Kho tàng di sản đồ sộ liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ

Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) xác định: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Di tích lịch sử-văn hóa gồm có di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân) và di tích kiến trúc nghệ thuật. Cùng với di tích, nói đến di sản văn hóa vật thể là nói đến di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia. Hiện nay, ngành văn hóa đã xếp hạng hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, hơn 3.600 di tích quốc gia và 133 di tích quốc gia đặc biệt, có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận, ghi danh bao gồm 8 di sản thế giới, 9 di sản văn hóa tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương).

Trong số các di tích có nhiều di tích liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt như: Rừng Trần Hưng Đạo (nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân), địa điểm Chiến thắng Biên giới, chiến trường Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, địa điểm Chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh, căn cứ Bộ chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam... Qua 12 đợt xét bảo vật quốc gia, 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được xét công nhận là bảo vật quốc gia. Trong số hơn 150.000 hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có 4 bảo vật quốc gia đặc biệt gồm: Chiếc máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324; chiếc máy bay MiG-21 mang số hiệu 5121; chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 đã tiến vào dinh Độc Lập ngày 30-4-1975; bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có rất nhiều di tích liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ. Ví như ở tỉnh Quảng Bình, theo kiểm kê khoa học, trên địa bàn tỉnh hiện có 28 di tích lịch sử liên quan đến LLVT nhân dân (giai đoạn 1945-1975) trong tổng số 136 di tích và danh thắng đã được xếp hạng.

Những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sở văn hóa, thể thao và du lịch các địa phương đã phối hợp với bộ CHQS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều việc làm thiết thực để bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị những di sản văn hóa vật thể liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ.

Các vị tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân và đại biểu tại khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng) trong dịp giao lưu “Về nơi khởi nguồn” do Báo Quân đội nhân dân chủ trì tổ chức, ngày 15-8-2024. Ảnh: TUẤN HUY 

Lựa chọn những di sản tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ để vinh danh

Từ Luật Di sản văn hóa của Việt Nam và Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới của UNESCO năm 1972, chúng ta sẽ thấy những công việc cần tiếp tục triển khai, thực hiện để bảo vệ di sản văn hóa liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ.

Trước hết, cần thống nhất nhận thức về những di sản vật thể liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ thể hiện qua những chặng đường lịch sử vinh quang và đầy tự hào của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Năm tháng đi qua nhưng những hiện vật, bảo vật, di tích của Bộ đội Cụ Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ luôn hiện hữu với dân tộc Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của những di tích, cổ vật và bảo vật này không chỉ là trách nhiệm của ngành bảo tàng Quân đội, của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và cơ quan quân sự các địa phương mà còn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.

Việc cần làm hiện nay là tiếp tục xếp hạng, phát huy giá trị các di tích liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ. Những năm qua, chúng ta đã làm tốt công việc này nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó đang đặt ra một số vấn đề phải giải quyết. Theo tôi, có thể nghĩ đến việc xây dựng hồ sơ quốc gia về địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trình UNESCO nghiên cứu, xem xét đưa vào danh mục di sản thế giới, vì đây là nơi ra đời một đội quân cách mạng đã đánh bại những đội quân xâm lược của các thế lực thực dân, đế quốc cường bạo nhất ở thế kỷ 20.

Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu lựa chọn các hiện vật liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ để xem xét, công nhận là bảo vật quốc gia. 80 năm lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng có biết bao hiện vật đã được sưu tầm, đưa về các bảo tàng trong Quân đội và ngoài Quân đội, song cũng còn không ít hiện vật chưa được sưu tầm, bảo quản tương xứng với giá trị lịch sử của nó.

Thứ hai, chúng ta thực hiện công việc bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ hội nhập quốc tế nên cần tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã làm tốt việc bảo tồn, bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa vật thể liên quan đến người lính, liên quan đến LLVT của nước họ, từ đó xây dựng hệ thống trưng bày, bảo quản, thuyết minh, giới thiệu di sản văn hóa liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè, du khách nước ngoài.

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng data bank (ngân hàng dữ liệu) các di sản vật thể liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ ở cấp quốc gia, cấp quân khu, cấp tỉnh và từng di tích. Data bank lưu trữ đủ các loại sản phẩm (băng hình, ảnh tĩnh, ảnh động và các text). Sưu tầm, sưu tập những công trình, những cuốn sách viết về Bộ đội Cụ Hồ đưa vào data bank này. Trên cơ sở đó xây dựng big data di sản văn hóa (cả vật thể lẫn phi vật thể) liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ.

Là người nghiên cứu về lịch sử-văn hóa biển Việt Nam, tôi vẫn mơ ước phải sưu tập, sưu tầm, xây dựng data bank về Đường Hồ Chí Minh trên biển để lưu giữ các di sản văn hóa vật thể liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ với con đường vừa hữu hình vừa vô hình này. Số hóa là công việc phải đặt ra để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể của Bộ đội Cụ Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ. Đồng thời với việc làm này phải sớm đưa di sản văn hóa phi vật vật thể vào Chương trình Ký ức thế giới mà UNESCO yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện. Có những hiện vật rất cần được nghiên cứu để trình UNESCO xem xét, công nhận ở cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cấp quốc tế. Chẳng hạn, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm 1944 của lãnh tụ Hồ Chí Minh; sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; những bức thư của người lính gửi cho nhau, cho người thân, cho gia đình từ năm 1945 đến 1975...

Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá các di sản văn hóa vật thể liên quan đến Bộ đội Cụ Hồ ở cả trong nước và ngoài nước. Theo đó, cần nghiên cứu biên soạn tài liệu thống nhất và dịch ra các thứ tiếng như: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung... để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, các bảo tàng chuyên ngành trong và ngoài Quân đội sử dụng, phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến bạn bè, du khách quốc tế.

GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.