Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm và những biến đổi không ngừng của trang phục này để định hình thành một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa và biểu tượng trang phục của Việt Nam.

Nhận diện giá trị văn hóa của áo dài

Trong Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Hội LHPN Việt Nam cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa tổ chức tại Hà Nội, rất nhiều tham luận của học giả, nhà nghiên cứu đã phân tích rõ giá trị lịch sử, văn hóa trang phục áo dài của người Việt. Ở đó, những chặng đường mà áo dài đã đi qua, cách áo dài thay đổi khiến người nghe thấy rất thú vị.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho biết, không ai xác định được áo dài chính thức xuất hiện từ bao giờ, nhưng chắc chắn không phải xuất phát từ Trung Quốc, Ấn Độ… mà áo dài của người Việt mang màu sắc riêng. Với những hình ảnh đính kèm tư liệu, nhà nghiên văn hóa Trịnh Bách chứng minh sự hiện diện áo dài của người Việt tồn tại hàng trăm năm với rất nhiều lần cách tân; từ cách làm Tây hóa tay lửng, vạt dài, bóp eo qua các bàn tay thiết kế của họa sĩ Nguyễn Cát Tường hay Lê Phổ, Lê Thị Lưu, Thanh Khánh…; đến áo dài thắt dây eo rộ lên ở đất Sài Gòn những năm 1963, 1964 và đến nay là những bộ áo dài mặc cùng với váy-cách mặc đang rất phổ biến, được đông đảo chị em ưa chuộng.

Trình diễn các mẫu áo dài trong Lễ hội “Áo dài Hội An-Danh thắng Việt Nam” tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua tại Công viên ấn tượng Hội An (Quảng Nam).

TS Trần Thị Biển (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định, giá trị của chiếc áo dài qua sự ảnh hưởng nhất định tới nền văn học, nghệ thuật. Hội họa hiện đại Việt Nam ghi nhận những tác phẩm nổi tiếng gắn với hình bóng chiếc áo dài: “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung” của Nguyễn Gia Trí; “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân… Ngày nay, nhu cầu sử dụng áo dài của phụ nữ Việt Nam vẫn diễn ra ở mọi mặt trong đời sống xã hội; trang phục áo dài đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của các nhà thiết kế trong và ngoài nước, đặc biệt là từ đầu thế kỷ 21.

Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh cho rằng, qua nhiều thời kỳ, qua sự thăng trầm của lịch sử nhưng áo dài luôn chứng minh được vẻ đẹp vĩnh cửu của mình. Với tình yêu trang phục áo dài truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, NTK Minh Hạnh và rất nhiều NTK khác đã làm mới áo dài bằng sự sáng tạo, tư duy của thời đại trên những chất liệu truyền thống. Những bộ áo dài, bộ sưu tập thiết kế áo dài xuất hiện ở các lễ hội áo dài, trên sàn diễn thời trang trong nước, quốc tế… và đặc biệt luôn xuất hiện cùng gương mặt đại diện cho Việt Nam tham gia các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp quốc tế. Áo dài luôn là bộ trang phục truyền thống đại diện cho Việt Nam "đọ" với trang phục của các quốc gia. Người Việt Nam ở nước ngoài luôn lựa chọn mặc áo dài trong những dịp đặc biệt. Đây chính là câu chuyện truyền cảm hứng về tình đoàn kết, lòng yêu nước, là điều chúng ta luôn rất cần.

Xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc tế cho áo dài Việt Nam

Mặc trên mình mẫu áo dài của bộ sưu tập mang chủ đề “Nhã nhạc cung đình Huế” của NTK Ngọc Hân để tham gia trình diễn trong sự kiện “Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam và Bộ VHTTDL tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám tối 28-6, bà Paola Belfiore, phu nhân Đại sứ Italy tại Việt Nam cho biết, bà rất vui khi được NTK Ngọc Hân mời mặc mẫu áo dài mới nhất do cô thiết kế. Bà biết áo dài của Việt Nam từ rất lâu, nhưng thú vị hơn khi được làm người mẫu trình diễn áo dài cùng phụ nữ Việt Nam trong một sự kiện nhằm tôn vinh áo dài truyền thống, đặc biệt là khi nghe Ngọc Hân nói về ý nghĩa của bộ sưu tập-giới thiệu nét văn hóa của Cố đô Huế.

Theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã có nhiều hội thảo về áo dài, nhưng hội thảo khoa học lần này có ý nghĩa rất lớn trong việc chúng ta chuẩn bị thực hiện hồ sơ “Trang phục áo dài Việt Nam” đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Hội thảo và các hoạt động liên quan như trưng bày “Áo dài Việt xưa và nay”, “Lễ hội văn hóa áo dài”… là việc cần thiết hiện nay, khi mà ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng áo dài sai cả ở trong nước cũng như quốc tế; khi mà tranh cãi ở nước nào đó họ sử dụng áo dài của chúng ta theo cách ăn cắp bản quyền, không tôn trọng tới việc liên quan đến áo dài. Đây cũng là thời điểm để chúng ta xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho áo dài Việt Nam; xây dựng những câu chuyện, hình thức quảng bá để toàn thế giới biết về áo dài Việt Nam, để người dân có hiểu biết đầy đủ hơn về áo dài.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, các di sản đã được UNESCO vinh danh có những điểm tương đồng, gần gũi với hồ sơ áo dài Việt Nam. Hiện có 27 di sản của 25 quốc gia có liên quan đến kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật dệt, nghệ thuật dệt lụa, dệt thảm, dệt thổ cẩm truyền thống, như: Batik của Indonesia; truyền thống dệt thảm ở Chiprovsti (Bulgaria); cách làm và sử dụng khăn trùm đầu bằng lụa cho phụ nữ ở Azerbaijan; áo vỏ cây Uganda… Từ kinh nghiệm của các di sản đã và đang đề cử vào danh sách của UNESCO, có thể thấy, việc lập hồ sơ “Trang phục áo dài Việt Nam” trình UNESCO sẽ rất khả quan.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN