5 giờ sáng, nắng hè đã chiếu ngoài cửa sổ. Những mớ rau tươi rói có mặt ở chợ từ lúc 4 giờ. Đi đến cổng chợ đã ngửi thấy hương sen thoang thoảng lẫn đâu đó trong mùi cá tép, gà vịt tanh nồng. Chị bán hoa đon đả mời: “Mua sen đi em? Mười lăm ngàn một bó”.
Chị không phải là người ngày nào cũng đứng đó bán hoa. Khuôn mặt lam lũ sáng bừng lên bên nụ sen hồng đựng trong chiếc thùng sơn cũ còn bám đầy bùn, chắc là mới hái sáng nay. Chị cười bảo: “Nhà có đầm sen nên năm nào mùa này chị cũng chèo thuyền đi hái từ mờ sớm. Ở thành phố hoa sen bán đắt lắm. Còn ở quê chỉ ai biết chơi mới mua sen về cắm trong nhà. Chưa đến chục bó sen mà có khi đến trưa còn ế”. Tôi tha thiết hít hà thứ mùi hương thanh khiết. Mường tượng ra cảnh cả căn nhà nhỏ của mình sẽ thơm ngát hương sen đủ xua đi cái nắng nóng hầm hập phả vào những bức tường. Có lẽ sen chính là thứ tôi từng tìm kiếm vào những ngày ẩn mình trong nhà trốn tránh sự khắc nghiệt của thời tiết mùa hè. Lúc giúp tôi buộc hoa vào sau xe, chị cười bảo: “Chị bán cho đến khi sen tàn. Lúc đó sẽ bán gương sen cho người ta ăn hạt. Thỉnh thoảng nhớ ghé qua mua hoa cho chị nhé. Thế thôi, chứ mùa sen cũng qua đi nhanh lắm”. Tôi nhoẻn cười mang sen đi lòng vòng ngõ chợ.
 |
Minh họa: Nguyễn Quang Cường. |
Vài mẹt sấu bày ra. Năm nay sấu mất mùa, cây nào cũng lưa thưa quả. Giá sấu đắt hơn mọi năm nhưng ai cũng sà vào mua một vài cân bỏ tủ lạnh ăn dần. Mùa này mà có bát canh rau muống dầm sấu thì dễ nuốt cơm. Người thích dầm mắm, người thích ngâm đường. Chỉ một mẹt sấu nhỏ mà xôn xao góc chợ. Tự nhiên tôi nhớ đến hàng cây sấu mới trồng ở vỉa hè trước nhà. Thị xã làm lại vỉa hè, nhà nào cũng xin chừa cho hai ô đất để trồng cây lấy bóng. Có biết bao nhiêu loại cây tán rộng vậy mà nhà ai cũng mua sấu về trồng. Chỉ vì muốn “đến mùa sấu còn kiếm ít quả nấu canh chua”. Những ngày này, đi chợ nhìn mẹt sấu là hay thấy nhớ nhà. Đúng hơn là thấy nhớ ký ức của những năm thơ ấu. Ngày ấy cứ sắp đến bữa cơm là mang cây sào ra chòi sấu. Canh hến, canh cá, nước rau muống luộc… Canh gì cũng bỏ vào đôi ba quả sấu, cái vị chua thanh mát ấy giúp bữa cơm đỡ khô khan khó nuốt. Nhà có cây sấu là bát canh cả xóm có vị chua, là thêm khách mỗi chiều ghé qua xin quả. Xa nhà cứ đến mùa là điện về hỏi: “Mẹ ơi, sấu nhà mình năm nay có sai quả hay không?”.
Mùa này đang là mùa tằm. Ở quê tôi người ta trồng sắn trên những đỉnh đồi cỗi cằn sỏi đá để lấy củ chăn nuôi gà lợn, lấy lá nuôi tằm. Để được một mẻ tằm chín là mất bao nhiêu công sức chăm bẵm, nhất là vào mùa tằm ăn rỗi. Thế mới có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm. Nuôi tằm ăn cơm đứng”. Ngày xưa nửa đêm mẹ tôi còn soi đèn đi hái lá mới kịp cho ăn. Nằm trong buồng nghe tiếng tằm gặm lá rào rào, mấy chị em tôi còn không ngủ nổi. Có những năm tằm ăn phải lá sắn dính sương, sáng ra nằm chết la liệt. Nhìn nong tằm ngoài chợ là hiểu được sự tảo tần vất vả của người nông dân. Những con tằm vàng ươm là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người. “Mùa tằm cũng sẽ hết nhanh thôi”, tôi nghe thấy câu ấy lúc đi qua chỗ nón lá chụm đầu. Bữa cơm của nhiều gia đình trưa nay sẽ có thêm món tằm luộc, tằm rang lá chanh của các bà, các mẹ. Tôi mang sen đi tìm mùa giữa trốn bán mua. Cuối chợ thấy người ta bắt đầu bán trám…
Tản văn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG