QĐND - Cái dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương trước đây thường được các nhà phê bình trả lời theo hai cách: Hoặc là tồn tại hoặc là không tồn tại.
“Trường phái có” tuy nói có nhưng lại sợ Hồ Xuân Hương mất giá nên cho rằng thơ bà có nhiều “con ranh con lộn” và những bài thơ dâm tục mà không có tính tư tưởng cao hoặc nghệ thuật điêu luyện thì đích thị là những “thai hoang” dân gian lẫn vào. Còn thơ Hồ Xuân Hương đích thực là những bài thơ có tính phản phong nên dâm tục trở thành không dâm tục nhờ mục đích bào chữa cho phương tiện. Nhưng chính họ thú nhận, không thể tách bóc cái dâm tục ra khỏi cái tư tưởng hoặc cái nghệ thuật, thậm chí ở nhiều bài thơ càng dâm tục thì tư tưởng nghệ thuật càng cao.
“Trường phái không” dựa vào triết học tự nhiên biện hộ rằng cái ấy, chuyện ấy là nhu cầu tự nhiên của con người-như ăn uống và hít thở khí trời-nên không có gì là dâm tục cả. Nói vậy chỉ đúng trên phương diện lý thuyết, còn trong hiện thực đời sống không ai giữa thanh thiên bạch nhật ở nơi chính thức mà lại nói to lên những chuyện ấy cả. Nó vẫn là chuyện kín! Bởi vậy, trong ý thức chính thống của xã hội, chuyện ấy, cái ấy vẫn là dâm, là tục .
Như vậy, "không" và "có" là những trả lời đối nghịch nhau, nhưng đều lúng túng và tự mâu thuẫn. Theo tôi, nguyên nhân là ở phương pháp tư tưởng, ở lối tư duy biện biệt, “trắng đen rõ ràng”. Vì thế cần phải trở lại với lối tư duy nhất nguyên, cần phải chứng minh được cái dâm, cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương vừa là có vừa là không. Như vậy thì một mặt bảo lưu được cái đặc sắc, sự hấp dẫn của thơ Hồ Xuân Hương, mặt khác bảo vệ được “quyền tồn tại hợp pháp” của thơ bà.
Nhưng làm thế nào để chứng minh được thơ Hồ Xuân Hương vừa thiêng vừa tục, vừa thanh vừa tục, hay đúng hơn thiêng tục là một, thanh tục là một. Vượt qua được cám dỗ của học thuyết Phơ-rớt với đường mòn dồn nén-ẩn ức-thăng hoa, tôi đi tìm một hệ hình (paradigme) mới bằng cách lần theo đường dây lịch sử: Thơ Hồ Xuân Hương-văn hóa dâm tục-lễ hội nông nghiệp-tục thờ cúng sinh thực khí-tín ngưỡng phồn thực. Như vậy, điểm mấu chốt, đích đến của hành trình ngược thời gian này là tín ngưỡng phồn thực, một tín ngưỡng xuất hiện từ thời Đá mới, khi nhân loại vừa biết trồng trọt và chăn nuôi, cầu mong nhiều (phồn) sinh sôi nảy nở (thực). Vậy tín ngưỡng phồn thực là niềm tin, sự cầu mong sinh sôi nảy nở ở động vật, cây cối và cả ở con người. Nhưng người nguyên thủy không tư duy trừu tượng mà tư duy hình tượng, nên sự sinh sôi nảy nở, một ý niệm trừu tượng, được biểu tượng hóa ở âm vật, dương vật và hành động tính giao. Như vậy, ở tín ngưỡng phồn thực, tôn giáo và tính dục là một, nên cái thiêng (sacré) và cái tục (profane, impure) cũng là một, hay thiêng tục xoắn luyến nhau, trong thiêng có tục trong tục có thiêng. Chỉ sau này, khi xã hội phân hóa, nhất là khi xuất hiện các tôn giáo lớn với chủ nghĩa cấm dục hoặc tiết dục, thiêng tục mới rã ra thành những yếu tố độc lập và đối lập. Và dâm tục trở thành cấm kỵ.
Nối cái dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương với tín ngưỡng phồn thực như vậy đã giải quyết được vấn đề hợp nhất thiêng-tục, thanh-tục. Nhưng làm thế nào mà tín ngưỡng phồn thực (ra đời khoảng 7000 năm tr.CN) vượt qua được vực thẳm thời gian để đến với thơ Hồ Xuân Hương? Đến đây tôi phải viện dẫn lý thuyết của C.Dung về vô thức tập thể, đặc biệt về siêu mẫu (archétype). Với thời gian, đặc biệt là khi các tôn giáo lớn ra đời và đầy áp lực, tín ngưỡng phồn thực đi vào vô thức tập thể, tồn tại dưới các dạng siêu mẫu hoạt động trong ký ức cộng đồng và tạo ra những biểu tượng gốc trong sáng tạo văn học nghệ thuật của tập thể và cá nhân. Sự “di truyền văn hóa” này làm cho dòng chảy của ký ức, một kiểu “trí nhớ thể loại” (Ba-khơ-tin) được liên tục, bất chấp các khoảng cách không gian và thời gian.
Nghiên cứu Hồ Xuân Hương, bởi vậy, trước hết tôi chú ý đến hệ thống biểu tượng phồn thực rất phong phú và đa dạng trong thơ bà. Tôi chia chúng thành biểu tượng gốc và biểu tượng phái sinh. Biểu tượng gốc như hang, động, khe, giếng, hầm… (âm vật); sừng, chày… (dương vật); đánh đu, giã gạo… (hành động tính giao) liên quan đến siêu mẫu, mang ý nghĩa phồn thực cả trong văn bản thơ Hồ Xuân Hương lẫn trong ngôn ngữ thường ngày. Đó là kho trời chung mà nữ sĩ lấy làm vô tận của mình riêng. Biểu tượng phái sinh như cái quạt, miệng túi càn khôn… (âm vật); con suốt, đầu sư, cán cân, dao cầu… (dương vật); dệt cửi, (ong) châm, (dê) húc… (hành động tính giao) là sáng tạo riêng của cá nhân Hồ Xuân Hương. Biểu tượng phái sinh chỉ có ý nghĩa phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương, còn ngoài vùng phủ sóng ấy, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, nó không hề gợi đến cái ấy, chuyện ấy.
Một điều đáng lưu ý là ở mỗi biểu tượng thơ Hồ Xuân Hương đều lấp lánh hai nghĩa thiêng và tục, thanh và tục. Ví như, đánh đu là một trong những biểu tượng tính giao có lẽ cổ sơ hơn cả. Đó là một trò chơi không thể thiếu được trong những ngày Tết hoặc hội xuân ở làng quê. Mùa xuân là lúc trời đất, âm dương giao hòa, thuận lợi cho muôn vật sinh sôi nảy nở. Bởi vậy, để cân bằng âm dương, thường thì một nam một nữ cùng chơi. Trường hợp bất đắc dĩ, nếu hai người cùng giới “lên đánh” thì những “kẻ ngồi trông” ở bên dưới phải khác giới. Khi cây đu chuyển động thì chính là sự chuyển động của người đàn ông (so với người đàn bà) từ nằm dưới lên nằm trên, rồi lại từ nằm trên xuống nằm dưới. Còn người đàn bà thì ngược lại. Đây là sự bù trừ, đắp đổi, sự giao hòa năng lượng nam và năng lượng nữ mang ý nghĩa phồn thực.
Ví dụ, bài thơ “Đánh đu” của Hồ Xuân Hương đầy những chuyển động, những màu sắc, không khí tươi vui của xuân trong trời đất và xuân trong lòng người: “Trai đu gối hạc khom khom cật”, “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, “Bốn mảnh quần hồng bay phới phới”, “Hai hàng chân ngọc duỗi song song”. Những hình ảnh trên cộng với cách dùng từ dôi nghĩa như "trồng" (tiếng miền Bắc đọc chệch là “chồng”), xếp chồng lên nhau, chồng vợ: Bốn cột khen ai khéo khéo trồng! Phụ âm đầu c, l trong câu “Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”, các từ láy đôi đầy ám ảnh: Khéo khéo, khom khom, ngửa ngửa, phới phới, song song, làm bài thơ dậy lên nghĩa khác, nghĩa tục, chỉ hành động tính giao.
Như vậy, những biểu tượng phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương vừa không phải là tục vừa là tục. Bởi nó gắn liền với một điều thiêng liêng là sự cầu mong sinh sôi nảy nở cho mùa màng, con người, động vật, cây cối. Trong ý thức dân gian, người nông dân cũng không coi đó đơn thuần là dâm tục, vì người ta không tách rời những biểu tượng này khỏi sự cầu mong phồn thực. Trong các lễ hội, thơ Hồ Xuân Hương là sự vi phạm một cách trang nghiêm các cấm kỵ do ý thức xã hội dựng lên. Những lễ hội là một không-thời gian đặc biệt, trong đó những cái không thể của đời thường đã trở thành có thể, nên cái hành động bất thường là vi phạm cấm kỵ kia được chấp nhận là bình thường. Còn thơ Hồ Xuân Hương, vi phạm cấm kỵ trong đời thường, giữa thanh thiên bạch nhật, bằng chữ nghĩa, bằng thơ. Chính điều này đã gây một phản ứng dữ dội của các ý thức chính thống. Còn về phía nhà thơ thì đó là một thách thức lớn đối với xã hội và với bản thân bà.
Có thể nói, luận thuyết tín ngưỡng phồn thực không những làm cho thơ Xuân Hương thành một chỉnh thể, mà còn mở ra cho nó những chiều kích tư tưởng và thẩm mỹ mới. Cuộc phiêu lưu này đã làm cho tôi ngộ ra được một điều là một hiện tượng văn học quá khứ chỉ có thể bộc lộ được giá trị của nó trong cái nhìn của thời hiện đại, của lý thuyết và phương pháp hiện đại.
PGS, TS ĐỖ LAI THÚY