Lần này, khi tôi vừa đến cửa, thấy bác lúi húi với cái kính lúp (do ảnh hưởng của chiến tranh, mắt bác mờ dần nên mỗi lần muốn viết lách là bác phải cầm theo kính lúp), chiếc bút và quyển vở học sinh. Tôi hớn hở bước vào: "Cháu chào bác, bác định viết gì mà lỉnh kỉnh thế này?".
- Cháu mới về à, bác đang định viết lại bài thơ.
- Ôi, bác cháu còn làm thơ cơ ạ, bác lãng mạn thế. Tôi lém lỉnh trêu bác.
- Bài thơ bác viết từ khi còn ở chiến trường lúc bác gửi thư về cho bác Mai ấy mà (bác Mai là chị gái họ của bác tôi đã mất cách đây hơn mười năm), giờ còn nhớ thì tranh thủ chép lại.
- Có phải bài thơ mà thỉnh thoảng mẹ cháu với các dì vẫn hay đọc đúng không ạ?
- Ừ, đúng rồi đấy. Ngày xưa khi bác đi bộ đội, mẹ cháu với các dì vẫn còn nhỏ, ông ngoại đã già, lại hay đau ốm nên bác đành gửi thư cho bác Mai đấy. Mẹ cháu với các dì xem thư chắc học thuộc luôn đó.
 |
Vợ chồng bác Vũ Hùng Vượng nhân dịp 50 năm ngày cưới. |
Rồi bác chậm rãi đọc từng câu, tôi nhận chân “thư ký” giúp bác ghi lại: "Nơi đây rừng núi đất Lào/ Nắng mưa tắm gội chiếu giường trên cây/ Đêm nay cùng ngọn đèn dầu/ Cùng em nối những nhịp cầu giao thông/ Nước da vẫn một màu hồng/ Sức xuân vẫn vượt ngàn sông trăm rừng/ Chuyện em giờ tạm xin ngừng/ Để nghe chị kể để mừng làng quê/ Dậu đan chân đứng dưới đê/ Gió đông sông nổi sóng xô vỗ bờ?/ Lòng em khao khát mong chờ/ Mỏi mong thư chị từng giờ, từng giây/ Thôi em dừng bút tại đây/ Chúc chị mạnh khỏe dựng xây cuộc đời/ Chị ơi em gửi đôi lời/ Chúc bè bạn hữu sáng ngời tuổi xuân/ Đường đi thêm vững bước chân/ Để em nhẹ bước hành quân đường dài”
Khi đọc xong bài thơ, tôi thấy mắt bác đã ướt lệ, giọng đầy nghẹn ngào, rưng rưng xúc động. Bác kể: Khi đó, bác là chiến sĩ trên tuyến đường 559-Binh đoàn Trường Sơn huyền thoại, thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, khi nắng gắt đem chăn ra phơi rồi đi làm nhiệm vụ, mưa bất chợt xối xả chẳng kịp chạy về cất đành chịu ướt, nên có câu “nắng mưa tắm gội chiếu giường trên cây”. Đối mặt với khó khăn, vất vả và sự hy sinh, nhưng các bác với tinh thần “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực” vẫn luôn cố gắng vượt núi, băng rừng để thông tuyến đường cho xe chi viện ra tiền tuyến. Nghĩ về gia đình, về các em thơ ở nhà càng thêm quyết tâm để chiến đấu, để trở về. Những lúc ngơi nghỉ nhiệm vụ, bác lại nhớ về gia đình nơi làng quê xa xôi, nơi có người cha già và đàn em thơ dại, thương đứa em gái dưới mình (mẹ tôi) lớp 4 đã phải bỏ học phụ giúp cha chăm các em, sợ căn nhà tranh dưới đê có qua nổi mùa bão “Dậu đan chân đứng dưới đê/ Gió đông sông nổi sóng xô vỗ bờ?”. Rồi mỗi lần nhận được thư nhà báo bình an, bác càng vững tâm hơn.
Bài thơ không có tiêu đề, luật gieo vần cũng chẳng chặt chẽ, nhưng hơn hết đó là tất cả những tâm tình của người lính nơi chiến trường, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết cận kề, họ không tiếc máu xương mình cho Tổ quốc kính yêu. Nhưng trong sâu thẳm mỗi người lính ra trận ấy, vẫn vấn vương nỗi nhớ nhà, đau đáu nơi gia đình. Tình cảm nơi hậu phương ấy giúp người lính thêm “chân cứng đá mềm” nơi tiền tuyến. Mẹ tôi kể, khi nhận được thư của bác Vượng, ông ngoại và cả nhà khóc nức nở vì biết bác vẫn mạnh khỏe, mẹ tôi và các dì đọc đi đọc lại đến thuộc lòng bài thơ ấy, bởi nó là nỗi niềm của người anh cả nơi tiền tuyến ngóng trông gia đình, lo cho các em.
Đối với tôi, đây là một bài thơ đầy giản dị, tuy nhiên tôi thấy ở đó có cả những khó khăn, vất vả của người lính Trường Sơn, cả những khắc nghiệt của chiến tranh, cùng những điều còn vấn vương, lo lắng, nhưng vượt lên trên tất cả, đó là ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Là người lính của thế hệ hôm nay, tôi càng thêm tự hào và trân trọng những hy sinh của thế hệ cha ông đi trước, trong đó có bác tôi. Và lời dặn của bác: “Thế hệ các bác đã dùng máu xương để chiến đấu cho độc lập và tự do của đất nước, còn thế hệ các cháu hôm nay có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và phát triển đất nước” như tiếp thêm động lực và niềm tin cho tôi trên con đường binh nghiệp.
Bài và ảnh: TRIỆU THU THỦY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.