Cuộc làm việc có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Tổ phó Tổ công tác; Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; đại diện VPCP và các bộ, cơ quan...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục đạt được thời gian qua; đặc biệt là quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19: Chuyển nhanh sang dạy học trực tuyến; sớm điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, chất lượng…
 |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, làm việc với Bộ GD-ĐT. |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh mặc dù có nhiều điểm sáng được đánh giá cao nhưng mong muốn người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với ngành giáo dục còn lớn hơn nữa. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra một số nội dung Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa, liên quan đến số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên; bạo lực học đường; sách giáo khoa mới; thực hiện tự chủ đại học; cải cách thủ tục hành chính, chính phủ điện tử… Đặc biệt, các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao quyết tâm không để quá hạn, không hoàn thành.
Tổ công tác đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục tiếp thu các ý kiến, cầu thị để làm tốt hơn việc biên soạn, quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập.
Liên quan công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí trong TTHC của ngành.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt với ngành GD-ĐT do bị tác động của dịch Covid-19, bão lũ miền Trung. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết ngành GD-ĐT đã nỗ lực cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình, một số nhiệm vụ đã hoàn thành và một số hiện còn đang trong thời gian thực hiện.
Đề cập đến cải cách thủ tục hành chính, chính phủ điện tử, Bộ trưởng khẳng định đây là nội dung rất được Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục chú trọng, nhận thức rõ, quyết tâm cao. Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, Bộ GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành Giáo dục, để không chỉ thực hiện nhiệm vụ của ngành, của Bộ mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
 |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. |
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Tổ công tác để rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ còn chưa thực hiện, những hạn chế còn tồn tại; rà soát lại các thủ tục hành chính, cơ cấu lại theo hướng số hóa; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành Giáo dục, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để mang lại lợi ích cho chính học sinh, phụ huynh học sinh.
Bộ GD-ĐT cũng đã có kế hoạch và có sự hỗ trợ của Bộ Thông tin-Truyền thông, một số tập đoàn công nghệ thông tin để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành GD-ĐT. Nếu thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số sẽ là điểm đột phá trong phát triển nhân lực và đào tạo của ngành GD-ĐT.
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2020, Bộ này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 14 văn bản, đến nay đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 6 văn bản, đạt tỷ lệ trên 42%, 5 văn bản đã trình nhưng chưa được ban hành, còn 2 văn bản chưa trình.
Về nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên hệ thống trực tuyến, đến hết tháng 11-2020, Bộ đã hoàn thành 45 trên tổng số 49 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30-11, đạt tỷ lệ hơn 91%…
Tin, ảnh: KHÁNH HÀ