Thành phố Đà Lạt luôn là niềm cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật. Trong suốt chiều dài lịch sử 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã tạo dựng và sở hữu những di sản nghệ thuật đồ sộ thuộc các lĩnh vực kiến trúc, văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh... Việc quảng bá, khai thác các di sản và không gian nghệ thuật Đà Lạt không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của công chúng mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật của địa phương. Đó chính là lý do thúc đẩy bản đồ nghệ thuật Đà Lạt ra đời.

leftcenterrightdel

Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt. 

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trung Hiền, nhà sáng lập Phố Bên Đồi, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Đà Lạt, cho biết, sau đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, cụ thể là vào đầu năm 2022, Phố Bên Đồi ấp ủ thực hiện đồng thời 3 dự án nghệ thuật gồm: Bản đồ nghệ thuật, sách nghệ thuật và không gian nghệ thuật. “Qua nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi nhận thấy, Đà Lạt sở hữu nhiều di sản nghệ thuật và không gian nghệ thuật hấp dẫn. Nhiều du khách muốn khám phá, thưởng thức nghệ thuật tại Đà Lạt nhưng không biết phải bắt đầu thế nào cho hiệu quả. Vì thế, 3 dự án mà chúng tôi thực hiện sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận các di sản và không gian nghệ thuật đang hiện diện trong lòng thành phố”, KTS Nguyễn Trung Hiền chia sẻ.

Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt được thiết kế như một bản đồ chuyên đề với hình vẽ chính thể hiện không gian địa lý TP Đà Lạt. Tuy nhiên, thay vì tập trung phản ánh các thông tin về địa giới hành chính, dân cư, địa hình như bản đồ hành chính thì bản đồ nghệ thuật Đà Lạt lại chú trọng thể hiện các thông tin về giao thông, không gian công cộng, địa điểm tôn giáo, tín ngưỡng, không gian lịch sử, di sản, thắng cảnh thiên nhiên, các điểm đến tham quan, điểm đến âm nhạc, giải trí, những loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, trục di sản kiến trúc đô thị, phố nghệ thuật... Các không gian và địa điểm được giới thiệu trong bản đồ đều có vai trò quan trọng, tiêu biểu cho nghệ thuật Đà Lạt. Mỗi điểm đến còn được giới thiệu tổng quan, được ghi chú bằng các ký hiệu thông báo thời gian mở cửa, hoạt động, quán cà phê, bãi giữ xe, thùng rác phân loại, tham quan miễn phí, dịch vụ lưu trú. Không chỉ chứa đựng thông tin phong phú, hình thức của bản đồ cũng rất đẹp và bắt mắt, tiện sử dụng, được in ấn trên chất liệu thân thiện với môi trường. “Các thông tin trong bản đồ được giám tuyển chặt chẽ, dựa trên những tiêu chí rõ ràng. Quá trình thực hiện, chúng tôi phải làm việc thường xuyên với chính quyền TP Đà Lạt để thống nhất lựa chọn thông tin, tuyệt đối không vì mục đích quảng cáo mà đưa vào những điểm đến kém chất lượng hoặc chưa thực sự tiêu biểu”, KTS Nguyễn Trung Hiền khẳng định.

leftcenterrightdel
 Kiến trúc sư Nguyễn Trung Hiền, nhà sáng lập Phố Bên Đồi giới thiệu bản đồ nghệ thuật Đà Lạt.

Với sự sáng tạo và tính ứng dụng cao, bản đồ nghệ thuật Đà Lạt đã được các bên liên quan lựa chọn là một trong những sáng kiến của Đà Lạt khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trong lĩnh vực âm nhạc. Đây cũng là dự án nhận được sự hợp tác công-tư giữa UBND TP Đà Lạt và hai đơn vị đồng thực hiện là Phố Bên Đồi và Behalf Studio. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư, UBND TP Đà Lạt và nhiều cơ quan chuyên môn tại địa phương đã tích cực hỗ trợ đơn vị thực hiện dự án lựa chọn, thẩm định thông tin, cấp giấy phép đo vẽ bản đồ, truyền thông, in ấn, xuất bản...

Được biết, bản đồ nghệ thuật Đà Lạt sẽ ra mắt và cấp miễn phí tới cộng đồng tại Đà Lạt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cũng theo các đơn vị thực hiện, trước mắt sẽ in 5.000 tờ bản đồ để tặng miễn phí cho người dân và du khách. Thời gian tới, song song với bản đồ giấy, dự án sẽ tiếp tục phát triển nền tảng bản đồ số (Art Map app/web), nghiên cứu và phát triển mô hình Art Passport-City Guidebook cùng các sản phẩm đi kèm như quà tặng, đồ lưu niệm, art print, poster, post card, sticker, lót ly, khăn choàng... Hy vọng với Dalat Art Map và những sản phẩm nghệ thuật cộng đồng khác, một hệ sinh thái nghệ thuật có tổ chức, chuyên nghiệp hóa, với sự tham gia của nhiều bên sẽ dần thành hình và cùng phát triển, góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo theo các tiêu chí của UNESCO.

Bài và ảnh: QUANG VINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.