Gần 20 năm cầm cọ, Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt đã có những trải lòng thú vị về hội họa, về bản thân và văn hóa Việt Nam. Ông đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân cuộc trò chuyện cởi mở.
Phóng viên (PV): Xin chào Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt! Dạo này ngài có hay vẽ tranh không?
Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt: Thú thật, công việc ngoại giao của tôi khá bận. Tuy nhiên, tôi luôn tranh thủ những khoảng thời gian rảnh để vẽ tranh. Ngày nào tôi cũng vẽ dù ít hay nhiều để thỏa niềm đam mê. Ở Việt Nam tôi vẽ tranh nhiều hơn tất cả những nước mà tôi từng sinh sống, làm việc. Tôi luôn vẽ những gì hiện ra trong đầu, những điều tôi gặp ở ngoài cuộc sống thường ngày… Thường thì tôi vẽ theo cảm hứng và phải mất một thời gian sau khi bức tranh được hoàn thiện thì tôi mới đặt tên.
Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt (giữa) trong một buổi triển lãm tranh ở Hà Nội. Ảnh: HOA LƯ
PV: Cơ duyên nào đã đưa Đại sứ đến với hội họa?
Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt: Chắc bạn không tin chứ suy nghĩ ban đầu của tôi về hội họa rất tiêu cực. Tôi luôn nghĩ họa sĩ là những người biệt lập, ích kỷ trong cuộc sống. Nhưng sau khi tiếp xúc với hội họa, tôi cảm thấy yêu thích nó bởi đây chính là cửa sổ tâm hồn của cuộc sống. Những kỷ niệm về hội họa luôn gắn liền với những khoảnh khắc của cuộc đời tôi. Những trải nghiệm của tôi khi tiếp xúc với cuộc sống, con người luôn được tôi phản ánh qua từng bức tranh. Với tôi, hội họa không phải là hiện thực mà nó phản ánh giấc mơ của cuộc sống. Vì hiện thực thì ta có thể phản ánh bằng việc chụp ảnh. Còn bức tranh thì lại có một tâm hồn trong đó mà tác giả muốn truyền tải. Đó là cảm nhận của riêng tôi, một người vẽ tranh đã được gần 20 năm nhưng chưa từng qua một trường lớp đào tạo hội họa nào.
PV: Qua một vài cuộc triển lãm, tôi thấy nhiều độc giả của Việt Nam rất thích tranh của Đại sứ. Vậy những bức tranh của ngài thường mang thông điệp gì?
Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt: Tôi rất may mắn khi có nhiều điều kiện tiếp xúc với hội họa của Việt Nam. Trong năm nay, tôi được gặp nhiều họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và tham gia một vài cuộc triển lãm ở Hà Nội. Chúng tôi thường trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm và vẽ tranh cùng nhau. Khi vẽ tranh về Việt Nam, tôi luôn muốn gửi thông điệp: Các bạn hãy yêu đất nước và con người mình. Hãy bảo tồn văn hóa quê hương bởi đây là cốt lõi của dân tộc. Các bạn hãy yêu thương và bảo vệ môi trường bởi nó chính là ngôi nhà của mình. Nếu chúng ta không bảo vệ được ngôi nhà của mình thì cuộc sống sẽ không còn được bảo đảm an toàn nữa!
Tôi là một người nước ngoài và khi đến Việt Nam tôi rất nhớ quê hương. Mỗi lần nhớ quê, tôi thường vẽ tranh để phản ánh văn hóa của đất nước chúng tôi. Theo tôi những họa sĩ khi vẽ tranh đều bị ảnh hưởng bởi hạnh phúc và hòa bình. Hội họa Việt Nam và Hy Lạp có nhiều điểm khác biệt, nhưng có một điểm chung lớn nhất là các họa sĩ khi vẽ tranh luôn quan tâm đến giá trị con người hơn về giá trị vật chất. Với những ai đã từng trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời thì họ sẽ tạo ra nhiều bức tranh rất giàu ý nghĩa. Tất nhiên một bộ phận họa sĩ trẻ ngày nay cũng vẽ tranh rất đẹp vì họ luôn biết nhìn nhận, tiếp thu tinh hoa của những người đi trước.
PV: Rời quê hương Hy Lạp tới Việt Nam, Đại sứ có cách gì để khám phá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam?
Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt: Tôi có một người bạn thân tên Cô-xtát Xa-ran-ti-dít (Kostas Sarantidis). Ông ấy từng là chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Hữu nghị. Trước ngày tôi lên đường sang Việt Nam, ông Cô-xtát Xa-ran-ti-dít đã gọi cho tôi và nhắn: “Ông Ni-cốt D.Ka-nen-lốt này! Ông làm ơn hãy làm thật nhiều điều có ích cho đất nước và con người Việt Nam. Giúp tôi nhé bởi đây là quê hương thứ hai của tôi. Hãy nhớ Việt Nam là một đất nước tuyệt vời!”. Khi vừa đáp xuống Sân bay quốc tế Nội Bài, tôi đã nhận được sự chào đón bằng những nụ cười nồng hậu, tình cảm chân thành của con người Việt Nam. Từ đó tôi đã nảy ra một mong ước là muốn khám phá về văn hóa và cuộc sống của các bạn.
Trong 2 năm đầu, tôi đi tất cả những ngóc ngách, đường phố ở Hà Nội. Tôi thường đi bộ, khám phá những ngôi nhà bình dị và nán lại trò chuyện với một số người Việt Nam theo cách chân thành nhất. Tôi nghĩ rằng nghiêm túc trong công việc nhưng cuộc sống phải có nụ cười, niềm vui. Và người Việt Nam luôn có được hai yếu tố đó. Tôi có nhiều kỷ niệm bình dị ở Việt Nam nhưng đáng nhớ nhất là khoảnh khắc những người phụ nữ bán hoa ở các con phố Hà Nội. Mỗi lần đi làm qua những chị bán hoa, tôi thường nán lại mua một bó. Tôi luôn lấy những màu sắc, vẻ đẹp của các loài hoa đó để tô điểm cho những bức tranh mà mình vẽ.
PV: Từ cách nhìn nhận của mình, Đại sứ có góp ý gì giúp Việt Nam ngày càng phát triển?
Đại sứ Ni-cốt D.Ka-nen-lốt: Việt Nam và Hy Lạp là hai đất nước cần nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng thế giới. Văn hóa của hai nước rất phong phú, đa dạng và có nhiều điều có thể mang lại sự đặc sắc cho văn hóa thế giới. Để làm được điều đó thì Việt Nam cần phải đầu tư, phát triển và nâng tầm giáo dục. Tôi sẽ không bao giờ ngừng nhắc lại với người Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, Người từng nói rằng, "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và "Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Giáo dục không chỉ giới hạn trong các trường học, mà cần phải tận dụng được những khoảng thời gian trống của mọi người để tự học nâng cao năng lực của bản thân. Chỉ có nâng cao chất lượng giáo dục thì chúng ta mới bảo vệ được nền văn hóa, qua đó xây dựng một đất nước giàu đẹp, phồn vinh.
Sự phát triển của đất nước không thể tách khỏi niềm vui, hạnh phúc của con người. Nếu sự phát triển đem lại hạnh phúc và cuộc sống ấm no cho con người thì tôi rất ủng hộ, nhưng phải đi cùng với việc bảo vệ môi trường. Tôi rất phản đối những công ty xả thải phá hoại môi trường và tôi ủng hộ việc Nhà nước Việt Nam đã làm mọi việc có thể để kiểm soát, bảo vệ môi trường. Tin rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những bước phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực, ngày càng có vị thế, uy tín cao trên thế giới, xứng đáng là đất nước có Anh hùng Giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh!
PV: Trân trọng cảm ơn ngài!
HỮU TRƯỞNG (thực hiện)