Từ xưa đến nay, đấu vật là một trò chơi dân gian xuất hiện ở hầu hết các làng, xã tại Việt Nam. Đấu vật dần trở thành nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Việt trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Nét đẹp đó được thể hiện ở câu ca dao: Ba năm chúa mở khoa thi/ Đệ nhất thi vật, đệ nhì thi bơi/ Đệ tứ thi đánh cờ người/ Phường Bông tứ xứ Mồng Mười tháng Ba.

leftcenterrightdel
Một keo vật trong hội vật Mai Động (Hà Nội). Ảnh: vietnamtourism.com 

Thật dễ hiểu khi ông cha ta đã chọn đấu vật để tuyển binh, chọn tướng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hay nhiều gia đình ở thời phong kiến đã dùng đấu vật làm cuộc thi để tuyển chồng cho con gái. Người chiến thắng trên các sới vật là người khỏe nhất, thông minh nhất. Đấu vật gắn liền với cuộc sống thường ngày, trong lao động của người Việt. Các trạng vật đều xuất thân là các trai tráng trong làng, quanh năm gắn liền với việc đồng áng. Những lúc rảnh rỗi, họ thường rủ nhau tập dượt võ thuật hay đọ sức qua đấu vật. Cũng giống như đám trẻ con ở mọi miền quê, người viết bài này thuở còn chăn trâu từng nhiều lần đấu vật với lũ bạn cùng trang lứa. Ai chiến thắng thì sẽ được suy tôn làm “đại ca” và được cầm đầu đám trẻ trâu trong các trò... quậy phá. Nhiều trạng vật cũng trưởng thành từ thời chăn trâu, làm đồng, họ nghĩ ra nhiều “miếng” vật độc, lạ để quật ngã đối thủ và dần nổi tiếng trong các hội vật.

Trải qua dòng chảy thời hiện đại, các hội vật vẫn giữ được nét cổ truyền, thể hiện tinh thần thượng võ và đoàn kết của người Việt. Hội vật luôn có sức hút đặc biệt, chỉ cần trống vật nổi lên là già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp trong xã hội đến vây quanh sàn đấu. Người ta xem đấu vật mà bình luận say sưa, khen chê rành rọt từng thế, từng miếng vật, từng keo vật theo từng tác phong của mỗi đô. Ví như hội vật Mai Động, Hồng Hà (Hà Nội); Thức Vụ (Nam Định); Đoan Hùng (Phú Thọ); làng Sình (Thừa Thiên-Huế)… có truyền thống lâu đời. Nổi tiếng nhất có lẽ là hội vật Mai Động, nơi được ví là “tổ lò vật” thu hút đông đảo người xem hằng năm. Vật Hồng Hà đã vượt qua biên giới để thu hút được nhiều đô vật ở nước ngoài đến đây đọ sức. Hội vật làng Sình được tổ chức vào mồng 10 tháng Giêng hằng năm cũng gây nhiều tiếng vang bởi tinh thần đồng đội, khi có một đô vật ở làng nào bị thua là ngay lập tức có một đô vật khác ở làng đó lên tiếp sức… Trong hội vật không phân biệt đẳng cấp, sang hèn. Các thanh niên quanh năm chân lấm tay bùn có thể thách đấu với những kiện tướng môn vật quốc gia, người nơi khác có thể đấu vật với người bản địa.

Khi lòng người đang háo hức về những ngày du Xuân, trẩy hội, tiếng trống của hội vật làng càng làm cho lòng người thêm xốn xang, chộn rộn trong những ngày đầu năm mới!

HỮU TRƯỞNG