Dành trọn tuổi xuân để dạy trẻ khuyết tật

16 năm qua, cô Nguyễn Thị Ái Vân (sinh năm 1976, Giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái) luôn thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân của mình để nuôi dạy trẻ khuyết tật.

Cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân được Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà tại buổi gặp mặt giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mỗi ngày trực của cô Ái Vân là trọn vẹn 24 giờ (bắt đầu từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), không chỉ làm công việc giảng dạy trên lớp, cô còn hỗ trợ học sinh từ việc tắm rửa, giặt giũ, tập đi lại cho những em bị khuyết tật chân, có khi lại chơi xếp hình với các em bị thiểu năng trí tuệ…

Chia sẻ về những khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật, cô Ái Vân cho biết, dạy trẻ khuyết tật là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nắm bắt tâm lý và hơn hết là tấm lòng yêu thương của người thầy. Từ những việc làm như thường xuyên quan tâm đến khả năng nhận thức của mỗi trẻ (như tổ chức cho các em các hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, động viên, khen ngợi khi các em làm được một điều gì đó) để có những phương pháp giáo dục và đánh giá phù hợp đến việc quan sát các biểu hiện, hành vi của trẻ. Trên cơ sở đó hạn chế, ngăn chặn các hành vi không phù hợp. Hay giúp các em có kỹ năng sống, tự tin vào bản thân, vượt qua mặc cảm để có thể tự khẳng định mình...

Khó khăn là thế, nhưng chỉ cần nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan, niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ là bao nhiêu khó nhọc cô Vân đều có thể vượt qua. "Là những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục các con, hơn ai hết, chúng tôi hiểu được nỗi đau mà các con phải gánh chịu. Những tiến bộ của các con hôm nay chính là nguồn động lực để tôi và biết bao giáo viên đang dạy trẻ khuyết tật khác phấn đấu hết mình. Tôi luôn tin rằng ngọn nến thẳng hay cong, khi được thắp lên thì đều cháy sáng lung linh. Và tôi sẵn sàng đánh đổi để được thắp lên niềm vui, ước mơ cho những đứa trẻ đặc biệt. Dạy dỗ các em, tôi có được niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có", cô Vân chia sẻ.

Khao khát giúp học trò khiếm thính vào đại học

Với khao khát giúp học trò khiếm thính vào đại học, thầy giáo Võ Duy Quang (sinh năm 1988, Giáo viên Trường nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng) đã trở thành giáo viên dạy các em khuyết tật ngay tại chính ngôi trường mà mình đã từng trưởng thành.

Thầy giáo Võ Duy Quang chia sẻ tại chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018. Ảnh:Diệu Thuý

Ngay từ khi sinh ra, cậu bé Võ Duy Quang đã bị câm điếc, chính vì vậy, hơn ai hết, anh là người hiểu và đồng cảm với những khó khăn của người khiếm thính. "Tốt nghiệp lớp 12, tôi suy nghĩ khá nhiều về việc nên học gì tiếp. Lúc đầu, tôi muốn làm thiết kế thời trang vì bản thân có năng khiếu vẽ và thích xem các show diễn. Tuy nhiên, khi nghĩ đến khó khăn, thiệt thòi của người khiếm thính do không có cơ hội được học hành bởi phần lớn các trường ở Việt Nam chỉ dạy học sinh điếc hết bậc tiểu học, hiếm lắm mới có trường dạy đến cấp 3 nên tôi thay đổi quyết định, muốn trở thành thầy giáo. Tôi muốn giúp trẻ khiếm thính phát triển và chứng minh cho xã hội thấy, người điếc cũng có năng lực, có thể làm được nhiều điều hữu ích”, thầy Võ Duy Quang chia sẻ.

Chia sẻ về những khó khăn khi dạy học trò khiếm thính, thầy Võ Duy Quang cho biết, vì học sinh khiếm thính phải sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng ngôn ngữ này cô đọng hơn ngôn ngữ nói/viết. Ví dụ từ “hiền” rồi lại có “hiền hòa”, “hiền từ”, “hiền hậu”, nhưng ngôn ngữ ký hiệu chỉ có một ký hiệu “hiền” thôi nên khi thấy các từ sau trong sách giáo khoa, học sinh không hiểu khái niệm đó là gì. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính nên thầy – trò gặp không ít khó khăn để truyền tải và hiểu được nội dung; có những từ phải mất cả tháng học sinh mới học xong.

Vượt qua tất cả những khó khăn đó, thầy Võ Duy Quang luôn tâm niệm làm thế nào để đưa được học trò của anh đến với giảng đường đại học, anh luôn động viên học trò học của mình hết lớp 12 phải học lên cao hơn, trở thành người có ích cho xã hội.

“Mỗi lần đến trường các học trò lại ùa ra ôm tôi, hỏi han nhiều điều, cảm giác đó giống như mình là bố của một đàn trẻ hay những tấm thiệp viết những câu còn sai ngữ pháp, chính là động lực giúp tôi đi tiếp con đường đưa học trò khiếm thính tới giảng đường đại học”, thầy Võ Duy Quang bộc bạch.

NGUYỄN THÚY