Sinh động, hấp dẫn, gần gũi, truyền cảm

Sau giờ ăn sáng, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh) hối hả chuẩn bị cho một ngày học tập, huấn luyện mới. Trong nhịp điệu khẩn trương của các chiến sĩ trẻ có tiếng nhạc rộn ràng của Chương trình Phát thanh QĐND. Đến đây, tôi được nghe nhạc hiệu “Vì nhân dân quên mình” cùng lời xướng quen thuộc: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: THANH TUẤN

Trước khuôn viên đơn vị, qua chương trình, chiến sĩ mới lắng nghe tin tức và cả những tâm sự của binh nhì trong ngày đầu nhập ngũ. “Chương trình Phát thanh QĐND với tôi rất thân thuộc, bởi ngày còn ở nhà tôi đã được nghe. Nay trở thành quân nhân, được nghe tiếng nói đồng đội, hiểu thêm về đời sống quân ngũ ở các đơn vị qua làn sóng, tôi sẽ phấn đấu và rèn luyện tốt hơn”. Đó là chia sẻ của Binh nhì Phạm Hùng Cường, chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 229, đồng thời cũng là tiếng lòng của các chiến sĩ khi được nghe Chương trình Phát thanh QĐND.

Để có mỗi chương trình phát sóng, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên đã nỗ lực không ngừng. Mỗi tác phẩm, tên tác giả và phát thanh viên được xướng lên đã gieo vào lòng thính giả cảm giác ấm áp, thân tình. Đại tá Vũ Thị Hồng Linh, Phó trưởng phòng Thời sự phát thanh, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội cho biết: “Loại hình phát thanh cuốn hút thính giả bằng âm thanh. Bởi vậy, người làm báo phát thanh cùng với việc truyền tải thông tin chân thực, chính xác thì hình thức thể hiện phải sinh động, hấp dẫn, giàu xúc cảm. Quá trình thực hiện tác phẩm phải chú trọng đến tiếng nói của nhân vật, tiếng động hiện trường và âm nhạc để tạo hiệu ứng”.

Kể lại chuyện tác nghiệp, Đại tá Vũ Thị Hồng Linh chia sẻ, để có được những tiếng động sinh động, truyền cảm, phóng viên phải thực sự đằm mình vào thực tế. Ví như, để thu âm được cuộc trò chuyện với chiến sĩ phát trong dịp Tết, tạo nên sắc thái trẻ trung, hào hứng, đầy sức trẻ cho chương trình, khi đó, phóng viên phải “hóa thân” thành những người bạn của chiến sĩ. Lại có khi cần đến giọng nói nghẹn ngào, xúc động của nhân vật, phóng viên phải thực sự đồng hành với diễn biến tâm trạng và chiều sâu cảm xúc của nhân vật để thu được những nội dung phỏng vấn chân thực, có giá trị thông tin, biểu cảm hơn mọi câu tả, hơn mọi lời bình.

Hành trình sáng tạo là hành trình dấn thân để phản ánh kịp thời các sự kiện diễn ra trong đời sống. Trung tá Trần Lê Thanh Tuấn, biên tập viên Phòng Chuyên đề phát thanh, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội không thể nào quên những chuyến tác nghiệp đến vùng bão, lũ. Vào đầu tháng 8-2017, cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) làm hàng chục người chết và mất tích. Không quản vất vả, hiểm nguy, anh Tuấn cùng đồng nghiệp có mặt tại hiện trường nơi các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang tổ chức khoan đá, đào đất để tìm kiếm người mất tích. Anh Tuấn bám địa bàn, ghi nhiều tiếng động chân thực để thực hiện loạt phóng sự “Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn những người còn mất tích-Mệnh lệnh trái tim người chiến sĩ” và trực tiếp đọc tại hiện trường để gửi Ban biên tập duyệt, phát sóng. “Không chỉ mình tôi mà các phóng viên, biên tập viên khác luôn dấn thân để có được thông tin truyền tới thính giả cả nước”, Trung tá Trần Lê Thanh Tuấn tâm sự.

Chuyên nghiệp, đổi mới, phát triển

Có được sự yêu mến của thính giả, tập thể phóng viên, biên tập viên Chương trình Phát thanh QĐND đã nỗ lực sáng tạo trong suốt nhiều năm qua. Chính sự tận tâm của cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã để lại dấu ấn qua những chương trình phát sóng chất lượng, có tính lan tỏa cao, như: “Sự thật-Luận bàn”, “Câu chuyện truyền thanh”, “Chuyện kể ở đại đội”, "Văn nghệ tổng hợp Quân đội", ca nhạc dành cho chiến sĩ... Nhiều chương trình thu hút, lôi cuốn đông đảo bạn nghe đài trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần bộ đội, bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, thắt chặt tình đoàn kết quân dân trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phóng viên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân tác nghiệp tại Lữ đoàn Xe tăng 409 (Quân khu 1). Ảnh: THANH TUẤN

Trong thành công của các chương trình phát sóng còn có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên, các thính giả trong và ngoài Quân đội. Trung tá Đinh Khánh Ngọc, biên tập viên Phòng Thời sự phát thanh, phụ trách Chuyên mục “Bạn nghe đài với Phát thanh QĐND”, cho hay: “Chúng tôi rất xúc động khi được biết thính giả trong cả nước dành tình cảm yêu mến đối với Phát thanh QĐND. Ví như ở phường Ba Đình, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) có câu lạc bộ những người yêu mến Chương trình Phát thanh QĐND. Đó là các cựu chiến binh gắn bó với chương trình từ những năm còn trong quân ngũ. Giờ đây, họ vẫn thường xuyên gặp gỡ, cùng nhau đón nghe chương trình”.

Trước yêu cầu phát triển, Chương trình Phát thanh QĐND không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức. Đội ngũ phóng viên luôn bám sát cơ sở, các hoạt động của LLVT để phản ánh, thông tin kịp thời trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đại tá Hoàng Gia Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội khẳng định: “Đáp ứng nhu cầu của thính giả, nội dung chương trình phát sóng ngày càng đa dạng, sinh động. Trong tổ chức sản xuất các chương trình, chúng tôi luôn chú trọng để có lượng thông tin nhiều hơn, tính tương tác cao hơn, tăng các bài viết điều tra, tiếng nói từ cơ sở, loạt phóng sự, chương trình trực tiếp. Hình thức thể hiện tăng tính hấp dẫn đối với người nghe. Kể từ ngày phát sóng đầu tiên cho đến nay, Phát thanh QĐND đã đồng hành với bộ đội và nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về quân sự, quốc phòng. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn tận tâm, dấn thân và sáng tạo, để Phát thanh QĐND hòa được vào dòng chảy của Đài Tiếng nói Việt Nam”.

ĐỨC NAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.