Đề án triển khai dựa trên bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển động tích cực, quá trình xây dựng NTM và vấn đề phát triển văn hóa nông thôn trong thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.    

Tới nhiều vùng nông thôn trên khắp đất nước, dễ bắt gặp những gương mặt cởi mở, vui tươi, những mái nhà hòa thuận yên ấm. Trường học từ cấp mầm non tới THPT khang trang, sáng, đẹp; nhà văn hóa (NVH) rợp hoa, cây cảnh với những trang thiết bị vui chơi, thể thao cho người già, trẻ em. Nông thôn đang ngày càng đổi thay và có một diện mạo mới.

Sáng, xanh, sạch, đẹp từ nhà ra đồng

Gần 3 giờ đồng hồ trong hành trình cùng chuyến xe từ Hà Nội về huyện Hải Hậu (Nam Định), rôm rả tiếng nói, cười của hành khách. Chúng tôi tò mò lắng nghe, người thì khoe phụ nữ xóm tôi 2 tháng vừa rồi đã hoàn thành việc trồng hoa mười giờ từ cổng nhà ra đến tận đồng lúa; có bác trai lại kể câu lạc bộ dưỡng sinh của xóm sắp đi biểu diễn thi với các xã khác… Khá thú vị với những lời kể chuyện, chúng tôi đã theo chân bà Trần Thị Minh về nhà ở xã Hải Bắc. Đúng như lời kể của bà Minh, tầm giờ trưa, hoa mười giờ dọc hai bên đường đủ sắc màu hồng, tím, vàng, đỏ rực rỡ. Bà Minh hào hứng kể, bà có nhà trên Hà Nội, nhưng chỉ thích về quê ở, xe cộ đi rất thuận, gọi điện đến tận nhà đón, hết 100.000 đồng mà về tận cổng. Khi cán bộ xã vận động nhân dân hiến đất làm đường, nhà bà Minh cũng góp công sức ít nhiều.

Trở lại thời điểm năm 2011, Hải Hậu là một trong 5 huyện trên cả nước được Trung ương chọn làm điểm xây dựng NTM. Ông Vũ Ngọc Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết, Hải Hậu có điểm xuất phát thấp, để đạt 19 tiêu chí phải thực hiện đồng thời, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với miền quê đồng bằng ven biển. Kiểm đếm lại toàn huyện, 35 xã bình quân chỉ đạt 7/19 tiêu chí, còn những 12 tiêu chí phải phấn đấu gây dựng, trong khi Trung ương yêu cầu năm 2015 phải đạt đích. “Văn hóa của người Hải Hậu là văn hóa mở đất, được các thế hệ đúc kết gần 600 năm qua là “Bờ xôi ruộng mật, truyền để giống nòi”, do đó chúng tôi xác định xây dựng văn hóa NTM phải từ mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, từng xóm, từng làng. Các xã đã thành lập tổ công tác đi đến từng nhà hướng dẫn, khuyến khích bà con cùng tham gia xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp từ trong thổ cư, trong vườn tược đến nền ăn nếp ở trong mỗi gia đình”, ông Vũ Ngọc Trường nói.

Con đường hoa đủ màu sắc ở Hải Hậu, Nam Định trở thành một phong trào kiểu mẫu được nhiều địa phương tới học tập.

Với cách làm tiếp cận, vận động, thuyết phục từng hộ dân tham gia xây dựng NTM, thành lập các hội, tổ chức các phong trào…, đặc biệt cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, nhân dân toàn huyện đã sớm hưởng ứng vào cuộc. Trong đợt đầu đã nhận được sự đóng góp 573 tỷ đồng, 370ha đất, trên 150.000 ngày công để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, kiên cố hóa trường học... Đồng thời, việc thực hiện kiến thiết đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, quy hoạch cụm điểm công nghiệp được xác định là bước đột phá để nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động… đã đạt được thành công. Thu nhập đầu người từ 17 triệu đồng/năm, sau 5 năm xây dựng NTM đã tăng lên 39 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, đời sống bảo đảm là nguồn lực lớn lao để người dân Hải Hậu tham gia vào các hoạt động văn hóa. Việc xây dựng NVH xóm, tổ dân phố phù hợp với tâm tư, nguyện vọng nên được nhân dân đồng tình, tích cực vào cuộc với các cấp chính quyền. Đến hết năm 2015, toàn huyện xây dựng được 540/546 NVH, đạt 98,9%. Tiêu biểu ở xóm 4 xã Hải Bắc xây NVH theo mô hình đình làng Việt cổ, nhằm tạo công trình điểm đến NTM của huyện, với tổng kinh phí xây dựng trị giá hơn 4,2 tỷ  đồng, chủ yếu do nhân dân đóng góp và ủng hộ của con em xa quê. NVH, khu thể thao của các thôn, xã thời gian qua đã phát huy tốt công năng, trở thành điểm sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể quần chúng, thi đấu thể thao, CLB văn nghệ… Các phong trào được triển khai, như: “Sáng hóa” đường giao thông nông thôn bằng hệ thống thắp sáng mới, giúp thuận tiện đi lại, giảm tai nạn, góp phần giữ gìn an ninh xóm làng; phong trào xây dựng “Người tốt việc tốt”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh”... được duy trì thường xuyên. Phong trào làm “đường hoa” được hội phụ nữ, đoàn thanh niên nhiệt tình tham gia, tạo nên những con đường sạch đẹp với tổng số 354km. Qua 5 năm phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của nhân dân, đến năm 2015, 35/35 xã, thị trấn về đích NTM, huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Xã hội hóa văn hóa, thể thao ở cơ sở

Đến xã Triệu Đại (Triệu Phong, Quảng Trị), chúng tôi cũng bắt gặp không gian xanh, sạch, đẹp của một làng quê vốn nổi danh với bề dày truyền thống lịch sử và tên tuổi của các nhà hoạt động cách mạng. Dọc hai bên vỉa hè dẫn vào trụ sở của xã lát đá, rợp bóng cây xanh, trục giữa là những cột đèn cao áp được trang trí phía dưới đủ các loài hoa, cổng chào chạy bảng điện tử. Bám theo trục đường là những ngôi nhà của dân xây dựng một tầng đổ mái, hầu như nhà nào cũng trồng 2-3 cây xanh trước cổng nhà, tạo không khí trong lành, mát mẻ. NVH truyền thống xây dựng khang trang với diện tích 320m2, có trang thiết bị âm thanh hài hòa trong khuôn viên của UBND xã. Phía đối diện là quảng trường nhỏ gắn với khu thể thao, sân chơi bóng đá, bóng chuyền được quy hoạch rất quy củ rộng hơn 5.000m2. Ông Vũ Ngọc Khoa, Chủ tịch UBND xã Triệu Đại hồ hởi khoe với chúng tôi, xã đã được công nhận NTM đầu năm 2017 khi đạt các tiêu chí 100% thôn có NVH và khu thể thao đạt chuẩn; 7/7 thôn có NVH.

Chúng tôi đến thôn Đại Hào, xã Triệu Đại vào đầu giờ buổi sáng, hình ảnh đầu tiên nhìn thấy là phía bên trái NVH thôn mới lắp đặt công trình cung cấp nước sạch, bà con vừa xếp hàng lấy nước vừa rôm rả trò chuyện. Trong NVH Đại Hào treo khá nhiều cờ thưởng, bằng khen về các hoạt động văn hóa, thể thao. Chủ tịch UBND xã Triệu Đại cho biết: “Giờ chúng tôi không còn vất vả kêu gọi bà con tham gia các hoạt động xây dựng NTM nữa, người dân đều coi đó là nhu cầu và lợi ích thiết thực nên tự nguyện và hào hứng ủng hộ”.

Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, khi thực hiện xây dựng NTM, huyện xác định mục tiêu không huy động nguồn vốn từ nhân dân địa phương mà kêu gọi xã hội hóa từ con em xa quê. Để cách làm này phát huy hiệu quả và duy trì lâu dài, hằng năm, huyện tổ chức hội nghị công tác xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nhờ vậy, trong điều kiện là một huyện thuần nông, hằng năm thường xuyên bị thiên tai bão lũ, nhưng các hoạt động xã hội hóa là cách làm rất hiệu quả để nhân dân đoàn kết, gắn bó và cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, thể thao phong phú, thiết thực.

(còn nữa)

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ