Ông sinh năm 1947, hiện là ủy viên Ban Thường vụ Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Thọ; Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Văn học nghệ thuật thị xã Phú Thọ; nguyên giáo viên chuyên Văn trường THPT Hùng Vương - Phú Thọ.

Có lẽ chính con đường binh nghiệp thời tuổi trẻ là nền tảng giúp người chiến sĩ năm xưa trở thành một giáo viên dạy văn được nhiều thế hệ học trò yêu mến, trân trọng. Những bài giảng của thầy đã thấm đẫm vào trong tâm trí bao lứa học sinh, truyền cho họ những khát khao cháy bỏng về niềm tự hào, tình yêu với quê hương, đất nước.

Thầy giáo Đoàn Hải Hưng trong thời gian ở Trường Sơn, tháng 6-1967.

Không chỉ dẫn dắt và truyền cảm hứng văn chương cho các học trò mà đối với thầy giáo Đoàn Hải Hưng, văn chương và thơ ca đã đi sâu vào tâm hồn và trở thành một “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của mình.

Từ năm 1976 đến nay, nhà giáo Đoàn Hải Hưng đã in 8 tập thơ, văn, nghiên cứu phê bình, văn hóa dân gian ... trong đó một số tác phẩm đã được giải thưởng của Trung ương và địa phương.

Vào dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19-5-1959/19-5-2014), thầy Đoàn Hải Hưng đã chọn in 55 bài thơ trong những sáng tác của mình, phần lớn là các bài được viết ở Trường Sơn, viết về Trường Sơn và những con người đã đóng góp, lập nên kỳ tích anh hùng.

Tiêu đề của tập thơ là “Một thời hoa lửa”, sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản tháng 2-2014. Tập thơ là những tình cảm chân thành, sâu sắc của tác giả đối với quê hương, đất nước, với Đảng - Bác Hồ kính yêu; ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào, tình cảm gia đình, tình đồng chí-đồng đội thủy chung sâu nặng và những kỷ niệm đẹp về “một thời hoa lửa”; những năm tháng gian khổ hào hùng, anh dũng chiến đấu, thầm lặng hy sinh của 20 vạn cán bộ - chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên con đường huyền thoại: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh để lập nên chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

 Bìa tập thơ “Một thời hoa lửa”.

Mở đầu tập thơ “Một thời hoa lửa” là bài “Thư gửi mẹ”. Đọc bài thơ này, độc giả cảm nhận được nỗi niềm nhớ thương người mẹ khi người thanh niên đi vào chiến trường. Nhưng anh đã gác lại niềm thương nhớ đó để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quê hương đất nước “Con trở thành người chiến sĩ nhân dân/Chiến đấu vì Độc lập-Tự do và những mùa Xuân/Trên đất nước bốn nghìn năm lịch sử/Anh “Bộ đội Cụ Hồ” niềm tự hào, vinh dự/Tên gọi thân thương, gắn kết mọi gia đình/Vì nước vì dân, con chiến đấu hy sinh…”.

Mặc dù biết những khó khăn, vất vả và hiểm nguy phía trước nhưng chàng thanh niên của miền đất Trung du vẫn quyết tâm đi vào chiến trường và sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giành độc lập cho dân tộc: “Gian khổ, hiểm nguy thử thách chúng con/Ghềnh thác, rừng sâu, bão đạn, mưa bom…/Không ngăn được những đoàn quân quả cảm…Nếu con không trở về, thì mẹ ơi, đừng khóc!/ Các em con, đồng đội con sẽ chăm sóc mẹ lúc tuổi già/Chúng con lên đường, rồi sẽ đi xa/Tiền tuyến gọi, chúng con đi mẹ nhé”.

Phải trải qua những năm tháng ở chiến trường và nếm trải những khó khăn, hiểm nguy khi chiến đấu thì mới thể hiện cảm xúc bằng những vần thơ thấm đẫm tình đồng chí, đồng đội đến thế. Cho dù  phải hứng chịu những làn mưa bom bão đạn quân thù nhưng những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn vẫn luôn sát cánh bên nhau: “Vui nào bằng chiến đấu hy sinh/Vì nhân dân, vì Đảng quang vinh/Trên đường anh hành quân ra trận/Núi sông, rừng biển sưởi ấm tình”.

Giữa rừng xanh, các chiến sĩ vẫn hân hoan đón giao thừa trong khung cảnh ấm tình đồng đội và cùng nhau hy vọng về một mùa xuân chiến thắng: “Vui đón giao thừa giữa rừng xanh/Chiến trường đất bạn thắm đời anh/Mùa xuân hy vọng, xuân chiến thắng/Lửa thép luyện ta đã trưởng thành”.

Với 55 bài trong tập thơ “Một thời hoa lửa” đã giúp độc giả cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn năm xưa. Mặc dù chiến tranh đã rời xa nhưng những năm tháng chiến đấu của các chiến sĩ mãi là bản hùng ca đẹp trong quá khứ để tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ hiện tại và tương lai trong công cuộc dựng xây đất nước.

Với thầy giáo Đoàn Hải Hưng, mỗi một “chuyến đò” đưa các em cập bến thành công là niềm vinh dự, tự hào bởi người lái đò này đã âm thầm, lặng lẽ bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn để đưa các em cập bến. Vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập trường THPT Hùng Vương (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) vừa qua và 35 năm ngày ra trường của học sinh khối 12 khóa 1985-1988, thầy giáo Đoàn Hải Hưng đã dành tình cảm cho các học trò bằng những vần thơ được viết lên từ trong trái tim của một người thầy giáo. Những học trò của thầy Đoàn Hải Hưng giờ đã trưởng thành, trong số đó có những tiến sĩ, kỹ sư, doanh nhân… nhưng dù đi đâu, làm gì thì trong tâm trí của những người học trò này vẫn luôn văng vẳng tiếng giảng bài và những bài văn thấm đẫm tình người của thầy giáo Đoàn Hải Hưng.

KHÁNH HUYỀN