QĐND - Diễn ra trong 10 ngày (từ mồng 6 đến 16 tháng Giêng), Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh-Hà Nội) xuân Giáp Ngọ-2014 là một trong những lễ hội truyền thống đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tham dự. Không chỉ tái hiện những nghi lễ truyền thống mang đậm “hồn dân tộc”, Lễ hội Cổ Loa còn là dịp để giáo dục thế hệ con cháu hôm nay về ý thức chủ quyền dân tộc và bảo tồn những di sản quý báu của ông cha để lại.

Bài học giữ nước

Vào những ngày chính hội, người dân khắp các làng trên, xóm dưới của xã Cổ Loa và vùng lân cận lại náo nức, tưng bừng đi trẩy hội Cổ Loa. Những ngày đầu của lễ hội năm nay, từ ngã ba Quốc lộ 3 rẽ vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, dòng người nườm nượp theo gót nhau đi dưới những lá cờ Tổ quốc, cờ hội tung bay phấp phới hai bên đường. Bước vào khu vực trung tâm lễ hội, chúng tôi nhìn thấy hai câu đối  được viết trang trọng trước cổng chào: “Cổ Loa đất đế đô lưu truyền muôn thuở/ Hà Nội hồn sông núi hội tụ ngàn năm”.

Hội thi bắn nỏ - một nét đẹp truyền thống được duy trì ở Lễ hội Cổ Loa.

Làng Cổ Loa xưa gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm tám làng (ngày trước gọi là Bát xã Loa Thành) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa và Xép. Cả 8 làng này đều thờ vua An Dương Vương nên cùng tham gia tổ chức hội. Lễ hội được mở đầu với đám rước Văn gồm 5 lá cờ ngũ hành cùng phường bát âm hộ giá văn tế, được đặt trang trọng trong kiệu Long đình với lọng và tàn che. Tiếp đến là nghi thức tế lễ và nghênh rước thần của Bát xã Loa Thành. Nghi thức này thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng và sự gắn bó giữa các thôn làng trong việc thờ cúng tổ tiên, tri ân nguồn cội. Thành viên trong các đội nghi lễ và nghênh rước thần được lựa chọn từ những ông lão, bà cụ có uy tín và các nam thanh nữ tú với phẩm hạnh tốt.

Phần trọng tâm của lễ hội là chương trình tế lễ của Hội đồng Bát xã Loa Thành tại sân đền thờ vua An Dương Vương. Trong tiếng trống, tiếng chiêng trầm hùng và giai điệu nhạc lễ linh thiêng, đại diện ba bậc cao niên đã kính cẩn chiêm bái và cầu khấn anh linh đức vua phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng muôn đời được sống trong no ấm, thanh bình.

Ông Nguyễn Đăng Nhung, 82 tuổi, một trong những bậc lão niên đã có hơn 20 năm tham gia Lễ hội Cổ Loa, cho biết: Lễ hội Cổ Loa là để tưởng nhớ đức vua An Dương Vương, người có công lập nên quốc gia Âu Lạc trong thời bình minh dựng nước. Trong lễ hội có nhắc tới câu chuyện tình của công chúa Mỵ Châu, tuy buồn mà không bi lụy. Ngược lại, đó như lời nhắc nhở con cháu hôm nay không bao giờ được phép lơ là, mất cảnh giác trước các hiểm họa xâm lăng, mà phải luôn gắn bó bên nhau, đồng sức, đồng lòng trong công cuộc giữ yên bờ cõi, bảo vệ vẹn toàn giang sơn gấm vóc.  

Em Lại Duy Đại, thôn Lan Trì, học sinh Trường THPT Cổ Loa vinh dự là một trong những thanh niên được tuyển chọn vào đội nghênh rước thần tại Lễ hội Cổ Loa. Mang trên mình trang phục truyền thống lễ hội, gương mặt rạng rỡ, Đại phấn chấn nói: “Ở trường, qua học môn Lịch sử, em đã hiểu biết về lịch sử dựng nước từ thời Vua Hùng. Được trực tiếp tham dự Lễ hội Cổ Loa, em như được truyền thêm một bài học sinh động về truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta, qua đó nhắc nhở chúng em phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, tích cực góp sức trẻ tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.

Về với Lễ hội Cổ Loa, du khách được trở lại “không gian xưa” bởi sự tái hiện của nhiều nét đẹp truyền thống như: Đu tiên bồng bềnh trên không, hội thi đấu vật giòn giã tiếng trống thúc giục, nghe liền anh liền chị trao duyên tình tứ trong những làn điệu Quan họ ngọt ngào, thử tài trong cuộc thi bắn nỏ đầy thử thách hay ngắm nhìn những màn múa rối nước nghộ nghĩnh…

Giữ gìn những giá trị đặc biệt của di sản

Nếu như những nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Cổ Loa là những giá trị di sản phi vật thể sống mãi trong tâm thức ký ức người Việt, thì những giá trị di sản vật thể ở Cổ Loa cũng sẽ trường tồn cùng dân tộc. Theo các nhà khảo cổ học đánh giá, thành Cổ Loa có “ba cái nhất”, đó là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn nhất, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Cổ Loa không chỉ là một công trình quân sự tiêu biểu của người dân Việt thời tiền sử, mà còn được ghi nhận là một trong những đô thị đầu tiên trong lịch sử nước ta. Vì vậy, việc duy trì, tổ chức Lễ hội Cổ Loa là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản quý giá của di tích đặc biệt này.

Chương trình tế lễ của Hội đồng bát xã Loa Thành tại sân đền thờ vua An Dương Vương.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hoàng Thế Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Trưởng ban chỉ đạo Lễ hội Cổ Loa cho biết: Xác định Cổ Loa là một di sản có tầm quan trọng hàng đầu của địa phương, những năm gần đây, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo các ngành, các cấp và chính quyền, nhân dân xã Cổ Loa chú trọng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa và giữ gìn nguyên trạng những công trình hiện có trong phạm vi khu di tích".

Thành Cổ Loa hiện có diện tích gần 46ha, gồm 3 vòng thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín, đắp bằng đất, với tổng chiều dài hơn 16km. Khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia) với các loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, di tích cách mạng, di chỉ khảo cổ học. Tháng 9-2012, di tích thành Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Theo quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa sẽ trở thành “Công viên lịch sử-sinh thái-nhân văn” của Thủ đô với diện tích khoảng 860ha. Khu lõi là khu trung tâm của tòa thành Cổ Loa sẽ được bảo vệ nguyên trạng; khu trung là nơi dân cư đang sinh sống, sẽ tổ chức các dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch kết hợp với bảo tồn các giá trị nhân văn; khu ngoại sẽ xây dựng bảo tàng và các địa điểm tham quan, du lịch; khu biên sẽ trồng các hàng cây xanh với chiều dày 50m để bảo vệ toàn bộ khu di tích, chống sự “xâm lăng” của quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề giãn dân trong khu di tích. Hơn 10 năm qua, dù đã có chủ trương, nhưng vấn đề tìm đất giãn dân ra khỏi khu vực lõi di tích vẫn gặp rất nhiều trở ngại cả về cơ chế, chính sách và mặt bằng thực tế. “Nguyện vọng của người dân xã Cổ Loa là UBND TP Hà Nội sớm đẩy mạnh quy hoạch vừa phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản, vừa góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho người dân địa phương. Chúng tôi cũng đề nghị Thành phố cần sớm thể chế hóa quy chế quản lý khu di tích để bảo vệ di tích, ban hành cơ chế hợp lý để người dân không chia nhỏ đất ở, làm tăng mật độ, tạo ra những không gian nhà ở truyền thống, nhà cổ của khu vực Bắc Bộ. Chỉ có như vậy mới tránh làm mất đi những vườn cổ trong làng xóm và giữ được không gian văn hóa truyền thống ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa”-Ông Nguyễn Quốc Trung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THU THẢO