc nhìn khác nhau, đa dạng về cuộc sống, mở ra cho người đọc nhiều chiều thích thú và suy tưởng.
Có thể thấy rằng, thành công của một giải thưởng Văn học tuổi 20 không chỉ bởi phát hiện ra những tác phẩm hay và xứng đáng mà còn ở sự thắp lên cho các tác giả đoạt giải một ngọn lửa để họ có thể phát sáng lên, hơn nữa một cách rực rỡ nhất. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (giải nhất Văn học tuổi 20 lần thứ II năm 2000) cho rằng: “Có thể có những tác phẩm chỉ “đánh ùm một tiếng rồi thôi”, nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng “đánh ùm” đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển”... Vì vậy, dù cho Văn học tuổi 20 đã khép lại sau 27 năm làm tròn sứ mệnh của mình nhưng biên độ tiếng vang của Văn học tuổi 20 vẫn còn cháy mãi trong lòng bạn viết, bạn đọc...
ĐỖ THẢO