Có lần bạn chợt than thở với tôi: “Một số bạn sinh viên bây giờ tiêu pha bạt mạng quá không như chúng mình ngày xưa”.
Tôi cười: “Cậu lại ca bài “Mong ước kỷ niệm xưa” rồi. Ngày trước, cuộc sống còn khó khăn, cánh sinh viên “lưng dài tốn vải” như chúng mình chỉ biết ăn với học nên phải tiết kiệm từ cây kim, sợi chỉ. Ngày nay, cuộc sống đổi thay, điều kiện của mỗi gia đình được nâng cao, sinh viên chi tiêu thoải mái hơn cũng là chuyện thường tình chứ?”. Nghe tôi nói vậy, bạn bảo: “Về điểm này, mình không đồng tình với bạn. Sinh viên là những người đang đi học để tiếp cận tri thức, mọi chi phí sinh hoạt chủ yếu đến từ nguồn chu cấp hằng tháng của gia đình. Chính vì vậy, việc sử dụng đồng tiền một cách tiết kiệm, đúng mục đích là điều mà các bạn trẻ nên lưu tâm”. Bạn còn nhấn mạnh thêm: “Thực tế, nhiều sinh viên có lối sống tiết kiệm, biết tranh thủ thời gian rảnh đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Nhưng vẫn còn một số bạn sinh viên lại “vung tay quá trán”, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và kết quả học tập của bản thân”.
Rồi bạn kể cho tôi nghe về một trường hợp sinh viên năm thứ nhất, gia đình thuộc diện có của ăn, của để. Được chu cấp đầy đủ khi xa nhà, cộng thêm lối sống tự do, thoải mái quá mức, cậu ta bắt đầu lãng phí tiền bạc vào những cuộc vui cùng bè bạn. Ban đầu, chỉ là buổi tổ chức sinh nhật tại nhà hàng sang trọng. Sau rồi thành quen, có gì mới là khoe và khao bằng các cuộc nhậu triền miên với những thức ăn ngon, đồ uống “xịn”. Thậm chí, cậu còn sẵn sàng mua 1.000 bông hồng xếp thành hình trái tim để làm cô người yêu bất ngờ trước đám bạn... Một trường hợp khác, cô nữ sinh dù gia đình không mấy khá giả nhưng có sở thích “sống ảo” trên mạng xã hội. Cô ấy thường xuyên đến những nơi sang trọng để ăn uống, mua sắm hàng hiệu và là để check-in đăng tải lên mạng xã hội. Đổi lại cho những lượt thích, bình luận “ngưỡng mộ” trên mạng là những khoản tiền tốn kém mà cô nàng vẫn thường xin bố mẹ với lý do để tham gia các khóa học nâng cao.
Hai trường hợp nêu trên đều là những biểu hiện của lối sống lãng phí, buông thả của một bộ phận sinh viên. Như một lẽ tất nhiên, tích tiểu thành đại, việc phung phí tiền bạc đến một ngày vượt quá khả năng chi trả của các bạn sinh viên và gia đình. Lúc này, không chỉ kinh tế gặp khó khăn mà kết quả học tập của các bạn cũng sa sút do một thời gian dài chểnh mảng. Đáng buồn hơn, có sinh viên bị buộc phải thôi học vì không đáp ứng được yêu cầu đào tạo của nhà trường.
Sinh viên là đối tượng phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Vì vậy, trong cuộc sống, mọi chi tiêu cho sinh hoạt cũng cần cân nhắc sao cho hợp lý, có chừng mực. Đối với các nhà trường, đoàn thanh niên, hội sinh viên, nhà giáo cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền để sinh viên có ý thức thực hành tiết kiệm, nói không với chi tiêu lãng phí; dành thời gian và tâm sức học tập, rèn luyện tốt để sau này ra trường biết lập thân, lập nghiệp, quý trọng từng đồng tiền do công sức lao động mình làm ra.
NGUYÊN ĐỨC