Có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống
Về chiều, ánh nắng dần nhạt màu cũng là lúc Nhà văn hóa thôn Yên Sơn ríu rít tiếng trẻ con nô đùa. Mấy đứa con trai mải chạy theo trái bóng, góc kia là thả diều, cầu lông. Bọn con gái đạp xe, nhảy dây. Hỏi chuyện những cô bé đang túm tụm tại một góc sân cười đùa, tôi ngạc nhiên khi bé nào cũng biết tiếng Dao. Các bé Lý Minh Khuê, Lý Thị Kim Huệ và Triệu Quỳnh Giao đồng loạt chỉ tay vào một cô bé khác, bảo với tôi: “Cô hỏi chị kia, chị ấy học giỏi, biết nhiều lắm ạ”.
Dương Ngọc Ngà, 12 tuổi, người lớn tuổi nhất trong đám trẻ, khá xinh xắn, nhanh nhẹn, cho biết: “Tất cả chúng cháu đều nói được tiếng của dân tộc mình vì trong những bữa cơm gia đình, cả nhà vẫn sử dụng tiếng Dao để nói chuyện với nhau. Chúng cháu cũng hay được tham dự các ngày lễ, đám cưới nên biết được những phong tục của dân tộc mình”. Vậy các cháu nhớ nhất phong tục gì? Trả lời câu hỏi của tôi, lũ trẻ tranh nhau nói: “Phải thức đêm để chuẩn bị nhưng chúng cháu thích Lễ Làm đàng (Lễ Cấp sắc hay còn gọi là lễ trưởng thành cho thanh niên đã có vợ) và làm bèo (một đoạn nghi lễ trong Lễ Cấp sắc)”.
Trưởng thôn Yên Sơn Lý Thị Lân giải thích thêm: “Dịp cuối năm, người Dao thường tổ chức lễ này. Người Dao ở Yên Sơn đều có ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống nên vẫn duy trì trang phục, Lễ Cấp sắc, đám nhảy, Tết ở các gia đình... Bên cạnh đó, những hủ tục như thách cưới yêu cầu nhà trai phải phục vụ hoàn toàn, có bạc nén... đều đã bỏ. Nhờ đó, người dân trong thôn sống theo cộng đồng tình cảm, hiểu nhau, nếu có va chạm một chút cũng dễ cảm thông với nhau”.
    |
 |
Ông Triệu Phú Đức dạy cháu trai học chữ của người Dao.
|
Để hiểu hơn về văn hóa của người Dao ở đây, chúng tôi tìm đến nhà ông Triệu Văn Cao, ông mo do dân cử ra làm đại diện tâm linh cho làng. Ông Cao mệt nên chỉ cho chúng tôi đến ông Triệu Phú Đức với lời giới thiệu: “Ông Đức là một trong những người nắm được nhiều nét văn hóa của người Dao nhất làng”. Ông Triệu Phú Đức cũng là một trong số ít người còn đọc được sách chữ Dao cổ. Ông Đức bày tỏ tiếc nuối: “Ngày xưa, nhà nào cũng có sách và nhiều người đọc được. Nhưng nay số lượng người đọc được chữ Dao cổ còn rất ít. Tôi cũng không đọc được nhiều, nhiều đoạn không biết nghĩa, đọc không lưu loát. Sách thì còn khác nhiều và khi biết chữ sẽ giúp biết được nhiều điều về dân tộc mình. Tiếc là người Dao không có trường dạy chữ này. Chúng tôi tự dạy nhau nên tam sao thất bản. Mà ít người muốn học quá nên cũng buồn”.
Làm giàu từ vốn cổ truyền
Với người Dao ở núi Ba Vì, văn hóa không chỉ là niềm tự hào về tộc người, về những nét đẹp truyền thống mà thực sự đã đem lại nguồn lợi về kinh tế. Nhiều gia đình thoát nghèo, nhiều hộ thậm chí còn làm giàu nhờ nghề thuốc Nam.
Sau nhiều lần hẹn, bà Triệu Thị Bích Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì đón tôi ở lối vào thôn Yên Sơn, nơi có tấm biển đề: “Làng nghề truyền thống dân tộc Dao xã Ba Vì”. Kể lại giai đoạn hạ sơn của người Dao ở Ba Vì theo vận động của Nhà nước là cả một bước thay đổi đáng kể trong phong tục và đời sống của người Dao. Nơi ở mới của bà con là thung lũng ngay dưới chân núi Ba Vì, bà cùng nhân dân mang cây thuốc Nam xuống núi để trồng. Khoảng thập niên 1990 là giai đoạn khá khó khăn vì nhiều người không tin vào công dụng của thuốc lá người Dao. Bà Hòa vận động xin thành lập Hội Đông y xã Ba Vì. Năm 2014, bà cũng là người đề nghị xã xây dựng Yên Sơn thành làng nghề rồi bỏ công sức đi thu thập tư liệu từ 170 hộ dân làm thuốc trong thôn để xây dựng hồ sơ. Nhờ những việc làm này, thuốc lá của người Dao Ba Vì được biết đến nhiều hơn. Nhiều người tìm về mua thuốc có nghĩa là cuộc sống của người dân nơi đây cũng dần sung túc hơn. Ông Triệu Phú Đức kể lại: “Từ thời ông bà tôi, thuốc đã là hàng hóa. Người Dao mang thuốc vào tận miền Trung để bán. Do đó, nhiều người đã phát triển ra những bài thuốc quý hơn và tạo ra sự phong phú, uy tín cho thuốc lá của người Dao”.
Bà Triệu Thị Bích Hòa cho biết: “Để tồn tại, nghề thuốc người Dao cần hai yếu tố là bài thuốc và cây thuốc. Người Dao có tính cộng đồng cao, thường không giấu nghề. Thế nhưng hiện nay, vấn đề khó khăn là cây thuốc dần ít đi, muốn có lá thuốc, nhiều nhà tự trồng trong vườn. Tuy nhiên, có những cây thích hợp trồng trong rừng có tán mới lên được. Có cây phải trồng hơn 15 năm mới đủ dược tính. Ngoài ra, phải khẳng định rằng, không phải thuốc Nam của người Dao có thể chữa bách bệnh. Hiện nay, có một số quảng cáo thuốc chữa được tiểu đường, ung thư là chưa chính xác, ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề”.
Từng là nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS Ngô Kiều Oanh am hiểu nghề thuốc Nam của người Dao dưới chân núi Ba Vì. Những năm trước, bà đến nói chuyện với người Dao, giúp họ có niềm tự hào với nghề truyền thống của cha ông, đưa các nhà khoa học đến với người Dao... Khi nghỉ hưu, bà đã đầu tư tâm huyết để thành lập Trang trại đồng quê Ba Vì với mong muốn cùng chính quyền, nhân dân biến Ba Vì thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe. TS Ngô Kiều Oanh cho biết: “Yếu tố khiến các nhà khoa học thích thú với lá thuốc của người Dao ở Ba Vì vì ở đây có cộng đồng lớn với khoảng 2.000 người. Họ vẫn giữ được tri thức trong cộng đồng và truyền cho nhau để cùng làm ra bài thuốc chữa bệnh đàng hoàng. Họ lại biết làm thương mại để có thể sống được với nghề”.
Bài và ảnh: THANH THỦY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.