Các nhà báo tác nghiệp trong mọi điều kiện thời tiết. Ảnh: Xuân Hồng
Hoà nhịp cùng sự nghiệp đổi mới đất nước đang diễn ra sôi động, báo chí Việt Nam ngày càng phát triển tạo nên sức hút lớn đối với đông đảo công chúng. Quyền lực thông tin, vai trò định hướng, độ tin cậy của báo chí càng tăng, càng đòi hỏi sự nêu cao trách nhiệm của cơ quan báo chí và mỗi người làm báo.

Cuộc sống càng phong phú, đa dạng và phức tạp bao nhiêu thì đại dương thông tin càng mênh mông bấy nhiêu. Thực tế đời sống báo chí Việt Nam những năm gần đây cho thấy đã có những ngòi bút bị ngợp và thụ động trước đại dương thông tin ấy. Khi chứng khoán phát triển theo phong trào ào ạt như bong bóng, thông tin về chứng khoán tràn ngập theo chỉ số VN-Index tăng lên từng ngày. Đã có những bài viết cảnh báo về hội chứng đám đông này nhưng chưa có những ngòi bút vạch rõ sự phi lý – nguyên nhân sâu xa của sự bùng phát ấy cũng như dự báo khuynh hướng tiến triển. Báo chí có trách nhiệm đến đâu khi không dự báo được những biến động không bình thường của giá cả, lạm phát, tiền tệ? Khi không thông tin kịp thời về những diễn biến xấu, những biểu hiện suy thoái của kinh tế thế giới trong bối cảnh Việt Nam đã vào WTO, đã hội nhập sâu vào đời sống kinh tế thế giới? Báo chí có trách nhiệm không khi thông tin “nóng” về giá gạo tăng, giá đô la, giá vàng tăng bột phát mà không thẩm định? Hay đã có những thông tin hoà điệu với tin đồn chốn chợ trời(?) Xót xa thay khi đã có người làm báo còn vô tình hay hữu ý tiếp tay cho những luồng thông tin lệch lạc, sai sự thật với mục đích tiêu cực.

Căn bệnh “thương mại hoá”, câu khách đã từng được vạch ra từ nhiều năm nay nhưng dường như chưa được một số người làm báo thực tâm muốn chữa trị. Vẫn có nhiều bài báo và cuốn sách tập hợp những bài báo đó mô tả, kể lể kỹ lưỡng để câu khách về những diễn biến, hành vi của các vụ án, các tệ nạn xã hội lâm ly, rùng rợn, phản cảm. Vẫn có người làm báo không đi đến nơi đến chốn mà nghe tin dựa dẫm, đồn thổi, dựng nên những sự việc, câu chuyện không có thực. Vẫn có nhiều thông tin tạo nên sự hoài nghi trong công chúng về nhiều lĩnh vực, quan hệ trong cuộc sống.

Để tạo nên những “hàng độc”, “hàng lạ” thông tin, đã có người nhân danh “chống tiêu cực” đưa ra những con số không có thật, câu chuyện bịa đặt. Để tạo vị thế riêng, để “phản biện” có người đã cố tình lờ đi tinh thần cùng những lý lẽ cốt lõi của các luận cứ khoa học, những diễn biến chủ đạo của sự kiện. Họ tìm cách nhặt nhạnh chuyện bên lề, “soi” những tiểu tiết, đưa những ý kiến trái chiều nhưng không có căn cứ và lý lẽ thuyết phục.

Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của Internet tại Việt Nam, báo chí mạng, thông tin mạng và blog đã nở rộ, càng tạo thêm những luồng thông tin đa nguyên, đa dạng, phức tạp và không thiếu sự nhạy cảm hàng ngày. Sự trong lành nhiều nhưng những luồng thông tin ấy nhiều khi không được và không thể thẩm định nên trở thành sự gieo cấy những hoài nghi, bất ổn trong người tiếp nhận. Thông tin blog là hiện tượng xã hội mới ở Việt Nam và cả trên thế giới. Sự dân chủ từ những luồng thông tin điện tử này là rõ nhưng những tác động trái chiều, lệch lạc (có chủ định và không chủ định) từ những luồng thông tin này đã và đang gây ra những băn khoăn, lúng túng trong giới truyền thông thế giới. Người ta đã nói đến “chủ nghĩa báo chí nhân dân” gắn với sự “khủng hoảng thông tin” từ những cơn bão blog đổ đến. Và một kết luận quan trọng của giới truyền thông thế giới rút ra là: Càng nhiều nguồn, nhiều luồng thông tin càng cần vai trò chọn lọc, định hướng thông tin của báo chí chuyên nghiệp.

Báo chí là ấm, nóng. Báo chí nhạt không phải là hơi thở cuộc sống, không đến được với công chúng. Đó là tính chất vốn có của báo chí, nhưng cái gì là nóng, nóng đến độ nào? Và đưa cái nóng đó nhằm mục đích gì, theo cách thức nào để có lợi nhất cho đất nước, cho sự nghiệp chung và những người liên quan lại là những điều cốt yếu mà báo chí cách mạng chân chính, những người làm báo có trách nhiệm luôn luôn phải cân nhắc và quyết đoán. Đó cũng là nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Viết cho ai? Viết để làm gì?”

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự hội nhập, hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá là một biến đổi cách mạng lớn lao và mới mẻ, luôn luôn đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo trên mọi cấp độ trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực. Điều gì sẽ thúc đẩy đất nước đi lên? Điều gì cản trở? Ai, đơn vị nào, tập thể nào dám nghĩ, dám làm, dám đi trước vì lợi ích của đơn vị mình, cá nhân mình cùng đất nước? Vẻ đẹp Việt Nam đang tiềm ẩn ở đâu, lấp lánh ở đâu? Bản lĩnh, bản sắc dân tộc, con người Việt Nam thể hiện thế nào trong cuộc biến chuyển vần vũ đầy khó khăn, thử thách đương thời? Phát hiện, cổ vũ cho những điều mới mẻ này, cho cuộc đấu tranh đưa cái mới, cái tích cực, tốt đẹp đang diễn ra là trách nhiệm hàng đầu của báo chí Việt Nam hiện nay. Thật ấm lòng biết bao khi được đọc, được nghe thấy , nhìn thấy những bà mẹ tần tảo, yêu thương dành phần còn lại của cuộc đời nuôi những đứa con tật nguyền, côi cút. Cuộc sống này đáng yêu làm sao khi có những chiến sĩ sẵn sàng xả thân, hy sinh vì cuộc sống nhân dân. Đáng tin, đáng khâm phục sao khi hàng vạn, hàng triệu người dân đùm bọc, san sẻ cho nhau trong cơn bão lũ, lúc đói kém hay mùa dịch bệnh. Và lòng tin, tình cảm tự hào quê hương đất nước cứ mỗi ngày lại được vun đắp thêm từ những thông tin chung lưng đấu cật, vượt qua khó khăn, thử thách, từng người, từng việc sáng tạo, yêu thương làm cuộc sống ổn định, tươi đẹp hơn.

Nguyễn Mạnh