Tôi vẫn nhớ ngày đầu gặp cô hàng nước. Đó là một buổi trưa tháng 7 nắng chao chát. Sau khi giải quyết xong công việc, tôi tấp xe vào quán nước đầu ngõ nhỏ. Gọi là quán nước cho sang, chứ quán cũng chẳng có gì nhiều. Một chiếc bàn gỗ bịt bạt quảng cáo đã lỗ chỗ những lỗ thủng. Trên đó lỉnh kỉnh đủ thứ đồ, lọ nhựa đựng những túi kẹo lạc, kẹo dồi, khay gỗ đựng vài ba bao thuốc lá, mấy chiếc quạt lá đề bọc nilon... Chiếc ghế băng dài theo thời gian đã trở nên đen bóng. Cô hàng nước ngồi đó, thân hình gầy guộc khiến chiếc áo cô mặc rộng thùng thình. Đôi mắt cô sụp xuống, bọng mắt thâm quầng vì những ngày dài thiếu ngủ. Bù lại, đôi tay cô thoăn thoắt rót nước, miệng bắt chuyện với khách. Cô hay cười. Niềm nở với cả khách lạ hay khách quen.
 |
Vòm hoa giấy.Ảnh minh họa: Vietnamnet |
Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu như cô không bất chợt nhìn chiếc đồng hồ nhỏ đặt góc tường. Nhìn quanh mà không có ai ngoài tôi, dường như vội vàng điều gì, cô nói giọng nài nỉ: “Cháu có vội gì không? Trông giúp cô quán nước một lát, cô chạy ù về nhà có tí việc rồi ra ngay”...
Ngày nào cũng vậy, cứ hai tiếng đồng hồ, cô lại đáo qua nhà một lần để chăm con gái và chồng. Đã mười mấy năm nay, hằng ngày, dù bận đến đâu, cô vẫn phải bỏ dở quán nước để về nhà đúng giờ, đúng khoảnh khắc cần nhất ấy. Cái dáng người liêu xiêu, tất tả chạy đi rồi lại tất tả chạy về khiến tôi mường tượng ra sự bận rộn của cô hàng nước. Không bận rộn sao được khi vừa lo chồng, con ở nhà, vừa lo làm mất thời gian của khách.
Sau bận đó, tôi lui tới quán cô nhiều hơn. Cũng có dịp đòi theo chân cô về tận nhà. Con ngõ nhỏ chạy ngoắt ngoéo, nhà cửa cao tầng san sát như đi giữa vách đá dựng đứng ở một ghềnh thác nào đó. Tôi phải ngước lên mãi, lên mãi mới thấy được khoảng sáng bầu trời trên cao. Rồi khoảng sáng ấy đột ngột mở rộng ra khi đến căn nhà nhỏ của cô. Giữa dãy nhà cao tầng, căn nhà một tầng lợp mái fibro xi măng nhỏ bé lặng lẽ, rón rén thu mình.
Cánh cổng sắt han gỉ vùi mình dưới vòm hoa giấy chẳng mấy khi đóng bao giờ. Thế là bước vài bước có thể từ cổng vào nhà. Và đi hết căn nhà cũng chỉ trong vài bước chân. Căn nhà cũng giống cái quán nước nhỏ của cô, đơn giản là không có đồ đạc gì nhiều. Ngay lối cửa vào, chồng cô ngồi trên chiếc giường, người dựa vào tường. Chú là nạn nhân chất độc da cam, mấy năm nay lại gánh thêm bệnh hiểm nghèo, phải cắt bỏ thanh quản. Trên cổ chú lúc nào cũng phải đeo một miếng bạc để che phần cổ mở khí quản. Muốn nói chuyện với ai, chú phải viết ra chiếc bảng nhỏ.
Đối diện giường chú là chiếc cũi khổ lớn của con gái. Cô con gái lớn dù đã hơn 40 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ lên 3. Cô gái nhỏ nhắn, chân tay co quắp, miệng méo xệch. Đầu cô gái nghiêng nghiêng, lúc nào cũng lắc lắc như muốn chối bỏ nghịch cảnh đau đớn này. Cô hàng nước hỏi thăm chồng đôi câu rồi tất bật vệ sinh cho con, giúp con uống nước, chuẩn bị cơm trưa. Tất cả gọn gàng chỉ trong 10 phút ngắn ngủi. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra con gái cô hàng nước đang nhìn mẹ và nở nụ cười dù khó khăn nhưng bằng cảm xúc thật nhất. Chắc chị muốn thể hiện sự biết ơn về tấm lòng bao la của một người mẹ tảo tần sớm khuya vì chồng con.
Sau khi dọn dẹp xong, cô hàng nước vội vàng trở về quán, để tôi ở lại trong căn nhà trò chuyện cùng chồng cô. Chiếc giường ngay cạnh cửa sổ ngập tràn ánh nắng khiến chúng tôi phải ngồi lệch về một bên. Căn nhà bỗng chốc sáng bừng lên trong nắng, tôi có cảm tưởng cả con ngõ này có bao nhiêu nắng, bao nhiêu gió mát lành, tự nhiên đều tìm đường về đây, về với căn nhà nhỏ của cô chú.
PHƯƠNG NGUYÊN