Lễ hội hiện đại độc đáo

Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt, vội vàng rút từ ba lô, túi xách tập thơ để ký tặng nhau... là hình ảnh được nhìn thấy nhiều nhất tại Ngày Thơ Việt Nam. Những nhà thơ từ địa đầu Hà Giang cho đến đất mũi Cà Mau không quản xa xôi, đều tìm đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) để gặp bạn thơ, để đọc thơ cho nhau nghe, để hòa mình vào không khí của một lễ hội hiện đại chỉ dành riêng cho thơ ca.

Từ mấy ngày trước, không khí Ngày Thơ Việt Nam đã được “làm nóng” với hai cuộc hội thảo chất lượng: “Thơ và những vấn đề thơ đương đại” và “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: “Hội Nhà văn Việt Nam muốn hướng tới ngày thơ không chỉ dừng lại ở hội hè vui chơi mà còn chú trọng đến học thuật, chuyên môn. Các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương”.

Với chủ đề “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”, các bài thơ được vang lên đã thể hiện thơ ca Việt Nam hiện đại luôn đồng hành với vận nước. Nhà thơ Anh Ngọc kể về kỷ niệm với nhà thơ, liệt sĩ, bạn đồng môn Nguyễn Trọng Định (hy sinh năm 1968) và đọc bài thơ “Nước vối quê hương” của người bạn không còn trở về khiến nhiều người lặng đi vì xúc động trước một tấm gương chiến đấu hy sinh của nhà thơ-chiến sĩ. Suốt trong ngày thơ, những bài thơ đi cùng năm tháng, có sức mạnh của một binh đoàn được vang lên, nhắc nhớ thơ ca là vũ khí tinh thần sắc bén. Cảm hứng sử thi chưa bao giờ mất đi mà được tiếp nối, khơi dậy lòng tự hào dân tộc như bài thơ “Mộ gió” (Trịnh Công Lộc): Mộ gió đây, giăng từng hàng, từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển, đảo xa khơi/ Là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi/ Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời. 

Hoạt cảnh thơ được trình diễn tại Ngày Thơ Việt Nam năm 2018.

Năm nay, lần đầu Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sân thơ trẻ. Các tác giả trẻ đến với sân thơ từ nhiều miền đất nước đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả khi thưởng thức những tác phẩm viết về đất nước, quê hương, tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, khát vọng tuổi trẻ, như: Trương Xuân Thiên, Ngô Gia Thiên An, Lý Hữu Lương, Trần Thị Hằng, Trần Nhật Minh, Tạ Anh Thư, Đặng Thiên Sơn, Hoàng Anh Tuấn... Dù viết chủ yếu về mảng đề tài đời tư thế sự nhưng các nhà thơ đã bám sát đời sống hiện đại đang chuyển biến nhanh chóng, ghi lại những cảm xúc thời đại đầy trữ tình.

Kết tinh đỉnh cao văn chương

Thơ ca nói riêng và văn học Việt Nam nói chung hiện nay có thể tóm tắt như nhận xét của nhà văn Bùi Việt Sỹ là “có rừng mà không có cây to”, tác phẩm thì nhiều mà đỉnh cao thì chưa xuất hiện.

Thời buổi kinh tế thị trường, ai cũng có thể in thơ văn, thậm chí “sống khỏe” nếu có tác phẩm bán chạy như: Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Hamlet Trương, Nguyễn Ngọc Thạch… Có người dùng chữ “lạm phát thơ”, “lũ lụt văn” để chỉ hiện trạng văn chương in quá nhiều đến mức bạn đọc hoang mang không biết đâu là tác phẩm hay, dở. Điều này không hoàn toàn đúng bởi ở nhiều nước, việc bỏ tiền ra in tác phẩm và tự phát hành là chuyện bình thường, thuộc về quyền tự do cá nhân. Nếu tính về số lượng hằng năm của tiểu thuyết chẳng hạn, nhà văn Việt Nam vẫn xuất bản ít tác phẩm hơn các nhà văn Pháp.

Bạn đọc cũng chưa bao giờ quay lưng lại với văn chương, bằng chứng là kể cả thể loại tưởng chừng ít người đọc như thơ, bốn tập thơ của Nguyễn Phong Việt không tập thơ nào tiêu thụ dưới con số 1 vạn bản sách. Thơ Nguyễn Phong Việt và các nhà thơ trẻ nói chung tuy chưa đạt đến tầm cao nghệ thuật nhưng có nội dung phù hợp với giới trẻ nên được đón nhận. Đỉnh cao nghệ thuật không có quy luật, 20 năm nữa hoặc ngay năm tới đây có thể sẽ xuất hiện. Văn học nghệ thuật có quy luật phát triển riêng, không hoàn toàn tương thích với điều kiện kinh tế-xã hội. Không phải xã hội ngày càng văn minh, trình độ văn hóa, đời sống vật chất của toàn dân được nâng cao thì sẽ có tác phẩm hay, bởi việc sáng tạo văn học cơ bản thuộc về tài năng cá nhân của nhà văn.

Tại hai hội thảo trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam, các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học đã chỉ ra một vài điểm yếu khiến tác phẩm văn học Việt Nam đang đều đều mà không vươn lên được, đó là: Thiếu tính tư tưởng; ít có cơ hội và điều kiện giao lưu với những nền văn học hàng đầu, nếu tiếp xúc được với kỹ thuật viết văn hiện đại thì cũng chưa thực hành nhuần nhuyễn…

Không dễ để văn học Việt Nam có thể sáng tạo ra một tác phẩm mang tính tiên phong mở đường. Con đường tới đây của văn học Việt Nam về cơ bản sẽ giống với các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Đó là dựa trên chất liệu và thực tế đặc sắc của đất nước được biểu đạt thông qua các hình thức và kỹ thuật văn chương tiên tiến.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hội Nhà văn Việt Nam cần tích cực “kiến tạo” ở việc truyền bá, giới thiệu những kỹ thuật, phong cách văn chương mới thông qua con đường dịch thuật. Khi đã có sẵn tư liệu, thẩm thấu cái mới tự nhiên, là cơ hội để tác phẩm đỉnh cao xuất hiện. Nhưng tất nhiên, kỹ thuật và tư tưởng mới cần bám trên nền tảng hiện thực cuộc sống, câu chuyện thân phận con người Việt Nam. Văn học Nhật Bản và Trung Quốc đương đại đã thành công rực rỡ khi đóng góp những văn hào như Haruki Murakami, Mạc Ngôn… thông qua việc chấp nhận mọi tư tưởng, khuynh hướng sáng tác để có cái nhìn sâu sắc về hiện thực cuộc sống.

Đầu tư cho văn học cần chiến lược rõ ràng, bền bỉ mới mong thu về quả ngọt. Nhưng với phong trào rộng khắp, luôn suy tư bám sát đời sống của các nhà văn Việt Nam, một ngày không xa, những đỉnh cao văn học nước ta sẽ xuất hiện và đóng góp màu sắc bản địa độc đáo của Việt Nam vào dòng chảy chung của văn học thế giới.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG