 |
Những chú tê giác trong “Vườn thượng uyển”. |
“Đêm giao lưu bữa đó phải tổ chức muộn vì trời mưa. Trên đường đến sân khấu giao lưu, khi đi qua khu vườn hoa, mấy nữ sinh viên chợt reo lên vui sướng rồi chạy đến chỗ có mấy con trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ: “Ôi! Đơn vị các anh nuôi trâu à? Thích quá”. Các nàng hớn hở lấy máy ảnh ra chụp. Nhưng khi tới gần thì các nàng sững sờ phát hiện, đó chỉ là trâu… bê tông”.
Tốp chiến sĩ đang nghỉ giải lao giữa giờ tập đội ngũ dưới tán rừng tràm bỗng phá lên cười sảng khoái sau khi nghe một anh chàng có biệt danh “Tếu” kể câu chuyện ấy. Thấy vui, chúng tôi ghé nhập cuộc:
- Này! Đàn trâu cậu vừa kể ở đâu vậy?
- Anh cứ đi thẳng, đến cái ngã ba trước mặt quẹo phải một đoạn là tới chỗ đàn trâu ấy đấy!
Chúng tôi cảm thấy vui và quên hết mệt mỏi vì cái nắng hầm hập. Trước khi đến Đoàn Công binh N50, chúng tôi đã được các đồng chí ở Cục Chính trị Binh đoàn Cửu Long nói về những sáng tạo độc đáo của bộ đội trong xây dựng cảnh quan, môi trường văn hóa. Từ một vùng đất cằn sỏi đá, những người lính công binh đã biến khuôn viên doanh trại thành một không gian xanh mát mẻ, đẹp mắt. Cây-lá-cỏ-hoa được trồng có ý tưởng tạo nên những bức tranh thiên nhiên có chủ đề, bố cục hoàn hảo. Nhưng điều đặc biệt nhất là bộ đội đã “thổi hồn” vào những không gian xanh ấy bằng một loạt những bức tượng về các loài vật. Khu vực có đàn trâu mà theo anh chàng “Tếu”, đã đánh lừa được các nữ sinh xinh đẹp của chi đoàn kết nghĩa trong đêm giao lưu ấy là một bãi cỏ rộng. Phải nói là rất đẹp và sống động. Ngay cả chúng tôi, nếu không được thông báo trước cũng rất có thể sẽ bị nhầm, vì lính nhà ta tạo hình quá giỏi. Con thì đang chúi mũi gặm cỏ, con thì nằm nghiêng nghếch sừng vẻ thư thái, con thì đứng yên để cho chú nghé con với dáng vẻ tinh nghịch rúc vào bầu sữa no nê… Cách đó không xa là khu vực của những chú tê giác. Phía đối diện, nơi có khu đất được đắp thoai thoải theo kiểu thảo nguyên là nơi “sinh sống” của những chú hươu, nai với bộ lông lốm đốm vàng. Phía trước mỗi khu nhà của Ban chỉ huy các phân đội là hai con rồng uốn lượn. Các khu vườn hoa cây cảnh của đơn vị mở ra như một “Vườn thượng uyển” đủ màu sắc và dáng vẻ, các con vật bê-tông sống động như thật. Đã đến nhiều đơn vị và chứng kiến khả năng sáng tạo sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú của bộ đội, nhưng khi đến đây chúng tôi vẫn mang cảm giác đi từ ngạc nhiên đến thán phục.
Người đầu tiên phát kiến ý tưởng cho “Vườn thượng uyển” này là Đại tá Trần Ngọc Tuyến, Đoàn trưởng. Những lần có dịp đến các khu du lịch nổi tiếng trên đất Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, anh thường thấy các bạn trẻ xúm lại chụp ảnh, vui đùa bên cạnh những con vật đúc bằng bê-tông. Doanh trại đơn vị rộng, mình có thể biến những không gian sinh hoạt, vui chơi của bộ đội thành những không gian văn hóa mang đậm tính nhân văn. Ý tưởng ấy nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ các cấp trong đơn vị. Những chàng trai khéo tay hăng hái ghi tên vào tổ chế tác sinh vật cảnh, do Trung úy Nguyễn Triều Tố, nhân viên kỹ thuật xe máy làm tổ trưởng. Họ mày mò tạo ra những phác thảo, ban đầu là hình vẽ trên giấy, sau đó là tập tạo hình bằng… đất sét. Khi đã chuẩn rồi mới bước vào chế tác bằng chất liệu bê-tông. Vật liệu để chế tác phần lớn là do bộ đội tận dụng từ những thứ có sẵn trong đơn vị.
Chiều nhạt nắng, Thượng tá Dương Xuân Độ, Chính ủy Đoàn dẫn chúng tôi đi tham quan những khu “Vườn thượng uyển” ở các phân đội. Bây giờ thì mỗi phân đội đều có một tổ chế tác sinh vật cảnh nên tốc độ “sinh sản” các sản phẩm sinh vật cảnh khá nhanh. Những chàng khéo tay ấy được anh em trong đơn vị phục tài, gọi là những “nghệ nhân”. Đến nay, toàn khuôn viên doanh trại đã có gần 200 sản phẩm tạo hình các con vật: rồng, hươu, nai, hươu cao cổ, trâu, tê giác và các loài chim… Theo kế hoạch, các “nghệ nhân” sẽ tiếp tục tạo ra những sản phẩm mới đòi hỏi cao về nghệ thuật tạo hình như: trẻ mục đồng, nàng tiên cá và có thể thêm… thầy trò Đường Tăng, để đặt tại các vị trí trong cánh rừng tràm, bên hồ nước… Chúng tôi gặp Nguyễn Triều Tố, “nghệ nhân” đầu tiên của đơn vị. Đó là một anh chàng cao kều, da ngăm đen mà theo “bình phẩm” của các nàng nữ sinh thì không được đẹp trai cho lắm, nhưng được cái rất có duyên ăn nói và đôi tay tài hoa nên được xếp vào hàng có “số đào hoa”. Tố kể: Những con vật quen thuộc thì việc tạo hình khá dễ dàng, nhưng để tạo ra được những chú hươu cao cổ, tê giác… là cả một quá trình công phu. Lần về phép năm ngoái, Tố tranh thủ vào Thảo Cầm Viên chụp ảnh hươu cao cổ và tê giác. Chụp đến mấy chục kiểu ở các tư thế để về nghiên cứu, tạo hình. - “Giá trị nhân văn của người lính được bồi đắp một phần bởi tình yêu thiên nhiên, loài vật, yêu cái đẹp. Trong quá trình chế tác sản phẩm văn hóa, chúng tôi gửi gắm vào đó những ý tưởng mang đậm tính nhân văn, thể hiện qua kiểu dáng, ánh mắt, khuôn mặt của mỗi con vật…” – Tố nói.
Đi cùng chúng tôi, anh Bình, cán bộ tuyên huấn Binh đoàn Cửu Long cứ trầm trồ: “Xem những cảnh vật ở đây, mình lại nhớ về một thời chăn trâu cắt cỏ với bao kỷ niệm buồn vui”. Nhưng để thay cho lời cảm nhận khi vào “Vườn thượng uyển” của những người lính Đoàn N50, xin trích đoạn lưu bút của một nữ sinh ghi trong cuốn sổ tay của một chiến sĩ trẻ, đẹp trai:
Bâng khuâng dạo gót “Vườn thượng uyển”
Anh ạ! Em sử dụng cụm từ “Vườn thượng uyển” chẳng biết có đúng với môi trường quân ngũ hay không, nhưng thực sự em mang cảm giác bâng khuâng, lãng mạn khi đi bên anh trong không gian đẹp như một khu du lịch ấy. Lần đầu tiên em được đặt chân đến doanh trại quân đội. Em thích thú và hồi hộp vô cùng. Nhìn những bức ảnh chụp bên cạnh đàn trâu, em lại nhớ ba má, nhớ quê. Chúc anh học tập, rèn luyện thật tốt. Lần sau em lại đến nhé! Anh có mong như vậy không?
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN