Phanxipăng - đỉnh núi cao nhất Đông Dương - đã trở thành mục tiêu chinh phục của nhiều khách du lịch.

Góp sức cho hàng ngàn lượt người chinh phục thành công đỉnh núi này chính là những hướng dẫn viên (HDV) du lịch. Họ còn được gọi với tên trìu mến là những người dẫn đường lên đỉnh Phanxipăng.

Cơn mưa bất chợt buổi sáng không làm chậm công việc chuẩn bị hậu cần cho chuyến đi. Chàng trai trẻ Trần Lê Anh Tuấn đang tất tả chạy đi chạy lại hoàn tất những công việc hậu cần cuối cùng trước khi đoàn bắt đầu khởi hành. Những vị khách của chuyến đi lần này đến từ Nhật Bản và phần lớn đều bước qua tuổi 50 nên công tác chuẩn bị càng phải chu đáo.

Những hoa tiêu tận tụy

Hiện nay tại Sa Pa, tour leo Phanxipăng được xem là hấp dẫn nhất đối với những du khách yêu thích phiêu lưu mạo hiểm và muốn khám phá. Tùy vào sức khỏe và thời gian của du khách, các HDV sẽ tư vấn để khách có thể chọn lựa một trong ba đường: Sín Chải, Cát Cát hoặc Trạm Tôn.

Lần này, các vị khách đến từ Nhật quyết định chọn đường Trạm Tôn, vì trong thời gian đó Sa Pa mưa rả rích suốt ngày nên sẽ đỡ cực hơn so với hai đường còn lại. Anh Tuấn cho biết kinh nghiệm trời mưa đường sẽ rất trơn nên dễ bị trượt té, nhiệt độ giảm cũng sẽ dẫn đến việc du khách mất sức nhanh hơn. Do đó, ngoài áo lạnh anh đã chuẩn bị cho mỗi vị khách một áo mưa và chặt cây làm gậy để đảm bảo leo núi an toàn.

Anh Đức Minh, giám đốc Công ty du lịch Đức Minh, cho biết: "Khi có đoàn khách trong nước, tôi luôn dặn dò anh em cần nhiều sự quan tâm hơn vì thể trạng của chúng ta kém. Hơn nữa, nhiều khách đi giữa chừng một mực đòi về vì chịu hết nổi nên anh em phải tham vấn tâm lý để họ lấy lại tinh thần rồi leo tiếp".

Trên đường đi, ngoài công việc thuyết minh cho du khách về đỉnh núi này và những thảm thực vật tự nhiên nơi đây, các anh còn đóng vai trò là một người bạn đồng hành suốt chuyến đi. Anh Lê Hữu Ước cho biết ngoài tên gọi và cách phân biệt, người hướng dẫn còn phải biết cả về công dụng chữa bệnh nếu có cũng như cách dùng. Đã có vài trường hợp du khách bị ngã té hoặc cảm sốt giữa đường, HDV đi vào rừng tìm các cây thuốc chữa trị ngay cho khách.

"Không chỉ dừng lại ở công việc của một HDV, chúng tôi còn làm công việc của một sứ giả du lịch để chuyển tải cho các du khách nét đẹp cũng như sự hùng vĩ của Phanxipăng. Đặc biệt, khách nước ngoài sẽ hiểu hơn về ngọn núi này cũng như sự tự hào của chúng ta về Phanxipăng - nóc nhà Đông Dương".

Nhiều HDV tâm sự trong suốt hành trình mình luôn là người dẫn đầu, nhưng khi gần đến đỉnh phải lùi về vị trísau cùng để dành cho khách cảm giác là những người đầu tiên chinh phục được nóc nhà của Đông Dương.

101 lần chinh phục Phanxipăng

Trần Lê Anh Tuấn (đi đầu) dẫn một đoàn khách Nhật Bản trên đỉnh Phanxipăng - Ảnh: Phi Long
Mới bước qua tuổi 29 nhưng Anh Tuấn đã leo Phanxipăng ngót nghét 50 lần. Sinh ra ở miền sông nước Sa Đéc (Đồng Tháp) rồi chuyển lên Sài Gòn học từ nhỏ, nhưng có lẽ Sa Pa đã thành quê hương thứ hai của anh. "Tôi lên Sa Pa chơi lần đầu tiên vào năm 2005 và thật sự ấn tượng bởi cuộc sống thanh bình, cả cảnh hùng vĩ của núi đồi nơi đây. Và sau chuyến đi đó tôi quyết định chuyển lên đây sống hẳn bằng một chân nhân viên văn phòng của một công ty du lịch" - Tuấn kể. Sau đó, anh lại chuyển sang làm HDV đi tour đến các bản của người dân tộc trước khi sang làm HDV leo Phanxipăng.

Còn chàng trai trẻ Nguyễn Trung Phương lại có một lý do khá đặc biệt. Đó là sau khi tốt nghiệp sư phạm Anh văn ở Yên Bái, trong thời gian tìm việc anh được một người bạn làm HDV ở Sa Pa rủ lên chơi. Một hai lần đi cùng bạn, anh đã mê tít cái nghề gian nan, vất vả nhưng đầy thử thách khám phá này. Thế là từ "ông gõ đầu trẻ” anh chuyển sang làm "chàng trai của núi rừng".

Hiếm HDV làm nghề này tốt nghiệp từ các trường du lịch, phần lớn đến với nghề bằng niềm đam mê cũng như sở thích từ khi còn bé. Và đó cũng chính là cơ duyên để anh Lê Hữu Ước được anh em trong nghề suy tôn là "vua của Phanxipăng" với thành tích 101 lần chinh phục đỉnh núi này. Đó là câu chuyện dài về chàng trai quê ở Hà Tĩnh nhưng đã gắn bó với Sa Pa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhà không được khá giả nên ngoài một buổi đi học, buổi còn lại cậu bé Ước phải lên rừng lấy củi về cho gia đình. Nơi hằng ngày cậu bé đi lấy củi chính là rìa rừng của Phanxipăng. Và rồi tròn 20 tuổi, anh đã tự tặng mình phần quà lớn nhất là chinh phục được nơi cao nhất đó. Anh nói: "Khi ở trên đỉnh, tôi có cảm giác quyến luyến lạ thường và cảm nhận rằng hình như mình đã thuộc về nó”.

Mười năm với nghề, anh đã trở thành HDV leo Phanxipăng số 1 hiện nay và để lại trong lòng nhiều du khách ấn tượng sâu đậm.

Theo: TTO-PHI LONG