QĐND Online – Sáng 25-7, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật do một số tổ chức, cá nhân hiến tặng, trong đó có Bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm Giáp Thìn 1904, của Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam trao tặng.

Nói về giá trị của tấm bản đồ này, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Đây là tấm bản đồ rất có giá trị, là hiện vật có niên đại hơn 100 năm, thể hiện sự phát triển của bản đồ học Trung Quốc thời cận đại (nhà Thanh). Bản đồ này cho chúng ta thông điệp, năm 1904, trong nhận thức của người Trung Quốc, chủ quyền đất nước này chỉ đến đảo Hải Nam. Điều đó bổ sung vào chứng lý chủ quyền của Việt Nam rằng, Việt Nam thể hiện chủ quyền của mình từ rất lâu trong thư tịch, hành vi, trong bản đồ”.

Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng và tấm bản đồ cổ

Kể về quá trình sưu tập tấm bản đồ này, Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng cho biết: “Khi còn là Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, tôi được Giáo sư Phạm Huy Thông và Nguyễn Đổng Chi giao giữ kho sách và sưu tầm các sách Hán Nôm cổ. Tôi có một cộng tác viên thân cận thường xuyên mang sách đến bán, nhưng hôm ấy người đàn ông này đến gặp tôi không mang theo sách mà chỉ cầm theo một tấm bản đồ cổ. Nhiệm vụ của tôi là chỉ sưu tầm sách dân gian và không có chức năng thu thập bản đồ, nhưng thương cụ già vất vả vì phải đi cả chặng đường dài mà không có quyển sách nào để bán nên quyết định mua tấm bản đồ và đưa cho cụ 100 đồng (thời điểm đó khoảng năm 1977, giá trị bằng hơn một tháng lương của tôi). Tôi mang tấm bản đồ về nhà và giấu vợ vì đã bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua tấm bản đồ này. Hơn 30 năm qua, tôi đã giữ gìn tấm bản đồ này như một báu vật. Gần đây, tôi nhờ một học trò của mình tìm đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam để hiến tặng tấm bản đồ này. Tôi rất mừng vì “tiếng đàn” của tôi gảy ra đã được hàng triệu người nghe, đó là điều sung sướng nhất”.

Theo Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, Khang Hy là ông vua đầu tiên của Trung Quốc khởi xướng việc làm tấm bản đồ này, sau đó được chuyển giao cho các thế hệ con cháu. Trong suốt 196 năm liên tục chỉnh sửa và có sự tham gia của nhiều nhà khoa học phương tây, tấm bản đồ mới được hoàn thiện. Bản đồ khi hoàn thành gồm có 15 tỉnh, được in theo kỹ thuật của phương Tây, rất khoa học và chính xác. Tên bản đồ là “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, trong đó chữ “toàn đồ” có nghĩa là trọn vẹn bản đồ của đất nước Trung Hoa mà nhìn bản đồ ta thấy cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam trao bằng khen cho các cá nhân đã hiến tặng cổ vật

Ngoài tấm bản đồ trên, Ban tổ chức tiếp nhận hiện vật của bà Lê Thị Tâm, Hội viên Hội Cổ ngoạn Hà Nội trao tặng 4 hiện vật gốm gồm: Bát, đĩa, chum; GS.TS Chương Thâu, trao tặng một số sách về các nhân vật lịch sử như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các chí sĩ yêu nước; ông Vũ Quốc Hội – Hội cổ vật Thăng Long trao tặng một số hiện vật gốm sứ thời Lý, Trần; Hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam trao tặng 1 tháp đất nung thời Lý và một số cổ vật bằng gốm.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã khai mạc phòng trưng bày “Óc eo – Phù Nam”, giới thiệu 100 cổ vật quý của nền văn hóa Óc – eo. Đây là một nền văn hóa cổ được hình thành và phát triển trên cơ sở tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên, cách ngày nay khoảng 2000 năm ở khu vực đồng bằng Nam Bộ.

Bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm Giáp Thìn 1904

Hiện vật trưng bày tại đây gồm các chất liệu gốm, kim loại quý, đá, đồng. Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi hình mặt người, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ. Ngoài ra, còn có những con dấu, mặt nhẫn khắc hình người, động vật và các loại tiền, vàng, bạc, hợp kim, thiếc.

Gian trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” tại buổi lễ giới thiệu với người xem 50 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc được lựa chọn kỹ lưỡng từ các sưu tập của các nhà sưu tập là hội viên Hội Cổ vật Thăng Long và của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có niên đại từ văn hóa Đông Sơn tới thời Nguyễn, trong đó có hình trống đồng, ấm, thạp, chân đèn, bình, tráp... 

Những hiện vật, tài liệu được giới thiệu đến đông đảo công chúng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lần này giúp người xem hiểu rõ hơn về nền văn hóa của cha ông ta thuở xưa và tấm bản đồ cổ góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Nhóm PV QĐND Online