Thì ra là nhà thơ bức xúc chuyện một nghệ sĩ hài nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh vừa bán đấu giá bài thơ được 700 triệu đồng trong một chương trình nghệ thuật từ thiện. Chả riêng ông bạn vong niên của tôi, sự kiện này đã gây xôn xao dư luận trong giới cầm bút. Bên cạnh những ý kiến chúc mừng, ủng hộ, có không ít người lên tiếng phản ứng rằng, bài thơ ấy chỉ là dạng “vè”, dạng thơ phong trào, chẳng có giá trị học thuật là bao. Thậm chí, một số nhà thơ bày tỏ thái độ gay gắt rằng, thơ của nghệ sĩ hài nọ là thứ “hàng chợ”, có đầy trong các bản tin và đêm thơ cấp... phường. Người bỏ ra số tiền lớn để mua nó, quả không đáng.
Người ủng hộ nghệ sĩ hài thì nói rằng, nếu không phải là một bài thơ mà là một cái áo, cái đàn hay sản phẩm gì liên quan đến hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ ấy, anh cũng có thể bán được ngần ấy. Anh là nghệ sĩ nổi tiếng trong làng giải trí phía Nam, là cái tên bảo chứng cho phòng vé, từ sân khấu đến điện ảnh suốt hàng chục năm qua. Người mua bài thơ của anh không phải mua giá trị học thuật, mà mua vì danh tiếng của nghệ sĩ. Vậy thì việc anh làm thơ, bán thơ hay bán bất cứ cái gì anh thích, vì mục đích từ thiện thì đều đáng quý. So sánh giá trị chữ nghĩa của bài thơ ấy với tác phẩm của các nhà thơ chuyên nghiệp quả là khập khiễng. Mấy năm trước cũng từng có một nhà văn khá nổi tiếng ở miền Bắc bán bức tranh sơn dầu do anh vẽ được tiền tỷ, dù bức tranh chẳng có giá trị nghệ thuật gì.
Như vậy, hoạt động mua-bán trong những trường hợp này chỉ là cái cớ để người ta làm từ thiện. Người mua thơ có khi chẳng thuộc câu nào. Người mua tranh về có khi chỉ để... trong kho. Gọi đó là thứ “hàng chợ”, rằng sai thì không sai, nhưng không nên.
Ở phương diện khác, trong nền kinh tế thị trường, thơ cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Bất cứ tác giả nào in thơ cũng mong muốn sách của mình bán được. Muốn bán được thơ thì phải có những “chợ thơ”. Vậy nhưng, mặc dù mỗi năm có đến hàng vạn tập thơ ra đời, nhưng liên tiếp các hội sách những năm gần đây, thơ được bày bán trên các quầy sách vô cùng hiếm. Cũng chưa thấy truyền thông phản ánh cuốn thơ nào của các tác giả đương đại bán chạy hàng. Đa phần thơ in chủ yếu chỉ để tặng nhau. Một bộ phận thì cần có đầu sách để làm hồ sơ xin vào Hội Nhà văn.
Nhưng qua chuyện nghệ sĩ hài bán thơ cũng gợi cho nhiều người một cách mới để đưa thơ tiếp cận công chúng. Nếu có một sự kết hợp giữa nghệ sĩ nổi tiếng với nhà thơ trong một chương trình tương tự, hiệu ứng xã hội và hiệu quả đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều. Thay vì nghệ sĩ bán một bài thơ của mình, anh có thể quảng bá, giới thiệu, bán một tập thơ có giá trị của một nhà thơ tên tuổi với số lượng lên đến hàng nghìn cuốn. Đối tượng thụ hưởng, ngoài giá trị vật chất do chương trình mang lại, còn được đọc thơ.
Thơ là loại hàng hóa đặc thù, muốn bán được thì phải tạo ra những cái “chợ” đặc thù.
Tại sao không?
PHAN TÙNG SƠN