“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba”. Mang theo câu ca nặng tình ấy trong tim, những ngày đầu tháng Ba năm Canh Dần, hàng vạn đồng bào ta trên khắp mọi miền đất nước và nhiều Việt kiều đã hành hương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng để tưởng nhớ các đức Tổ Vua Hùng và để tìm thấy gương mặt Tổ Tiên đã từng khai sơn phá thạch, đắp đê, trị thủy và đánh giặc giữ nước cho giang sơn gấm vóc Việt Nam nối liền một dải như ngày hôm nay.

Hàng vạn du khách thập phương dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2010
Sáng 22-4 (tức mồng 9 tháng 3 âm lịch), vừa đặt chân lên thành phố ngã ba sông Việt Trì, cũng như bao con dân đất Việt, lòng chúng tôi vô cùng phấn chấn xen lẫn niềm tự hào, xúc động bởi được trở lại vùng kinh đô của nước Văn Lang xưa. Đại lộ Hùng Vương với chiều dài 14km từ cầu Việt Trì đến ngã ba cổng Đền Hùng phấp phới cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu... đón chào du khách thập phương trở về với mảnh đất cội nguồn của dân tộc.

Trận mưa rào rạng sáng đã làm cho phố phường, đường đi lối lại phong quang, sạch sẽ và những hàng cây mướt mát hẳn lên. Thời tiết như muốn chiều lòng người. Nắng nhạt. Gió nhẹ. Có lẽ vì thế mà hàng vạn bước chân trên con đường từ ngã năm Đền Giếng lên núi Nghĩa Lĩnh như êm dịu, nhẹ nhàng hơn. Và tâm trạng của muôn dân đất Việt hướng về các đức Tổ Hùng Vương trở nên thư thái, thanh thản hơn.

Chúng tôi đã đi dự nhiều lễ hội, nhưng thật hiếm thấy lễ hội nào dòng người nườm nượp mà vẫn giữ gìn trật tự như ở Lễ hội Đền Hùng. Điều này cũng dễ lý giải bởi trong tiềm thức, tâm khảm của mỗi con Lạc cháu Hồng, trở về Đền Hùng là được trở về với tổ tiên, trở về với hồn thiêng sông núi, trở về mảnh đất cội nguồn thân thương của dân tộc để được thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh - nỗi niềm sâu kín nhất của mình.

Dâng bánh chưng lên đức Quốc Tổ sau hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy
Chị Hoàng Thị Bông, 43 tuổi, quê ở thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông (Phú Thọ) bị hỏng mắt từ nhỏ. Nhà chỉ cách Đền Hùng hơn 20km, nhưng từ nhỏ  đến nay, chị vẫn ao ước được một lần đến thăm mảnh đất này. Chị tâm sự: Tôi phải nhờ người em gái đèo xe máy đến tận nơi, rồi dắt tay tôi lên tận đền Thượng thắp nhang cho các Vua Hùng. Dù không nhìn thấy gì, nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí thành kính, thiêng liêng ở nơi thờ tự các đức Tổ Hùng Vương. Nói anh đừng cười nhé, chỉ cần ngửi thấy mùi hương thơm ngào ngạt và tay sờ vào bát nhang ở đền Thượng là tôi cảm thấy ước mơ lớn nhất của đời mình đã được toại nguyện.

Chúng tôi đâu dám cười, mà lòng đang nghẹn ngào đấy chị Bông ạ. Bởi đôi mắt chị không nhìn thấy mặt trời, nhưng tâm hồn, tình cảm của chị dành cho các đức Quốc Tổ trong sáng vô ngần và rất đáng trân trọng.

Lần đầu tiên được ra miền Bắc và đi tham quan Đền Hùng, Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Quý, 27 tuổi, quê ở xã Phong An, huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) mang trong lòng cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Trong tâm trạng xúc động, anh bộc bạch chân thành: Quanh năm công tác ở nơi biên giới xa xôi, hẻo lánh, về thăm đất Tổ lần này, tôi muốn bày tỏ tình cảm của các chiến sĩ biên phòng từ mảnh đất Cố đô Huế đối với các Vua Hùng và mong anh linh của các đức Quốc Tổ phù hộ cho những người chiến sĩ mang quân hàm xanh mãi chân cứng đá mềm để bảo vệ toàn vẹn non sông gấm vóc và giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của ông cha để lại.

Phường Xoan Kim Đới, xã Kim Đức, TP Việt Trì hát Xoan phục vụ du khách tại Nhà công quán (Khu di tích lịch sử Đền Hùng)
Về với Đền Hùng, con cháu Lạc Hồng không chỉ được bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân với các bậc tiên hiền, tiên liệt, được thả hồn trong tình đồng bào thân thương, nghĩa quê hương sâu nặng, mà còn được tắm mình vào không gian văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Những tiếng hát Xoan ngọt ngào, đằm thắm; những tiếng trống đồng trầm hùng ngân vang; những tiếng đâm đuống “thậm thình, thậm thình” mộc mạc, dân giã; không khí hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy náo nức, khẩn trương; những màn diễn xướng văn hóa dân gian đầy huyền bí... đã hòa quyện vào nhau như làm sống lại không gian văn hóa cổ truyền của ông cha ta từ ngàn năm trước. Được hòa vào không gian ấy, mỗi người dân đất Việt tìm thấy “hồn dân tộc” trong đó.

Còn đối với người nước ngoài, họ tìm thấy ở đây sự thích thú. Ông Rolf Bergman (Đại sứ quán Thụy Điển) cùng một số đồng nghiệp đến tham quan, tìm hiểu Đền Hùng trong dịp này đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính trọng trước bề dày lịch sử hàng nghìn năm của đất nước ta, đặc biệt là khi Việt Nam đã thành công trong việc bảo tồn và giữ gìn được những nét đẹp truyền thống từ rất lâu đời.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Rolf Bergman nói: Dân tộc các bạn có một truyền thống văn hóa mà không phải quốc gia, dân tộc nào cũng có được. Đó là các bạn có chung cội nguồn, chung ngày Quốc Giỗ và cùng thờ một đức Quốc Tổ Hùng Vương. Tôi nghĩ, các bạn nên tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa ra thế giới để người dân các dân tộc khác đến Việt Nam tìm hiểu truyền thống rất nhân văn này.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trồng cây tri ân Quốc Tổ Hùng Vương

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người”, Lễ hội Đền Hùng năm nay có thêm một sự kiện đầy ý nghĩa là phát động phong trào “Doanh nhân Việt Nam trồng cây tri ân Quốc Tổ Hùng Vương”.

Buổi lễ diễn ra vào vào đầu giờ chiều 22-4, trước ngày chính giỗ Quốc Tổ với sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và 100 doanh nhân tiêu biểu của đất nước.

Sau nghi thức diễn ra ngắn gọn, đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các doanh nhân trồng 100 cây sưa - một loại gỗ quý hiếm ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Từ nay, rừng quốc gia Đền Hùng và núi Nghĩa Lĩnh sẽ có thêm những hàng cây xanh rợp bóng để che mát con cháu muôn phương về đoàn tụ tại nơi thờ cha Rồng- mẹ Tiên.

Trời về chiều, khi ánh hoàng hôn bắt đầu xuống núi, thời tiết càng dịu mát. Những bước chân leo núi có thể chầm chậm hơn, song dòng người vẫn lặng lẽ nối theo nhau vào đền thắp nhang để cầu mong anh linh của các Vua Hùng phù hộ độ trì cho quốc thái dân an và mọi điều may mắn, tốt lành đến với mình. Trên đường hành hương về mảnh đất cội nguồn dân tộc, tâm hồn mỗi người dân Việt như thêm xao xuyến, bồi hồi bởi những tiếng ca thiết tha, sâu lắng cất lên từ chiếc loa phát thanh quen thuộc ở Đền Hùng: “Đi qua xóm núi Thậm Thình/Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm”...

Tiếp theo các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2010, ngày 23-4 (tức mồng 10 tháng ba năm Canh Dần), tại đền Thượng tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo nghi thức Quốc lễ.

Trước đó, thành phố Việt Trì, các xã trên địa bàn đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ dâng hương tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền Mẫu Âu Cơ. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao truyền thống cũng diễn ra sôi nổi tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh.

Ghi nhanh của NGUYỄN VĂN HẢI