Các nghệ sĩ già say sưa luyện tập để phục vụ du khách
Như báo Quân đội nhân dân từng thông tin và gần đây chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” phát trên sóng VTV3 của đài Truyền hình Việt Nam đã giới thiệu làng Then, xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang nổi tiếng với tên gọi “Làng vĩ cầm” (vi-ô-lông). Hiện nay, làng Then đã trở thành một địa chỉ nhộn nhịp đón khách ta, khách “tây”. Song song với phong trào chơi vĩ cầm ngày càng “nhà nghề”, người dân nơi đây đã biết cách mở cửa làm kinh tế, khẳng định thế đứng vững chãi của mình trong xu thế phát triển chung của toàn dân tộc.

Bàn tay chơi đàn, bàn tay canh tác

Then là một ngôi làng cổ kính, bao quanh một quả đồi, chúng tôi không thể không ngạc nhiên khi chứng kiến bên trong những cánh cổng làng còn giữ được dáng vẻ rêu phong cổ kính có lâu đời, là những ngôi nhà khang trang với bộ bàn ghế khảm trai sang trọng, thay thế chiếc bếp củi khói rơm nghi ngút là những chiếc bếp ga sáng loáng... Những cái ao làng, luống hoa màu tươi tốt, những vườn cây cảnh nghệ thuật, chậu non bộ đang được chăm bón tỉ mỉ... Tất cả nói lên sức sống của một mô hình làm kinh tế khá năng động của ngôi làng. “Nếu chỉ trông chờ vào hai vụ lúa thu hoạch thì lãng phí thời gian và sức lực quá. Trời ban cho đất đai màu mỡ, chúng tôi lại lần mò học cách gieo trồng các loại cây hoa màu như: xúp lơ, cải bắp, hành tây, cải cúc cung cấp rau cho Bắc Giang và một số tỉnh lân cận... Đám thanh niên từ thành phố về lại say mê với thú chơi cây cảnh, vậy là nghề làm cây nghệ thuật: xanh, si, thông, tùng, bách lại rộ lên, có nhà “rót” vào cơ ngơi cây cảnh của mình lên tới 80 triệu đồng... “Nghề này mới được du nhập về đây chưa đầy 15 năm nhưng chúng tôi làm ham lắm, cũng đi học trên Hà Nội về rồi lập ra CLB sinh vật cảnh để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm bón, cắt tỉa, chọn giống hạn chế tối đa những rủi ro. Cái nghề này không thể sốt ruột được, nuôi dưỡng vài năm mới cho ra kết quả nhưng chúng tôi ai cũng thích, có lẽ hợp với “máu nghệ sĩ” của mình, ông Nguyễn Văn Hành, nguyên Bí thư xã Thái Đào tâm sự. Tận dụng những thước ruộng trũng bà con đã bỏ công sức và chút vốn liếng đào ao để thả cá, đời sống nhân dân làng Then có bát ăn bát để, không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày, mà những chuyến buôn bán liên tỉnh nhộn nhịp đi, về.

Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt. Số hộ nghèo chỉ chiếm 10% trong xã nên hầu như không còn tình trạng bỏ học từ cấp 2, biết tận dụng và phát huy lợi thế từ niềm đam mê âm nhạc nên hiện nay lớp trẻ đã theo học các trường nghệ thuật khá đông: khoa chèo, khoa vi-ô-lông của Nhạc viện Hà Nội, rất nhiều người đã trở thành thành viên của đoàn văn công tỉnh, thậm chí còn tham gia lãnh đạo nghệ thuật cấp Trung ương (Nghệ sĩ Bùi Đắc Sừ-Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam; diễn viên, đạo diễn chèo Đức Minh)... Làng Then vừa dự lễ "vinh quy bái tổ", của tiến sĩ hóa dầu Nguyễn Đức Chính từ Thuỵ Sĩ trở về, là giảng viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên, nay lại tiếp tục sang Anh để học lên cao. Anh Nguyễn Đức Chính kể về gia đình mình, một trong số hiếm gia đình có 3 đời kiên trì theo đuổi học chơi vi-ô-lông: “Mỗi lần bước chân vào cổng làng một cảm giác lâng lâng khó tả khi tiếng vĩ cầm réo rắt cất lên. Dù đi đâu chúng tôi cũng tự hào về ngôi làng có vốn âm nhạc đáng nể. Những người phụ nữ làng tôi cũng rất tự hào. Không thể nào quên mỗi khi nhắc đến những năm mẹ tôi phải bán 2 con trâu mộng để mua bằng được cho bố tôi cây vi-ô-lông hằng ao ước. Bà luôn tạo điều kiện để ông chơi đàn, không lần diễn nào của bố, mẹ lại vắng mặt. Tối về bà lại thức đêm tuốt lúa, vặt lạc, thái khoai, chăm lợn... Vậy mà kinh tế gia đình vẫn “ổn”!

Vẫn ngân vang tiếng vĩ cầm

Ông Nguyễn Văn Vít 76 tuổi người cao tuổi nhất trong dàn nhạc bộc bạch: “Năm 1950, một số cụ đi học ở nước ngoài, sau đó về truyền dạy cho lớp con cháu. Sau này, ông Thọ ở Ty Văn hóa mời thầy Bài, cán bộ Đài phát thanh Trung ương về dạy nhạc cho làng, gia đình tôi tình nguyện nhận nuôi thầy, hằng ngày cõng thầy lên lớp, sáng đi cày, trưa về tranh thủ tập để chiều “sát hạch”. Hồi đó chúng tôi ham học lắm, đua nhau chơi đàn để không ngượng vì thua bạn. Ngày mùa, tranh thủ lúc ngủ trưa, chúng tôi kéo nhau xuống “nhà ngang” xa ngõ, bịt đàn để tiếng không vang xa ảnh hưởng đến mọi người. Ban đầu chưa biết đọc nốt nhạc trên khuông, chúng tôi phải phiên ra bằng chữ, thầy dạy bài bản, từ học từng nốt nhạc đến những bài đơn giản, rồi phức tạp, muốn học được bài bản chí ít phải mất 2 năm miệt mài”.

Tất bật, nhộn nhịp nhiều khi “mệt vì vui” được tiếp khách trong và ngoài nước đến tham quan. Từ khi được truyền hình đưa tin, báo chi viết bài, người dân làng Then càng ý thức được “báu vật gia truyền” của mình, càng mong muốn dạy lớp trẻ “cho chúng biết chơi đàn, biết hát làm phong phú cho đời sống tinh thần, góp vào sự phát triển chung của xã, thôn”. Ông Nguyễn Hữu Đưa, lứa “nghệ sĩ” được đào tạo bài bản đầu tiên của làng, hiện là “nhạc trưởng” của dàn nhạc vi-ô-lông cho biết: “Sắp tới đoàn Thuỵ Điển sang, nên chúng tôi tăng cường buổi tập, viết kịch bản và lựa chọn những tác phẩm hay nhất để “trình khách” như: “Làng tôi”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Trèo lên trái núi Thiên Thai”, “Diệt phát xít”, “Đây Thủ đô ngàn năm tươi sáng”... Ông kể tiếp: “Cách đây hai năm có một đoàn khách gồm một người Ca-na-đa, hai người Pháp, một người Mỹ biết làng Then qua chương trình VTV4, về thăm và trò chuyện: Chúng tôi không thể tin được một làng quê nghèo ở Việt Nam lại biết chơi một loại nhạc cụ hiện đại, ở Mỹ chưa xuất hiện điều này”. Người đưa chủ đề, người hát, người hòa nhạc; cuối cùng chúng tôi “đãi” họ những món ăn dân dã, mọi khoảng cách ngôn ngữ và mặc cảm ban đầu của những cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Chúng tôi đã có một ngày thật vui và đầy ắp kỷ niệm, họ nói sẽ trở lại và mang cho chúng tôi nhiều bất ngờ.

Hiện nay, vấn đề khó nhất là việc truyền dạy cho lớp trẻ bởi các cháu nhỏ thì đi học cả ngày, lớn chút nữa lại phải phụ giúp gia đình, thanh niên trong làng chủ yếu ra thành phố đi học hoặc đi làm thuê nên muốn truyền dạy cũng chỉ tranh thủ dịp hè, tết hoặc hội làng các thế hệ mới có dịp gặp gỡ và trao đổi. Đời sống đi lên dù muốn hay không người ta vẫn phải lo cái ăn, cái để, không thể dành hết thời gian cho những thú vui mà không có chút thu nhập nào. Ông Hành tâm sư: “Giới trẻ đang bị cuốn hút bởi những trò giải trí mới: Internet, nhạc rock, jazz, hip-hop... chả mấy cháu kiên trì theo đuổi học vĩ cầm trong vài năm. Lớp già chúng tôi bây giờ tuổi cao, chân tay cứng nên lòng đam mê cũng không thể chống lại được thời gian. Chúng tôi sẽ phải tìm nhiều cách để truyền dạy, xây dựng nên trong lớp trẻ của làng phong trào học nhạc, chơi vi-ô-lông, biểu diễn nghệ thuật để làng Then ngày càng giàu mà sang.

Bài và ảnh: THANH HÒA