Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí.
Phóng viên (PV): Mới đây, Viện Báo chí đã tổ chức công bố bộ nhận diện mới của viện. Đề nghị bà cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Tháng 1-2019, Viện Báo chí chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu báo chí-truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là dấu mốc mới khẳng định sự phát triển của Viện Báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng báo chí-truyền thông trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 |
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng. |
Với mong muốn có một bộ nhận diện mới, cuối tháng 1-2019, Viện Báo chí đã phát động Cuộc thi “Thiết kế nhận diện Viện Báo chí” nhằm tìm kiếm một bộ nhận diện khái quát được giá trị, tinh hoa và tầm nhìn của Viện Báo chí. Sau 9 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 20 tác phẩm dự thi của 13 tác giả. Trên cơ sở một vài ý tưởng và chi tiết thiết kế của hai tác giả đoạt giải là ông Đinh Quang Hiếu, họa sĩ, Giám đốc Công ty TNHH OPAL và bà Nguyễn Minh Huệ-Freelance Graphic Designer, Viện Báo chí đã hoàn thiện bộ nhận diện mới với thành phần cốt lõi là logo và slogan. Logo được sáng tạo dựa trên 3 chữ cái đầu trong tên tiếng Anh của Viện Báo chí (Institute of Journalism, viết tắt tiếng Anh là IOJ). Slogan được tạo điểm nhấn vào chữ cái đầu tiên của hai từ “Bản lĩnh & Sáng tạo”, khi viết tắt slogan phiên bản tiếng Anh "Bravery & Creativity" là “BC”-cũng là viết tắt của từ “báo chí”.
PV: Phải chăng slogan “Bản lĩnh & Sáng tạo” được kết tinh từ giá trị cốt lõi “Bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới, cống hiến” mà Viện Báo chí đã xác định ngay từ ngày đầu thành lập, thưa bà?
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Xuất phát từ đặc trưng slogan cần ngắn gọn, súc tích mà vẫn bao hàm, khát quát được định hướng, tầm nhìn, sứ mệnh của viện, chúng tôi thống nhất chọn hai đặc trưng cơ bản nhất làm nên phẩm chất, năng lực của nghề báo và người làm báo, đó là bản lĩnh và sáng tạo.
Bản lĩnh thể hiện tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vì những mục tiêu cao cả của nghề báo, vì sự công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Là cơ sở đào tạo nhân lực báo chí-truyền thông của trường Đảng, Viện Báo chí luôn quan tâm chú trọng giáo dục, rèn luyện, bồi đắp bản lĩnh cho sinh viên báo chí ngay từ khi học tập ở trường nhằm giúp các em có một “độ chín” cần thiết về ý thức, trách nhiệm chính trị để vững vàng, tự tin hành nghề sau này.
Sáng tạo là đặc trưng cơ bản của nghề báo. Giá trị nghề nghiệp báo chí được xã hội thừa nhận là những sản phẩm có tính sáng tạo nhằm hấp dẫn bạn đọc và phục vụ lợi ích nhân dân, lợi ích đất nước. Thực tế cho thấy, sáng tạo là yếu tố góp phần làm nên tên tuổi của mỗi nhà báo. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cùng với yếu tố bản lĩnh, tinh thần sáng tạo là thước đo cơ bản để làm nên vị thế của mỗi nhà báo cách mạng nói chung, của sinh viên báo chí trường Đảng nói riêng.
 |
Sinh viên báo chí tham quan triển lãm “Nhà báo chiến sĩ” do Viện Báo chí tổ chức. Ảnh: ĐỨC NAM. |
PV: Sau gần một năm thành lập và đi vào hoạt động, Viện Báo chí hướng tới tập trung vào những vấn đề cơ bản gì để nâng tầm vị thế, thương hiệu của viện?
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Ngay sau khi đi vào hoạt động, tháng 3-2019, viện đã tổ chức ra mắt Hội đồng tư vấn ngành Báo chí với 11 thành viên là những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý báo chí-truyền thông có uy tín. Hội đồng có chức năng tư vấn cho Viện Báo chí và Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí; tư vấn công tác hoạch định chiến lược đào tạo, quản lý báo chí, hợp tác quốc tế. Hội đồng đã tổ chức tọa đàm tư vấn chiến lược phát triển Viện Báo chí từ năm 2020 đến năm 2025, trong đó tập trung vào hai vấn đề lớn là tư vấn xây dựng Đề án chiến lược phát triển Viện Báo chí và tư vấn xây dựng các đề án nghiên cứu báo chí-truyền thông của Viện Báo chí.
Hiện nay và trong thời gian tới, Viện Báo chí tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí-truyền thông cho đất nước và đội ngũ lãnh đạo quản lý báo chí-truyền thông cho hệ thống chính trị; thực hiện các đề tài nghiên cứu lý luận và lịch sử báo chí-truyền thông, nghiên cứu ứng dụng về báo chí-truyền thông và các lĩnh vực có liên quan do Đảng, Nhà nước và Học viện Báo chí và Tuyên truyền giao; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, cung cấp luận cứ khoa học cho Trung ương Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về báo chí-truyền thông và lãnh đạo, quản lý báo chí-truyền thông; hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, tư vấn, dự án phát triển báo chí-truyền thông; tổ chức, thực hiện các dự án ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ phát triển báo chí-truyền thông.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó, Viện Báo chí chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao cả về phẩm chất trí tuệ, bản lĩnh, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần đổi mới, sáng tạo. Đồng thời tăng cường nghiên cứu, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo ngành báo chí chuyên sâu đối với cả bậc học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn; đào tạo và phát triển các ngành mới như truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện, cập nhật kết quả nghiên cứu của các ngành mới để bổ sung vào nội dung chương trình đào tạo báo chí; đào tạo sau đại học chất lượng cao và liên kết đào tạo quốc tế các ngành báo chí-truyền thông… Cùng với đó là xây dựng các giáo trình chuẩn cho các ngành, chuyên ngành đào tạo báo chí-truyền thông phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
THIỆN VĂN (thực hiện)