QĐND - 1. Chế giễu những ai lười lao động mà lại muốn được hưởng thành quả, ngụ ngôn Trung Hoa có câu “Ôm cây đợi thỏ”. Câu này lại có cả một tích truyện minh họa: Có anh nông dân nọ vác cày ra đồng, chợt nhìn thấy một con thỏ hoảng hốt chạy rồi va đầu vào một cây ven đường mà chết. Thấy chẳng phải làm gì mà lại được thỏ, đi cày làm gì cho mệt xác, thế là anh ta vứt cày, ôm cây đợi thỏ.
Ngụ ngôn Việt lại còn sâu sắc hơn khi có câu “Há miệng chờ sung”. Có một anh lười đến mức chẳng làm việc gì cả, hôm ấy nằm ngủ dưới một gốc sung, đúng lúc anh ta ngáp một cái thì có quả sung rụng luôn vào mồm. Không phải trèo sung mà vẫn có quả ăn, nghĩ rằng trời đãi mình, thế là anh ta cứ nằm mà há to cái miệng…
Mục đích nghệ thuật của ngụ ngôn luôn mang tính giáo dục, hai câu chuyện nhắc nhở con người rằng: Đừng bao giờ chờ đợi một cái gì tự nhiên đến với mình, muốn có thành quả phải lao động hết sức mình. Các anh lười nọ đã gặp những ngẫu nhiên hết sức hiếm gặp là con thỏ va vào cây mà chết, quả sung rụng đúng vào mồm. Sự lười đã chi phối trí tuệ đến mức không cho họ phân biệt được bản chất của sự việc kia chỉ là ngẫu nhiên, lại cứ tưởng đấy là tất nhiên nên họ trở thành trò cười cho thiên hạ. Ðấy cũng là điều mà người xưa nhắn nhủ: Phải chăm chỉ làm lụng thì trí tuệ mới phát triển.
Trước nay nhân loại đều coi lao động là vàng. Chưa hết, một câu chuyện cổ đã nói với chúng ta điều này: Trước khi chết, người cha dặn lại các con có chôn mấy hũ vàng dưới vườn. Tưởng thật, các con hăm hở đào sâu để tìm. Vàng đâu chưa thấy, nhưng mấy vụ liền họ được bội thu sản phẩm hoa màu rồi giàu lên nhanh chóng vì nhờ đất đai được "cày sâu cuốc bẫm". Cuối cùng, họ cũng nhận ra bài học mang tính chân lý là phải yêu đất đai, yêu công việc, chăm chỉ lao động. Đấy chính là "vàng"… Thì ra nhờ lao động mới có sản phẩm nuôi sống rồi làm giàu cho mình, quan trọng hơn, lao động còn sáng tạo, làm giàu thêm nhân cách con người!
2. “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” là hai câu thơ bất hủ của Hoàng Trung Thông. Hai câu thơ đó cũng là chân lý của muôn đời, muôn nơi và muôn người. Một ẩn dụ nghệ thuật tuyệt vời, “bàn tay ta” là biểu trưng cho sức lao động. Một sự chuyển hóa tuyệt vời từ những gì tưởng như vô giá trị (sỏi đá) nhưng qua lao động, nhờ lao động mà trở thành sản phẩm quý giá nhất, thiết thực nhất (cơm). Và còn một ý nghĩa khác: Những ai được hưởng thành quả lao động phải nhớ đến, biết ơn người lao động.
Thật tự hào. Nhờ hướng đi đúng đắn, nhờ sức lao động hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế xã hội, Việt Nam ta đã có những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nhận viện trợ lương thực mà vươn lên thành nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới. Nhiều lĩnh vực khác: Nuôi trồng thủy sản, dệt may, da giày, dịch vụ kỹ thuật dầu khí... đã trở thành mũi nhọn của nền kinh tế đất nước từng bước vươn tầm châu lục. Song, còn đó một số ngành nghề vẫn còn chậm bước, làm cho guồng máy sản xuất kinh doanh chưa thật trôi chảy, đồng bộ; đời sống một bộ phận không nhỏ nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn... Đó là những trăn trở của Đảng, Nhà nước nhưng mỗi người dân chúng ta cũng cần suy nghĩ, cần hành động mà thiết thực nhất là hăng say học tập, lao động, sản xuất vì tương lai đất nước.
NGUYỄN THANH