QĐND - Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ còn đang tranh luận về câu tục ngữ này, có người còn cho rằng, câu ấy đọc đúng phải là: Khôn ngoan chẳng đọ thật thà, có nghĩa là sự khôn ngoan chẳng so đọ được với sự thật thà. Nhưng nhiều người lại nói phải đọc như vẫn dùng lâu nay. Tranh luận cho ra nhẽ về văn bản gốc vẫn là chuyện thường tình, nhưng hầu như ai là người Việt thì cũng biết câu tục ngữ ấy có nghĩa đề cao tính thật thà, quý trọng người thật thà. Dĩ nhiên sự khôn ngoan thì vẫn đáng quý đáng trọng. Một người vừa khôn ngoan lại vừa thật thà thì đáng kính biết bao!

Nếu xét dưới góc độ cấu trúc luận thì tục ngữ thường được hình thành từ hai vế câu đối lập nhau về nghĩa, nếu vậy thì hai chữ “khôn ngoan” trong câu tục ngữ này nên được hiểu theo nghĩa không tích cực, như khôn ngoan quá, lọc lõi quá chẳng hạn? Hiểu như vậy thì đọc là Khôn ngoan chẳng đọ thật thà sẽ đúng hơn chăng? Có người làm chức vụ rất cao, công việc rất sang trọng thế mà lại tham nhũng đến nỗi phải vào tù. Có người học vị học hàm rất cao thế mà lại đi “đạo văn” người khác đến nỗi phải tước bằng (dĩ nhiên là ngoại lệ, hiếm hoi). Thế thì những người này có thể là “khôn ngoan” thật nhưng lại không thật thà! Thế là có câu cửa miệng của người đời được bật ra: Khôn ngoan chẳng đọ thật thà.

Câu chuyện có thật đang làm xôn xao dư luận: Vợ chồng chị Hồng, quê Quảng Ngãi, làm nghề ve chai ở TP Hồ Chí Minh gặp may nhặt được 5 triệu yên Nhật tương đương hơn 1 tỷ đồng tiền Việt trong một thùng sắt phế liệu mua từ năm ngoái. Tuy gia cảnh nghèo (nghề ve chai thì lấy đâu mà giàu được) nhưng anh chị mang tiền đến nhờ công an phân xử. Anh chị cho biết, nếu được nhận tiền sẽ tặng mỗi người ve chai gần gũi một ít, còn lại gửi về quê cho các con ăn học. Anh chồng chị Hồng lại nói thêm: "Nếu tìm được chủ nhân thực sự của số tiền, vợ chồng tôi vui vẻ trả hết cho họ". Chúng ta lại liên tưởng đến những vụ “hôi của” đã vô cảm đến tàn nhẫn lại còn bất chấp pháp luật, có công an ngăn cản mà vẫn cứ ngang nhiên lấy của người làm của mình. Đối với anh chị làm nghề ve chai kia, với họ, hơn 1 tỷ đồng sẽ xây được nhà, sắm sanh được nhiều thứ, hoặc gửi tiết kiệm cũng sẽ có một khoản lãi đủ khỏi phải tần tảo mưu sinh giữa trời mưa nắng, giông gió… Nhưng họ đã không tham, thật đáng quý. Còn những kẻ hôi của kia thì đáng ghét, đáng khinh và đáng thương hại. Đáng ghét, đáng khinh vì tham lam quá đáng. Đáng thương hại vì dốt nát nên không hiểu pháp luật mà làm bậy.

Còn một số ít người có quyền cao chức trọng, đã có nhà cao cửa rộng, lắm tiền nhiều của mà còn tham ô của công, ăn hối lộ, ăn của đút… thì sao? Cũng cùng một “duộc” với những kẻ hôi của kia, đáng ghét, đáng khinh và đáng thương hại. Đáng ghét, đáng khinh vì là những hạng ăn bám, ăn mồ hôi nước mắt của dân. Đáng thương hại vì không hiểu quy luật nhân quả ở đời, không hiểu rằng pháp luật sẽ không tha thứ cho bất cứ ai gây ra tội lỗi.

Chuyên ngành văn hóa học phân biệt tương đối rõ các khái niệm ứng xử văn hóa và học vấn. Có những người học vấn cao nhưng lại có ứng xử văn hóa kém (như chuyện “đạo văn”, như làm chức to có cả học hàm học vị mà lại tham nhũng, đục khoét…). Lại có những người tuy học vấn có thể là thấp (như vợ chồng chị ve chai nọ) nhưng lại có hành vi ứng xử văn hóa rất cao. Rõ ràng học vấn và ứng xử văn hóa chỉ thống nhất chứ không hề đồng nhất. Thống nhất ở chỗ người có học vấn cao thì thường có những ứng xử văn hóa tương ứng. Không đồng nhất ở chỗ có người học vấn cao mà vẫn vô văn hóa như thường (tham nhũng, hối lộ, ăn của đút…).

Đúng là “Khôn ngoan chẳng lọ (đọ?) thật thà”!

Tục ngữ thường có nhiều dị bản dẫn đến nhiều cách hiểu. Xin mời bạn đọc cùng nhau trao đổi, bàn luận.

NGUYÊN THANH