Vò võ cảnh gà trống nuôi con một mình, ông phải nai lưng, cật lực làm thuê, cuốc mướn thì mới nuôi nổi các con khôn lớn và ăn học hết bậc trung học cơ sở. Đến tuổi trưởng thành, ông gả chồng, gả vợ cho các con. Giờ đây, con cái ông tuy không ra ngoài công tác xã hội, song ai nấy đều đã yên bề gia thất, nhà cửa đàng hoàng và có cuộc sống yên ấm, no đủ.
Ngoài tuổi 70, ông Tâm ở với người con trai cả. Hằng ngày, ông vẫn quét dọn nhà cửa, cuốc đất trồng rau, nuôi con lợn, chăm đàn gà để thêm đồng rau, đồng muối cho con cháu. Người làng vẫn khen ông cả đời làm lụng vất vả, cực nhọc mà tuổi già vẫn ham làm, không mấy khi tự cho mình có giây phút nghỉ ngơi thư thái, an nhàn, thảnh thơi. Nhưng trong suy nghĩ của ông, còn khỏe khoắn ngày nào thì còn cố giúp được con cháu.
Một buổi chiều, đang nhặt cỏ rau ngoài vườn, ông không may cảm nặng và nằm liệt giường mấy tháng liền. Từ đó, sức khỏe ông giảm sút nhanh chóng và đôi mắt ngày càng nhìn kém. Đau ốm, bệnh tật không làm được việc gì nữa, vợ chồng người con trai cả bắt đầu có biểu hiện thờ ơ, lạnh nhạt với ông. Lấy cớ phải nuôi ông bố già nua mù lòa, cô con dâu thỉnh thoảng “tiếng bấc tiếng chì” bóng gió nên ông chuyển sang ở với người con thứ hai. Nhưng cô con dâu thứ hai cứ đến bữa lại chia phần cơm canh riêng cho ông với lý do ông mắt kém, ăn uống... mất vệ sinh, nên không được ngồi cùng mâm với con cháu! Chỉ cầm lòng được hai tháng, ông lại “khăn gói” đến ở với con trai út. Số ông thật lận đận, vợ chồng con út cũng chẳng hiếu thảo gì, ông đành phải xin ra ở riêng một mình.
Ngày ngày sống lầm lũi, cô đơn trong căn nhà ngói cấp bốn đơn sơ, tuềnh toàng, ông Tâm phải tự mò mẫm nấu ăn. Chiếc gậy rờ rẫm đưa ông đi từng bước. Có gạo các con đóng góp, nhưng ông vẫn bữa no, bữa đói thất thường và đâu phải lúc nào cũng nấu được bát cơm dẻo thơm, sạch sẽ. Một người ngoài 80 tuổi phải ăn riêng, ở riêng trong khi con đàn cháu đống sống cùng làng, cùng thôn quanh đó khiến ông không khỏi đau lòng, uất hận. Những lúc mưa gió không nấu ăn được, ông lại nhờ hàng xóm láng giềng mua giúp đồng quà, tấm bánh ăn cho qua bữa. Sau một đêm mưa to gió lớn, cả ngày hôm sau vẫn thấy nhà ông cửa đóng then cài kín mít, người hàng xóm bên cạnh sinh nghi có chuyện chẳng lành... Và ông đã ra đi vĩnh viễn trong sự hiu quạnh, lẻ loi.
Đám tang của ông Tâm cũng được tổ chức linh đình như các gia đình lắm con, nhiều cháu khác trong làng. Tiếng khóc nỉ non, não nề của con cháu kể lể về công đức trời biển của người cha không làm cho làng xóm có được sự cảm thông, chia sẻ, mà nỗi lòng của những người có lương tri càng thêm xót xa về tình phụ tử đã bị anh em nhà kia “làm trò hề” kệch cỡm trước mắt thiên hạ. Thắp nén nhang tiễn ông về thế giới bên kia, người làng cầu mong cho hương hồn ông Tâm được siêu thoát nơi chín suối.
THUẬN THIẾT