Ngắm bức tranh, Lan bảo: "Hôm trước, con gái tôi cũng đòi vẽ tranh tặng thầy cô giáo nhưng tôi sợ con mất thời gian, ảnh hưởng tới việc học nên bảo con việc tặng thầy cô... cứ để mẹ chuẩn bị. Và tôi cũng chọn cách dễ dàng nhất".

Câu nói vô tư của bạn khiến tôi chạnh lòng. Hơn 10 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi cũng gặp không ít phụ huynh có chung suy nghĩ như bạn tôi. Một vài năm trở lại đây, món quà tặng thầy cô vào mỗi dịp lễ, Tết, dù có phần tế nhị hơn nhưng hầu hết vẫn là những món quà nặng về vật chất. Việc tặng quà thể hiện tấm lòng của cha mẹ học sinh đối với thầy cô giáo nhưng có một số bậc phụ huynh lại có suy nghĩ biếu, tặng quà để được thầy cô quan tâm, đối xử đặc biệt hơn với con mình.

Với những gia đình có điều kiện, những món quà có thể không đáng là bao nhưng với những gia đình tiền lương hằng tháng còn không đủ chi trả sinh hoạt gia đình thì quà tặng thầy cô những ngày này buộc họ phải đắn đo, suy nghĩ. Tôi biết có một số phụ huynh vì muốn con bằng bạn bằng bè đã phải dành dụm để tới biếu quà. Tất nhiên là tôi đã nhiều lần trả lại quà những phụ huynh như thế. Nghĩ về việc của Lan, tôi nhiều lần phê bình việc cho trẻ mang những món quà thiếu tế nhị biếu, tặng thầy cô sẽ gián tiếp tạo cho trẻ có những suy nghĩ không hay về tình thầy trò.

Vì những lý do trên mà từ ngay đầu năm học này, nhóm phụ huynh lớp con gái tôi đã đưa ra thông báo: Phụ huynh không tự đến lớp tặng quà riêng thầy cô vào các ngày lễ, Tết, mà ban phụ huynh lớp sẽ đại diện mua quà tặng chung thầy chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn, để không ảnh hưởng tới tâm lý những học sinh gia đình không có điều kiện, cũng như tạo sự bình đẳng, vui tươi chung cho tất cả học sinh. Ý tốt là vậy, thế nhưng, thông báo này nhận được không ít ý kiến phản đối của phụ huynh trong lớp.

Vừa là phụ huynh, vừa là giáo viên, cá nhân tôi chỉ mong sao các bậc làm cha làm mẹ dạy con trẻ hiểu: Giá trị của món quà không nằm ở vật chất mà trong chính tấm lòng của người tặng, ở cách tặng. Tôi biết đồng nghiệp của tôi-những giáo viên đang dạy học ở vùng nông thôn, miền núi, vì thương học trò nghèo không được đến trường, đến lớp mà đã nhịn ăn, nhịn mặc để góp tiền lập quỹ khuyến học. Vào những ngày lễ, Tết, những món quà các em tặng chỉ là quả bưởi, quả cam vườn nhà nhưng luôn đong đầy tình cảm. Cách đây ít ngày thôi, tôi được nghe tâm sự của các thầy cô ở vùng bão lũ miền Trung, họ chẳng mong ước gì cho riêng mình mà chỉ mong các em học sinh có thêm sách vở, quần áo ấm để đi học qua mùa rét...

Nếu cho lựa chọn, tôi tin rằng, tất cả thầy cô sẽ chọn món quà là thành tích học tập, sự trưởng thành của từng học sinh. Với họ, mỗi học sinh trở thành một người tốt, có ích cho xã hội chính là món quà vô giá.

HÀ LINH