Từ thôn Chu Hưng (Ấm Hạ, Hạ Hòa, nơi từng là địa điểm của Chiến khu 10) vào Gia Điền chừng 3km. Con đường nhựa thênh thang rộng mở đi giữa những triền đồi bạt ngàn rừng cọ, đồi chè và những cánh đồng đang trào dâng sắc xanh mạ non. Khung cảnh ấy gợi lên cảnh sắc và cuộc sống trung du bình dị, thanh bình và yên ả.

Con đường đất đỏ quanh co ngày xưa nay đã được trải bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa khu 1 của thôn liền kề con đường dẫn vào nhà bia văn nghệ kháng chiến đã được xây dựng khang trang. Xung quanh là xóm làng với những ngôi nhà xây ẩn mình thấp thoáng sau những rặng tre, vườn chuối. Khung cảnh hữu tình, thơ mộng ấy gợi lên trong chúng tôi những cảm xúc về một thời văn nghệ kháng chiến, mà nơi đây là trụ sở chính của Hội Văn nghệ kháng chiến Việt Nam.

Điều đổi khác nhất khi đến thôn Gốc Gạo mà ai ai cũng nhận ra, đó là nhà bia lưu niệm đã được xây dựng khang trang, đẹp đẽ và trang trọng. Cây gạo cổ thụ xưa không còn nữa nhưng thay vào đó là cây gạo con ngay cạnh nhà bia giờ đã cành lá xum xuê, tỏa bóng xuống mái nhà.

leftcenterrightdel
Nhà bia - nơi trang trọng lưu giữ những ân tình kháng chiến. 

Tấm bia mộc mạc xưa nay được sơn, trang trí sáng đẹp và đặt trang trọng giữa nhà bia với dòng chữ ghi dấu ấn thời gian: “Tại thôn Gia Điền, trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1949). Cùng với cơ quan thường trực Hội, có cơ quan Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ”. Bốn phía tấm bia là bốn trụ cột vững chãi, phía trên là hai tầng mái vòm cong vút, lợp ngói vẩy tạo nên sắc màu cổ kính, mang đậm nét văn hóa làng quê Việt Nam. Phía trước nhà bia, gần gốc cây gạo thẳng tắp là tấm bia đá ghi lại những thông tin về sự kiện xây dựng lại nhà bia lưu niệm. Đứng từ xa nhìn lại, nhà bia tựa như một bông hoa sen đang nở tuyệt đẹp. Thế của nhà bia vững chãi bởi thế tựa vào lưng núi, bên cạnh là cây gạo nhìn ra cánh đồng bằng phẳng.

Nhà bia mới được tôn tạo, xây dựng lại đã đáp ứng lòng mong mỏi từ lâu của đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hạ Hòa, xã Gia Điền. Nơi đây, ghi dấu ấn một thời không thể nào quên của Hội Văn nghệ kháng chiến Việt Nam, tạp chí Văn nghệ cũng từ đây xuất bản số đầu tiên trong những năm tháng kháng chiến gian khổ mà nghĩa tình, sắt son.

leftcenterrightdel
 Di ảnh của cụ Vũ Thị Gái (bà Bầm) hiền từ, phúc hậu. 

Đứng trước nhà bia lưu niệm mới, trước di ảnh của cụ Vũ Thị Gái đang được thờ tự tại ngôi nhà người cháu đích tôn của cụ phía bên kia sườn đồi, chúng tôi nhớ đến câu chuyện cảm động và lắng đọng ân tình về nhà thơ Tố Hữu và bài thơ “Bầm ơi”.

Vì lắng nghe đêm đêm dưới nhà bếp vọng tiếng khóc thương nhớ người con trai ra chiến trường, lâu không thấy biên thư về, bặt vô âm tín của bầm Gái, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Bầm ơi”, đúc vào phong bao, gửi về cho bầm Gái ở Gia Điền.

Lấy bức thư ra, nghe cán bộ đọc những vần thơ thấm đượm tâm trạng nhớ mong của người con trai ngoài chiến trường với người bầm ở quê nhà, bầm Gái thôi không khóc nhớ con đêm đêm nữa vì bức thư ấy không chỉ là lời thăm hỏi ân tình, động viên, lời báo tin mà còn là những dòng tâm tư đầy thương nhớ của người con gửi cho mẹ: “Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều/Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!/Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”.

Vì thế, từ những chiến trường xa xôi, khét lẹt đạn bom của những năm tháng kháng chiến, những chiến sĩ đã tự tay mình chép bài thơ “Bầm ơi” để gửi cho mẹ mình nơi quê nhà. Và cứ như thế, tình mẫu tử thiêng liêng, ấm áp đã chan hoà vào tình yêu quê hương, đất nước. Bài thơ “Bầm ơi” như một tiếng gọi mẹ trìu mến, có sức lay động bao trái tim người mẹ, trái tim người chiến sĩ và đồng chí, đồng bào.

Chia tay xóm Gốc Gạo bình yên. Nơi đây, nhà bia lưu niệm giữa miền Trung du rừng cọ đồi chè bạt ngàn luôn là nơi trở về cội nguồn của văn nghệ kháng chiến, tìm về những ân tình còn lắng đọng trong những tư liệu, những hình ảnh, những vần thơ. Và hơn cả, nhà bia lưu niệm xóm Gốc Gạo đã và mãi mãi trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống văn học nghệ thuật, khắc sâu tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.