Tiếng nói người trong cuộc

TS A Tuấn, người dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum là một trong những hội viên thuộc thế hệ “8X” (sinh năm 1982) của Hội VNDG Việt Nam. A Tuấn cũng là một trong những nhà nghiên cứu trẻ nhất từng giành giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam trao năm 2017 cho công trình nghiên cứu: “Nghi lễ cộng đồng người Xơ Teng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum”. A Tuấn kể, công trình là đề tài khoa học bảo vệ luận án tiến sĩ, được anh phát triển từ các công trình nghiên cứu nhỏ, như: Văn hóa cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, lễ ăn trâu... của cộng đồng người Xơ Teng (một nhánh của đồng bào dân tộc Xơ Đăng). Qua công trình, A Tuấn muốn đóng góp “tiếng nói của dân tộc mình” để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có thêm góc nhìn về văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, khơi dậy niềm tự hào của đồng bào; cũng như quản bá những giá trị và nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Theo A Tuấn: Lâu nay, văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được rất nhiều nhà khoa học sưu tầm, nghiên cứu. Tuy nhiên, còn ít các công trình cụ thể cho từng cộng đồng dân tộc. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đang bị mai một rất nhanh. Chọn con đường nghiên cứu, A Tuấn nhận ra: Để đạt hiệu quả nhất có lẽ chính là người trong cuộc mới hiểu hết, nói hết được câu chuyện văn hóa của cộng đồng mình.

Nghi lễ thực hành mừng lúa mới của đồng bào Xơ Đăng. Ảnh: Hồng Minh.

Khi tác giả thực hiện bài viết này, TS A Tuấn gọi điện thoại báo tin vui: Sau 10 năm ở Thủ đô để học hỏi và làm công tác nghiên cứu, tôi vừa nhận quyết định trở về quê hương để nhận nhiệm vụ công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum. Chúng tôi gửi lời chúc mừng tới tiến sĩ người đồng bào Xơ Đăng. A Tuấn nói, mong mỏi trong thời gian tới là được hiện thực hóa các công trình nghiên cứu về văn hóa cộng đồng. Đó là đưa công trình nghiên cứu vào đời sống thực tế của đồng bào, kêu gọi sự ủng hộ tham gia của đồng bào, bên cạnh các chính sách bảo tồn phát huy văn hóa của địa phương để làm sao văn hóa của đồng bào có sức hút, thu được lợi nhuận. Phương cách A Tuấn đưa ra, là quy hoạch và xây dựng nên các làng văn hóa du lịch cộng đồng, tạo môi trường cho đồng bào thực hành văn hóa, thực hành nghi lễ, góp vào việc gìn giữ, lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa, tạo nên không gian trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.

Phát huy nguồn lực văn hóa

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh trăn trở, nguy cơ đứt gãy văn hóa dân tộc là thách thức đối với người làm nghiên cứu văn hóa dân gian. Với sự lo ngại đó, trong nhiều năm qua, hội đã đẩy mạnh tiến độ thực hiện và hoàn thành “Dự án Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam”-một trong những nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước giao. Đến nay, đã có 2.500 công trình được in, có tiếng Việt, có tiếng dân tộc, như: Tày, Thái, Dao... được phiên âm tương đối chuẩn xác, góp phần “cố định hóa” lao động của hội viên Hội VNDG Việt Nam trong hơn 30 năm qua, cũng như cố định hóa văn hóa dân gian của hầu hết cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong hơn 1.000 năm bằng các xuất bản phẩm. Mong muốn trong nhiệm kỳ mới (2020-2025), kho sách này sẽ được đầu tư số hóa; đồng thời còn hơn 1.500 công trình nữa sẽ tiếp tục được in, xuất bản.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho rằng: "Chúng ta đã có một kho công trình lớn, hội tụ tâm huyết, giá trị văn hóa nghìn đời của dân tộc. Nhưng hãy coi đó là nguồn lực văn hóa để các thế hệ hôm nay và sau này tiếp tục phát huy. Những người nghiên cứu ngày nay, những nghệ sĩ trình diễn VNDG trẻ là lớp người kế cận, tư tưởng, kiến thức, lối sinh hoạt không giống nghệ nhân xưa. Vậy cách tiếp cận, cách thể hiện cũng không thể bê nguyên xi theo các bậc cha anh đã làm, mà phải biết sáng tạo, ứng dụng các giá trị văn hóa đó làm sao cho phù hợp với đời sống thưởng thức của khán giả ngày hôm nay".    

 VƯƠNG HÀ