Đầu năm, sáng, trưa, chiều, tối cứ bật ti-vi lên là bên cạnh nhiều chương trình thời sự, văn hóa sinh động, lại bắt gặp vô số các cuộc bàn tròn. Mục này có bốn năm giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân rôm rả về chuyện làm ăn, về thời hội nhập; ở chương trình kia nhà văn, nhà báo, nhà kịch, nhà ảnh... hùng hồn hào hứng về nghề, về sinh sống áo cơm, về tác phẩm để đời, tác phẩm lớn, tác phẩm bé...

Nhân đầu năm xem các “cuộc” bàn tròn này Mã quan tâm trong bài viết là ở một cuộc bàn tròn, các bạn văn cùng bàn chuyện cơm áo gạo tiền; rằng, viết văn nhưng còn phải sống; rằng, phải mở công ty, phải kinh doanh, lúc rỗi thì tạt vào vài buổi viết chơi; rằng, mỗi người phải có một nghề kiếm tiền, nghề văn là phụ, không dại gì dấn thân, hy sinh kiệt cùng cho văn học... Có thật viết văn chỉ "tạt vào" vài buổi, vài tuần; có thật nó không phải là nghề mà cứ thích là làm, không thích là bỏ; có thật văn chương không cần dấn thân...? Trớ trêu thay, vẫn các nhà văn ấy lại say sưa bàn đến tác phẩm lớn. Và cứ như các vị thổ lộ cùng bạn xem truyền hình, lại cũng chính các vị luôn ôm ấp, khát khao tác phẩm để đời chứ đâu phải coi chuyện viết văn là phụ. Chưa hết, sau khi bàn chuyện kinh doanh kiếm tiền trên rừng dưới bể; chuyện tác phẩm lớn... nhà văn nọ còn tự giới thiệu hàng loạt chức danh nào là dịch giả, nào dạy học, nào làm thơ, viết báo linh tinh gì gì không nhớ xuể, rồi tuyên bố xanh rờn đại thể: Dân tộc ta không có tác phẩm lớn, chỉ có dân tộc lớn mới có tác phẩm lớn... Ơ hay, thế Halldor Laxness (Băng Đảo), García Márquez (Cô-lôm-bi-a), Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ)... sinh ra ở đâu nhỉ? Mã tôi cũng không rành nhà thơ đa chức danh này định nghĩa thế nào thì được gọi là dân tộc lớn: số dân, diện tích đất đai, văn hóa hay vũ khí hạt nhân... Nếu tiêu chí là cường quốc kinh tế, quân sự thì Nobel văn học chỉ Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc... chia nhau lĩnh giải; còn khoảng 80% đến 90% các quốc gia khác trên khắp hành tinh chỉ ngồi một chỗ mà nhìn, mà ngắm tài năng xứ người ư?...

Chuyện văn chương là muôn thuở cõi người, thiên tài hàng thế kỷ đếm trên đầu ngón tay. Viết văn mà không muốn dấn thân, chỉ chăm chăm đánh quả kiếm tiền, quả nổi tiếng, nổi loạn hơn người mà còn khát khao tác phẩm lớn thì thật là chuyện đùa cười ra nước mắt. Còn văn học có phụ thuộc vào dân tộc lớn, dân tộc nhỏ hay không là chuyện phải bàn. Nhưng một sự thật đã khẳng định: Trong nghèo nàn khốn khó văn học dân tộc ta đã sinh ra Nguyễn Du, ra Truyện Kiều; liệu Truyện Kiều có được coi là tác phẩm lớn không hỡi các nhà văn bàn tròn văn học ti-vi?

MÃ PÍ LÈNG