Đặt mục tiêu về quê ăn Tết mỗi năm

Tết Nguyên đán là dịp sum vầy với người thân, gia đình để đón năm mới theo truyền thống dân tộc có từ ngàn đời. Còn gì vui hơn sau nhiều năm ở phương xa, bà con xa quê hương có dịp trở về để đón Tết cùng người thân, để cảm nhận tình cảm yêu thương của xứ sở. Tình cảm ấy là một phần rất quan trọng tạo nên bản sắc và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam. 

Anh Đoàn Quang Việt, Trưởng ban Tổ chức hành chính của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết: “Ở Hàn Quốc cũng có Tết cổ truyền và đó là Tết trong gia đình. Tôi không có gia đình ở Hàn Quốc nên trong thâm tâm gần như không có Tết. Vì vậy, khi vào các trang mạng xã hội xem mọi người chuẩn bị Tết, lòng tôi không khỏi nao nao. Do vậy, tôi luôn đặt mục tiêu sẽ về quê ăn Tết hằng năm, kẹt công việc lắm mới phải ở lại”.

Với đa số kiều bào về nước ăn Tết Canh Tý năm nay, bữa cơm tất niên có vị trí vô cùng quan trọng. Trong ký ức của ông Nguyễn Ngọc Đức, bữa cơm tất niên thời bao cấp dù khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân vẫn cố gắng có đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng xanh, dưa hành, thịt đông, canh măng, xôi gấc với mong muốn năm mới no đủ, sung túc. Ngày nay, mâm cơm ngày Tết vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người dân Việt Nam. “Đây không chỉ là bữa ăn gia đình mà còn là dịp để mọi người sum họp, quây quần bên nhau sau một năm bận rộn, hối hả. Thời khắc giao thừa, các con cháu thành tâm chắp tay làm lễ là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong năm, nhắc nhở con cháu về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc”, ông Ngọc Đức nói.

Ông Trần Nghiadzong Marcel, kiều bào tại Pháp thì được đi chợ hoa ngày Tết là điều rất thú vị. “Các loại hoa đào, hoa mai, hoa lan, hoa thược dược, thủy tiên, lay ơn, đỗ quyên, quất cảnh… tạo nên sắc xuân thật rộn ràng, tưng bừng, không phải quốc gia nào cũng có được”, ông Marcel nói.

 130 kiều bào tiêu biểu về dự Xuân Quê hương 2020 thăm Đền Đô ở tỉnh Bắc Ninh.

Mong góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương

Bên cạnh những tâm tư, tình yêu quê hương, đất nước, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều có mong muốn cống hiến cho Tổ quốc, xây dựng quê hương giàu đẹp. Anh Nguyễn Ngọc Hoàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, anh xa quê hương đến nay vừa tròn 10 năm. Mỗi lần trở về quê, anh cảm nhận rõ sự đổi thay của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. “Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hai nước đang đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, với mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong năm 2020. Tôi đang có một doanh nghiệp tại Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đào tạo nghề. Tôi hy vọng, doanh nghiệp của mình sẽ góp phần đưa mục tiêu hợp tác giữa hai nước thành hiện thực”, anh Ngọc Hoàn chia sẻ.

Là người có kinh nghiệm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hơn 12 năm, bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch hệ thống bán lẻ Ngôi nhà Đức tại Việt Nam mong muốn, Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện nhiều hơn nữa để kiều bào đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu đầu tư, đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Bà Thanh Hương cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý yếu tố "4.0 + 1", tức phải lưu ý đến yếu tố văn hóa bản địa, tập trung phát triển nhiều sản phẩm "sản xuất tại Việt Nam"; phát triển "kinh tế xanh" trên các lĩnh vực thế mạnh của đất nước như nông nghiệp, du lịch, thương mại-dịch vụ…”, bà Nguyễn Thanh Hương nhấn mạnh. Đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của ông Nguyễn Hải Nam (kiều bào tại Pháp) hay ông Nguyễn Huy Anh (kiều bào tại Séc). Với họ, đi xa là để trở về, đặc biệt trong những ngày Tết ấm cúng này.

Bài và ảnh: LINH OANH