QĐND - Hơn ai hết, văn nghệ sĩ là những người có trái tim mẫn cảm, có tinh thần dân tộc mạnh mẽ phải tiên phong bảo vệ văn hóa dân tộc, nhưng cũng phải tiên phong nhận lấy cái hay, cái đẹp ở bên ngoài để bồi bổ cho văn hóa của mình thông qua các sáng tạo nghệ thuật.

Tiếp thu có chọn lọc, không phải là bắt chước

Nghị quyết Trung ương 9 yêu cầu: “Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”.

Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là sự phát triển vũ bão của internet, của các phương tiện truyền thông, thì cả thế giới như trở thành một cái “làng”. Chỉ ngồi một chỗ và qua một cú nhấp “chuột” người ta cũng có thể biết được tin tức mới mẻ nhất ở mọi ngóc ngách trên hành tinh. Chưa bao giờ cầu nối giữa con người với con người, quốc gia với quốc gia bị rút ngắn đến mức thấp nhất như vậy. Các nền văn hóa đều coi đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, cơ hội để hòa nhập, để hiểu nhiều hơn những nền văn hóa khác, qua đó cũng để hiểu mình hơn, hiểu rõ và sâu hơn nét riêng của mình. Thách thức là dễ bị hòa tan, dễ bị đánh mất bản sắc. Chưa bao giờ bản lĩnh văn hóa, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển như nước ta, lại đòi hỏi cao như bây giờ. Thời cổ trung đại, giao lưu văn hóa diễn ra hết sức chậm chạp nhưng mặt tích cực của nó là con người có thời gian từ đời này sang đời khác, để nghiền ngẫm, loại trừ, tiếp thu những cái phù hợp. Nhưng ngày nay có sự can thiệp của công nghệ thông tin thì ngược lại, mặt tiêu cực cũng dễ thấy: Những văn hóa xa lạ với văn hóa bản địa, và cả những thứ phản văn hóa không ngừng ồ ạt “xâm lăng”… Một đặc điểm nổi bật của tiếp biến giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hôm nay là diễn ra hết sức nhanh chóng, ào ạt, nhiều hệ lụy, dĩ nhiên tiếp thu nhanh nhất và cũng chịu hậu quả nhiều nhất, sớm nhất là giới trẻ. Bởi đặc điểm tâm lý của giới trẻ là luôn thích cái mới lạ, dĩ nhiên sức “đề kháng” văn hóa chưa thể như người trưởng thành nên nếu chúng ta không có một cơ chế quản lý và giáo dục phù hợp thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng.

Tuyệt kỹ đối luyện góp phần tạo nên giá trị độc đáo của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: Duy Văn

Tiếp biến, giao thoa, ảnh hưởng như là một thuộc tính của văn hóa, thường diễn ra trong những môi trường có điều kiện tương tự giữa các nước cùng khu vực, nhất là giữa các dân tộc “đồng văn, đồng chủng”. Ví dụ dưới góc độ văn học, luật thơ Iamb của Nga tiếp thu từ thơ nước Đức, thơ luật tiếng Việt có nguồn gốc từ thơ Trung Hoa. Nguyễn Du vay mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên xứ Tàu để viết Truyện Kiều bất hủ. Sếch-xpia vay mượn cốt truyện từ nước Đan Mạch để viết Hăm-lét nổi tiếng… Điều này lý giải tại sao giới trẻ nước ta thường hâm mộ các thần tượng Hàn Quốc, tại sao thời lượng chiếu phim trên truyền hình thì phim Trung Quốc, Hàn Quốc… chiếm một tỷ lệ cao. Lại cũng hình dung tiếp biến và ảnh hưởng văn hóa như những cơn gió lạ đến từ nhiều phương trời khác nhau, có gió lành và gió độc. Vấn đề ở chỗ phân biệt để hưởng gió lành mà loại trừ gió độc, đề kháng với gió độc.    

Tinh thần học tập, tiếp thu, kế thừa văn hóa nước ngoài là điều đương nhiên, nhưng vấn đề là tiếp thu học tập cái gì và như thế nào. Đây là lời của Bác Hồ nói với nhà văn Nga R.Bersatxki: “…các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần phải vứt bỏ văn hóa nào đó, dù là văn hóa Pháp đi nữa. Ngược lại! Tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hóa Xô-viết - chúng tôi thiếu - nhưng đồng thời lại phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Không thể lấy từ nghệ thuật của một dân tộc khác chỉ riêng mặt nào đó-chẳng hạn, tính ước lệ nổi tiếng của văn học Trung Quốc-cái đó sẽ chẳng hay ho gì. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”  (Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, Tập 3, tr. 56). Ở đây toát lên mấy vấn đề lý luận: Cần tiếp thu đa dạng các nền văn hóa khác nhau, nhưng là tiếp thu cái tiến bộ; phải chủ động, không bắt chước, biết tiếp thu cái gì là đặc sắc mà mình còn thiếu. Muốn thế phải nghiên cứu nền văn hóa mình cần tiếp thu một cách toàn diện, hệ thống. Có lẽ cần thấm thía hơn lời dạy của Người về tính chỉnh thể của văn hóa, cần phải nắm bắt cái chỉnh thể để tìm ra cái đặc sắc cá thể để tiếp nhận.

Muốn học người, phải hiểu người

Học tập văn hóa nước ngoài để làm giàu cho văn hóa nước mình, là để làm nổi bật cái nét riêng, nét khác lạ của văn hóa mình. Vì càng toàn cầu hóa, người ta càng cần đến bản sắc riêng, nếu không có cái riêng này sẽ bị hòa lẫn vào các sắc màu văn hóa khác. Từ vấn đề chung này dễ thấy chúng ta đang rất cần các lý thuyết nghiên cứu văn hóa hiện đại trên thế giới. Một thực tế trong nghiên cứu khoa học nhân văn hôm nay là ít những đề tài mới, sự trùng lặp nhau là rất rõ. Có người kêu lên đề tài đang cạn kiệt. Thực ra đề tài không thiếu mà thiếu hướng tiếp cận, thiếu phương pháp, nói chung là thiếu lý luận. Bù lấp khoảng trống này bằng cách chúng ta đã và đang dịch các lý thuyết nghiên cứu nước ngoài nhưng còn quá ít. Lại nảy sinh vấn đề phải chọn dịch sao cho phù hợp, tính khả dụng cao với đối tượng văn hóa nước mình. Sự vênh lệch giữa lý thuyết nghiên cứu nước ngoài và đối tượng nghiên cứu bản địa là tất nhiên, các nhà dịch thuật cũng như các nhà nghiên cứu cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất độ “dung sai” ấy.

Từ thực tế này, chúng ta phải nhận thức đúng hơn về lĩnh vực dịch thuật, mà trước tiên là bồi dưỡng đội ngũ dịch giả đủ về lượng, tinh về chất, yêu cầu cao về tư tưởng chính trị và chuyên môn. Vì là công việc chuyển ngữ nên dịch giả không chỉ am tường sâu về các khái niệm chuyên ngành mà còn phải hiểu cả cái “phông” của hai nền văn hóa, do vậy mà thực sự phải hiểu biết rộng, tâm huyết, cần cù, nhẫn nại. Nhưng hiện nay, họ chưa được đối xử tương xứng với tài năng. Một sản phẩm dịch mất hàng mấy năm trời được trả nhuận bút theo phần trăm giá bìa thì quá ít ỏi. Phần lớn sách dịch hiện nay cũng theo lối tự phát. Đã đến lúc Nhà nước phải có kế hoạch tập hợp họ lại thành đội ngũ, tổ chức các khóa dịch thuật định kỳ với kế hoạch cụ thể dịch cái gì trước mắt, cái gì lâu dài, tập trung dịch theo hướng nào v.v..

Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế về sự “xâm lăng văn hóa” mà một biểu hiện là các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên thế giới hay có, dở có đang từng bước ảnh hưởng. Chúng ta chấp nhận sự đa dạng hóa trong hướng tiếp cận đối tượng sáng tác, nghiên cứu nhưng làm sao phải bảo đảm yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng lao động. Ví dụ, gần đây có xu hướng cổ xúy cho lối sáng tạo và cả nghiên cứu, phê bình “hậu hiện đại” trong văn học nghệ thuật Việt Nam. Khái niệm "hậu hiện đại" ra đời trong lòng các nước tư bản phát triển từ giữa thế kỷ XX, và nở rộ vào những năm cuối thế kỷ XX. Nó có cơ sở xã hội và ý thức là khi xã hội bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, văn minh tin học bùng nổ, internet kết nối toàn cầu, chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi... từ đó dẫn tới khủng hoảng niềm tin, con người hoài nghi cả Thượng đế (bây giờ không cần Chúa vẫn có thể tạo ra những điều kỳ lạ). Con người không điều khiển ngôn ngữ mà ngược lại, ngôn ngữ lại điều chỉnh con người. Dần dần, một số nhà nghiên cứu khái quát thành lý thuyết với quan niệm về con người dị thường, ảo giác hóa, con người sống trong hoài nghi, hư vô, bi quan, phi lý... Tương ứng với quan niệm này là cả một hệ thi pháp hậu hiện đại, như chủ đề phi trung tâm, không bản chất, sáng tác ngẫu hứng, lắp ghép, phân mảnh... Hình tượng mang tính phi lý mà nổi lên một “lục vô”: Vô lý, vô bản, vô ngã, vô căn, vô hội (không khắc họa ngoại hình), vô dụ (không ẩn dụ), đẩy sự tìm tòi đi về phía bản năng, phản truyền thống, hình thành tác phẩm theo lối cắt dán những mảnh vỡ vốn rời rạc, ngôn từ nghệ thuật giải sử thi để quay về cái thông tục, phi lý, tình tiết chồng chéo, ngôn ngữ là một trò chơi... Thế mà "hậu hiện đại” hiện nay lại được một số người coi là mốt, là tân kỳ”!

Nhìn từ góc độ này chúng ta lại thấy các cấp quản lý, các đơn vị văn hóa học thuật chưa có tiếng nói đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời những yếu tố không lành mạnh. Ví dụ về lý thuyết “hậu hiện đại” mới manh nha ở nước ta thì phải có ngay một hội thảo quốc gia làm rõ cái hay, cái dở, thành tựu, hạn chế nếu được phổ biến, thì chắc sẽ không xảy ra hiện tượng có luận văn khoa học “nghiên cứu” về “thơ rác, thơ dơ”. Hiện nay, chúng ta phải tăng cường hơn nữa trong việc kiểm duyệt văn hóa, thanh tra văn hóa, tránh để tình trạng xảy ra rồi mới phân tích, bình luận… để “ngăn ngừa” (như trường hợp luận văn nọ). Trách nhiệm định hướng của các hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật cần được đề cao hơn nữa. Quyền lực thẩm định của các viện nghiên cứu cần được coi trọng, bản thân những người thẩm định phải là tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ, tư cách khoa học, tư cách nghệ sĩ và không quên trách nhiệm công dân.

Trào lưu hội nhập chung trên thế giới hiện nay là lấy văn hóa làm hệ quy chiếu, với những giao lưu văn hóa, đối thoại văn hóa, cầu nối văn hóa, xuất/nhập khẩu văn hóa… Một đất nước giàu có trữ lượng, bản sắc văn hóa càng được đánh giá cao, càng được quan tâm chú ý, càng tăng cường “sức mạnh mềm”. Càng ngày người ta càng khẳng định chân lý có văn hóa là có tất cả. Và chúng ta cũng đang đi theo quỹ đạo này, Nghị quyết Trung ương 9 là sự tiếp nối, thúc đẩy, định hướng rõ ràng, mạnh mẽ.

PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THANH TÚ 

Bài 2: Điểm tựa là truyền thống văn hóa dân tộc

Bài 1: Văn nghệ sĩ phải đắm mình trong cuộc sống nhân dân